Phục hồi sau bão Yagi: Cần chính sách chuyên biệt, ứng phó cấp 'thảm hoạ'

Xuân Thạch - 02/10/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Sau những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi), đã có hàng loạt các biện pháp hỗ trợ, giúp người dân và doanh nghiệp sớm ổn định trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách cần phải thực tế và ứng phó theo tinh thần “thảm hoạ”

Người dân, doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ

Theo ông Hoàng Ngọc Đoàn (56 tuổi) ở Đông Anh - Hà Nội, sau đợt ngập lụt của hoàn lưu bão số 3, gia đình anh bị thiệt hại 80.000 con gà đẻ, tổng giá trị ước tính gần 15 tỷ đồng. Toàn bộ gia sản tạo dựng trong 14 năm chăn nuôi nay đã gần như mất trắng.

Anh Đoàn cho biết, khó khăn lớn nhất bây giờ là nguồn vốn để có thể bắt đầu phục hồi chăn nuôi sau bão, không biết lấy ở đâu. Hiện, toàn bộ tài sản của gia đình gồm nhà, sổ đỏ đã thế chấp tại ngân hàng. Vừa rồi có ra chi nhánh để hỏi về việc hỗ trợ, chỉ thấy thông tin là giảm lãi cho khoản vay hiện tại từ 0,5 – 2%, chứ chưa có thêm chính sách mới.

“Dù nghe báo đài tuyên truyền rằng chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, nhưng thực tế người dân chưa nhận được nhiều hỗ trợ”, ông Đoàn lo lắng.

Trang trại của gia đình ông Đoàn thiệt hại khoảng 8 vạn con gà đẻ, mỗi ngày mất đi doanh thu từ trứng khoảng 100 triệu đồng. Ảnh: Xuân Thạch

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Thành (50 tuổi), ở Khu 7, Thị Trấn Vân Đồn – Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, toàn bộ gia sản tích luỹ nhiều năm nay của gia đình bị cuốn tan ra biển, tổng thiệt hại ước tính khoảng 22 tỷ đồng.

Chính vì vậy, ông Thành cũng như các hộ dân tại Vân Đồn chỉ mong muốn được vay thêm vốn để bắt đầu sản xuất lại. Nhà nước và các ngân hàng có thể xem xét việc thẩm định lại tài sản cho người dân để có thể được cấp thêm tín dụng, chứ chỉ giãn nợ, giảm lãi suất thì chưa đủ.

“Nuôi hàu, nếu không có thiên tai thì cũng chỉ khoảng 10 tháng là được thu hoạch, cá thì từ 1 - 2 năm. Điều kiện thuận lợi thì chỉ khoảng 2 năm là có thể phục hồi lại việc sản xuất, bắt đầu có thành phẩm”, ông Thành khẳng định.

Toàn bộ phao hàu của gia đình anh Thành bị bão cuốn tan ra biển, nay anh rất cần vốn để sớm cắm phao, thả cá. Ảnh: Xuân Thạch

Theo ông Đỗ Việt Thanh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco, mặc dù doanh nghiệp là đơn vị có kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhiều toà nhà ven biển, và đã chuẩn bị phương án chống bão số 3. Tuy nhiên, cơn bão này vượt hết các quy chuẩn, rất nhiều căn hộ bị bay kính, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Đây chỉ là con số thiệt hại trước mắt nhưng nếu thời gian hoạt động trở lại chậm, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội, dòng tiền, chi phí nhân công.

“Chúng tôi dự kiến phải mất từ 3 - 3,5 tháng mới đi vào hoạt động trở lại. Vì vậy, rất mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của cơn bão”, ông Thanh nói thêm.

Ông Đỗ Việt Thanh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco chia sẻ về khó khăn chồng chất của DN sau bão số 3

Bên cạnh đó, việc bồi thường bảo hiểm cũng gặp nhiều khó khăn. Ngày 8/9, doanh nghiệp có văn bản gửi doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra, thẩm định bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm cử nhân viên xuống, làm thủ tục nhưng đến nay, chưa nhận được bồi thường và đang trong quá trình thẩm định thiệt hại. Điều này cũng làm chậm việc hồi phục sau bão của DN.

Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái…

Chính sách ứng phó theo tinh thần “thảm hoạ”

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI tại buổi tọa đàm "Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 01/10/2024 tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi Toạ đàm

Theo ông Phòng, cơn bão đã gây ra những hậu quả nặng nề cho người dân và doanh nghiệp 26 tỉnh thành. Nhiều tài sản của người dân và doanh nghiệp mất trắng. Ngay sau bão tan, các cơ quan chức năng có chương trình phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh sớm nhất, đảm bảo đơn hàng đối tác xuất khẩu, khắc phục cuộc sống người lao động.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các ngân hàng cần phải có tính thực tế, đi vào đời sống, hỗ trợ nhanh nhất có thể thì mới hi vọng con số thiệt hại do bão số 3 chỉ giảm khoảng 0,15% GDP theo dự báo. Nếu chậm trễ, con số sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI

Thời điểm này các doanh nghiệp chạy nước rút trong những tháng cuối năm, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể dừng lại được, phải cam kết duy trì với đối tác và đảm bảo đời sống lao động.

“Ngoài việc miễn giảm lãi, giãn nợ, hoặc chính sách thuế theo quy định, cần phải có chính sách hỗ trợ chuyên biệt trong phòng chống thiên tai, đặc biệt là ở mức thảm hoạ”, ông Phòng mong muốn.

Trước thực tế khó khăn sau bão nêu trên, các chuyên gia đặt ra 2 vấn đề mà người dân và doanh nghiệp quan tâm tại buổi toạ đàm. Thứ nhất, làm thế nào các cơ chế, chính sách hỗ trợ của chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm đi vào cuộc sống. Thứ hai, ngoài những hỗ trợ theo quy định, liệu có những chính sách phục hồi đặt biệt theo tinh thần “thảm hoạ”, vượt qua những khuôn khổ thì mới có thể hỗ trợ nhanh nhất, sớm vực dậy nền kinh tế.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay sau khi cơn bão quét qua, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) trên một số địa bàn tại những tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả. Các ngân hàng bằng chính nguồn lực của mình, cơ cấu, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh ,giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh. Hiện với ngành nông nghiệp đã có nghị định hướng dẫn, sắp tới sẽ có chính sách cho các ngành nghề khác.

“Trước ngày 3/10, các tổ chức, cá nhân sẽ gửi ý kiến về cho NHNN, đơn vị sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Sau khi Chính phủ có ý kiến, chúng tôi sẽ chỉ đạo triển khai trong toàn bộ hệ thống. Đó là các giải pháp khắc phục, hỗ trợ, giúp đỡ cho khách hàng”, bà Giang nói thêm.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện Bộ cùng các doanh nghiệp trong ngành, đồng hành cùng hỗ trợ bà con, đến thời điểm này đã huy động được khoảng 100 tỷ đồng. Mục tiêu có thể giúp người dân thiệt hại, ví dụ 8-10 ô, lồng nuôi có thể khôi phục được 1, 2 ô, để có thể sớm quay lại sản xuất.

Hiện nay, bà con nuôi trồng thủy sản bị mất trắng đều mong muốn có nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. Dù ngành ngân hàng đã có những giải pháp, nhưng với mỗi người nuôi có sản phẩm đặc thù khác nhau. Có những loài 5-7 tháng thu hoạch, nhưng có loại 2-3 năm mới thu hoạch.

“Chúng tôi mong ngân hàng có những chính sách, phương án hỗ trợ càng nhanh càng tốt. Quan trọng nhất thời điểm này là việc tổ chức thực thi như thế nào để đảm bảo chính sách có hiệu quả khẩn cấp”, ông Luân kỳ vọng.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Cùng quan điểm, ông Phùng Công Sưởng - TBT báo Tiền Phong hy vọng, “Những chính sách sẽ không chỉ là văn bản trên giấy mà trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp”.

Ngân hàng 'kích hoạt' gói tín dụng 100.000 tỷ khắc phục hậu quả bão Yagi

Ngân hàng 'kích hoạt' gói tín dụng 100.000 tỷ khắc phục hậu quả bão Yagi

Ngân hàng
(VNF) - Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra, nhiều ngân hàng lớn đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ 100.000 tỷ đồng cho khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.