Phó thủ tướng Vương Đình Huệ 'thúc' Bộ Kế hoạch và đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Hoàng Lan - 18/07/2019 13:46 (GMT+7)

(VNF) - “Bộ Kế hoạch và đầu tư phải rà soát lại vướng mắc trong việc giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ giao vốn và giải ngân; phải tạo ra được chuyển biến căn bản từ nay đến cuối năm về vấn đề này, nhất là vốn trái phiếu chính phủ và vốn ODA. Các đồng chí có hứa tạo chuyển biến căn bản không?”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư trong 6 tháng cuối năm.

VNF
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thúc giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 6/2019, thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ của các địa phương đạt 96.639 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 32,85%, thấp hơn 1,88% so cùng kỳ năm 2018.

3/5 nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn ngân sách trung ương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ thấp nhất, đạt 9,5%. Năm 2019 có 17 địa phương được giao kế hoạch giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ. Đồng Nai là địa phương có số vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2019 lớn nhất 6.990 tỷ đồng, chiếm 73% kế hoạch vốn của cả nước, nhưng mới giải ngân được 310 tỷ đồng, bằng 4,45% kế hoạch.

Tỷ lệ giải ngân theo số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước nguồn ODA mới đạt 12,14%, tính đến tháng 6/2019. Trong đó 8/59 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30% (Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu); có 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0%.

Có 53 địa phương được giao kế hoạch giải ngân vốn ngân sách trung ương đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia nhưng trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân mới đạt 21,33%.

‘Bộ Kế hoạch và đầu tư phải là bộ tổng tham mưu của nền kinh tế’

“Sáng nay Thủ tướng nhờ tôi nhắn nhủ tới các đồng chí rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xây dựng được các thể chế chính sách để kiến tạo và phát triển, xứng đáng là bộ tổng tham mưu của toàn bộ nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong 6 tháng cuối năm 2019 được dự báo khó khăn và diễn biến khó lường.

Theo Phó Thủ tướng, tổng cầu của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ giảm sút do căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Tăng trưởng thương mại thế giới năm 2019 dự báo chỉ đạt 2,6%, bằng một nửa so với 2018 và là mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều gặp vấn đề về tăng trưởng, ngoại trừ Mỹ. Nhật Bản không tăng trưởng, Ấn Độ từ chỗ tăng trưởng gần 7% nay quay về ngưỡng hơn 5%, Trung Quốc vừa rồi tăng trưởng 6,2% là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, ông nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên mọi diễn biến trên thế giới đều tác động đến chúng ta.

“Trong nước thì nhiều vấn đề tích tụ lâu năm như thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa. Các lợi thế từ CPTPP chưa thể tận dụng ngay được trong khi EVFTA còn phải chờ nghị viện châu Âu và Quốc hội của ta phê chuẩn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói thêm và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho chính phủ nhằm khơi thông các động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2019.

“Bộ kế hoạch là tổng tham mưu trưởng của nền kinh tế, cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu các chính sách tài khoá , tiền tệ và thương mại. Đặc biệt, các đồng chí phải có những phân tích, đánh giá tình hình kịp thời, tham mưu cho chính phủ những giải pháp căn cơ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư 6 tháng cuối năm.

Ông cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư phải trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, đi đầu trong cải cách thể thế và quản lý nhà nước.

Phó Thủ tướng gợi ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập một ban cải cách, sau đó giúp Chính phủ liệt kê những vướng mắc trong thể chế, chính sách và đề xuất các giải pháp khắc phục. Đó chính là ưu tiên hàng đầu nhằm khơi thông nguồn lực, tạo đà cho tăng trưởng bền vững.

Cùng chuyên mục
Tin khác