Phía sau tuyên bố quan trọng của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông
Thành Đạt -
20/03/2019 14:50 (GMT+7)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gửi đi thông điệp quan trọng khi đưa ra tuyên bố gây chú ý liên quan tới hiệp ước phòng vệ chung với Philippines gần đây.
Ngày 1/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng, máy bay hoặc tàu dân sự của Philippines trên Biển Đông cũng sẽ kích hoạt các nghĩa vụ phòng vệ chung theo Điều IV hiệp ước phòng vệ chung của chúng tôi”.
Đối với nhiều nhà phân tích, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo dường như là động thái mạnh mẽ nhất của chính quyền Trump nhằm “tăng cường cam kết của Mỹ đối với các đồng minh đã được thiết lập” tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này đã được ghi nhận trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ năm 2017.
Giữa lúc diễn ra các cuộc đàm phán hạt nhân của Triều Tiên, căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, đàm phán thương mại Trung Quốc, tuyên bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu hút sự chú ý nhất định. Vì sao ông Pompeo đưa ra tuyên bố này và ngụ ý của ngoại trưởng Mỹ là gì?
Hiệp ước phòng vệ chung
Mỹ và Philippines đã ký hiệp ước phòng vệ chung vào năm 1951. Với văn kiện này, các đồng minh cam kết “đối phó với các mối đe dọa chung” trong trường hợp xảy ra “một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào vùng lãnh thổ đô thị của mỗi bên, hoặc nhằm vào vùng lãnh thổ đảo thuộc quyền tài phán của mỗi bên tại Thái Bình Dương, hoặc nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu và máy bay dân sự của mỗi bên tại Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, một vấn đề từ lâu vẫn chưa được làm rõ đó là liệu Biển Đông có nằm trong khu vực “Thái Bình Dương” mà hiệp ước phòng vệ chung Mỹ - Philippines sẽ được áp dụng trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang tại đây hay không. Nếu không, Philippines sẽ phải tự hành xử một mình trong trường hợp xung đột xảy ra và không nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.
Tổng thống Donald Trump từng hứa hẹn riêng với các nhà lãnh đạo Philippines rằng: “Chúng tôi sẽ ủng hộ các bạn”. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ quan chức nào của Mỹ thực sự ràng buộc Washington với Manila bằng việc công khai làm rõ những cam kết còn chưa sáng tỏ trong hiệp ước phòng vệ chung suốt hàng chục năm qua.
Do vậy, việc Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tuyên bố “Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương” rõ ràng là một động thái mạnh mẽ của Mỹ.
Tuyên bố từ 2 thập niên
Vào năm 1979, trong các cuộc đàm phán về dàn xếp lực lượng Mỹ tại Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance đã gửi một bức thư tới người đồng cấp Philippines Carlos Romulo.
Trong bức thư, ông Vance hứa hẹn rằng một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay Philippines ở Thái Bình Dương không cần thiết phải xảy ra trong vùng lãnh thổ đô thị của Philippines hay vùng lãnh thổ đảo thuộc quyền tài phán của Philippines ở Thái Bình Dương mới thuộc phạm vi định nghĩa “khu vực Thái Bình Dương” theo hiệp ước phòng vệ chung.
Tàu USS Blue Ridge, soái hạm Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, ở ngoài khơi Manila trong chuyến thăm thường kỳ tới Philippines hôm 13/3. (Ảnh: AP)
Vào năm 1999, khi căng thẳng với Trung Quốc tăng cao trên Biển Đông, Đại sứ Mỹ Thomas Hubbard đã khẳng định rằng Washington sẽ Washington “giữ nguyên lập trường trong bức thư Vance-Romulo vào ngày 6/1/1979… Mỹ coi Biển Đông là một phần của khu vực Thái Bình Dương”.
Với tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Pompeo đã khẳng định lại lập trường trên của Mỹ. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao mãi tới bây giờ, tức 20 năm sau tuyên bố của Đại sứ Hubbard, Mỹ mới làm rõ khái niệm “khu vực Thái Bình Dương” trong khuôn khổ hiệp ước phòng vệ chung với Philippines, ngay cả khi Manila đóng vai trò chiến lược ngày càng quan trọng với Washington.
Nỗi lo bị bỏ rơi
Khi Trung Quốc ngày càng cứng rắn trên Biển Đông, Philippines đã chuyển hướng sang Mỹ để nhờ cậy sự giúp đỡ. Năm 2012, Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough sau khi được cho là đã phá vỡ một thỏa thuận đàm phán với Mỹ. Sau đó năm 2013, Trung Quốc bắt đầu bồi đắp và quân sự hóa trái phép 7 thực thể tranh chấp trên Biển Đông.
Các quan chức Philippines buộc phải xoay xở để đối phó với Trung Quốc. Họ đề nghị chính quyền Tổng thống Barack Obama làm rõ cam kết hiệp ước chung, song Mỹ khi đó chỉ khẳng định cam kết của nước này vẫn “vững chắc”.
Trong khi đó, để đối phó với căng thẳng ngày càng tăng tại biển Hoa Đông, Tổng thống Obama đặc biệt tuyên bố Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật sẽ được áp dụng với quần đảo Senkaku - nơi Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền và Bắc Kinh gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Các điều khoản trong hiệp ước của Mỹ với Nhật Bản và Mỹ với Philippines đương nhiên sẽ có sự khác biệt. Tuy vậy, phía Manila vẫn xem cách tiếp cận khác biệt của Mỹ là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể sẽ “bỏ rơi” Philippines.
Khi lên nắm quyền tại Philippines vào năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục làm dấy lên nhiều quan ngại về mối quan hệ với Mỹ. Ông cũng bắt đầu công khai nghi ngờ giá trị của quan hệ đồng minh với Mỹ, thậm chí đòi lực lượng Mỹ rời khỏi Philippines.
Chính sách của chính quyền Trump
Khi chính quyền Trump bắt đầu tiếp quản Nhà Trắng, giới chức Mỹ lo ngại rằng Philippines có thể bỏ rơi Mỹ. Ông Duterte từng nhiều lần xích lại gần Trung Quốc và tuyên bố ông ủng hộ việc tách Philippines khỏi Mỹ. Tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana từng đề xuất đã đến lúc phải “duy trì, củng cố hoặc xé bỏ” liên minh với Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, việc Mỹ tái khẳng định cam kết đồng minh với Philippines có thể đẩy Washington vào thế lưỡng nan khi nguy cơ sa lầy vào một cuộc xung đột không mong muốn có thể gia tăng. Trung Quốc có thể thử thách “lằn ranh đỏ” mới của Mỹ.
Ngoài ra, sự ủng hộ của Mỹ với Philippines cũng có thể tạo ra tình huống rủi ro. Manila có thể ỷ lại việc có Mỹ cam kết hậu thuẫn và tiến hành những động thái nguy hiểm hơn.
Bất chấp những nguy cơ trên, chính quyền Trump vẫn quyết định tăng cường liên minh với Philippines. Trong một động thái mang tính biểu tượng quan trọng cho liên minh này, vào tháng 12/2018, các quan chức cấp cao của Mỹ đã đồng ý trả lại chuông nhà thờ Balangiga mà lính Mỹ từng chiếm giữ của Philippines như một chiến lợi phẩm trong một chiến dịch vào năm 1901. Tiếp đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo lại làm rõ khái niệm quan trọng trong hiệp ước với Philippines.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone