Phó chủ tịch VECOM: Mỗi ngày có 3,5 triệu lượt truy cập mua sắm trên các sàn thương mại điện tử

Anh Phan - 10/11/2020 18:27 (GMT+7)

(VNF) - Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM, đưa ra tại hội thảo “Giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và những vấn đề pháp lý quan trọng”.

VNF
Lượng truy cập mua sắm trên các sàn TMĐT tăng hơn 150%, đạt 3,5 triệu lượt/ngày.

Thông qua số liệu thống kê cụ thể, ông Dũng đánh giá việc hàng loạt các sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn.

Cụ thể, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Dẫn chứng số liệu từ Sách trắng TMĐT Việt Nam 2020, ông Dũng cho biết doanh thu TMĐT B2C tại Việt Nam năm 2019 là 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á.

Với những con số thống kê này, Phó chủ tịch VECOM nhận định hoạt động giao dịch trên sàn TMĐT đã và đang diễn ra rất sôi động, phát triển vô cùng nhanh chóng.

Lượt khách truy cập các sàn TMĐT Việt Nam. (Nguồn: VECOM)

Chia sẻ thêm về tiềm năng của thị trường TMĐT, ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc kinh doanh sàn Tiki, cho hay số lượng người sử dụng internet ngày càng gia tăng nhanh chóng. Xu hướng người sử dụng smartphone, dùng internet cao và tiếp tục gia tăng là động lực tăng trưởng của nền kinh tế số.

Cũng theo đại diện Tiki, Covid-19 đã tạo điều kiện bứt phá cho nền kinh tế số. Dẫn chứng số liệu, ông Thọ cho biết TMĐT Mỹ đã mất 10 năm để tăng tỷ lệ từ 5% lên mức 17% nhưng chỉ mất 3 tháng đầu năm 2020 gia tăng gấp đôi lên 34%. Tại Trung  Quốc, thị trường TMĐT 5 tháng năm 2020 đã tăng trưởng 11,5% điểm so với cùng kỳ năm trước trong khi thị trường bán lẻ giảm 13,5%.

Về xu hướng người dùng, đại diện Tiki cũng nhận định nhóm ngành hàng tiêu dùng có sự gia tăng rõ rệt sau Covid-19. Theo khảo sát, trước đại dịch, nhóm ngành hàng thời trang, điện tử, mỹ phẩm là các nhóm ngành dẫn đầu với hơn 50% lượng người dùng mua hàng online chọn mua. Tuy nhiên sau Covid-19, xu hướng mua hàng online với các nhóm hàng thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ tươi sống gia tăng rõ rệt.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, quản lý cấp cao Amazon Global Selling Vietnam, cũng cho biết quy mô TMĐT xuyên biên giới dự kiến vượt quá 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng của bán hàng tại cửa hàng.

Về xu hướng mới trong tiêu dùng và kinh doanh toàn cầu, ông Tuấn khẳng định khủng hoảng đi liền với cơ hội. Theo đó, sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tần suất mua sắm trực tuyến tăng 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ. Amazon Global Selling cũng nhận định người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc.

Cùng chuyên mục
Tin khác