Quan hệ Việt – Trung: Thúc đẩy 'kết nối cứng', nâng cấp 'kết nối mềm'
(VNF) - Việt Nam và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, đẩy nhanh "kết nối cứng" giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu và nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc từ ngày 18 -20/8/2024.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho hay đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Tuy chuyến thăm chỉ diễn ra trong hơn 2 ngày, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước đã có 18 hoạt động quan trọng tại Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam là coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam cho rằng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã mở ra sự lựa chọn về con đường và phương án thực hiện cho sự phát triển tự chủ của các nước đang phát triển; việc Trung Quốc đi sâu cải cách toàn diện, mở cửa đối ngoại ở mức độ cao sẽ đem lại động lực mới, cơ hội mới cho sự phát triển của các nước.
Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược
Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai bên đã ra tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.
Trong đó, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và Con đường"; đẩy nhanh thúc đẩy "kết nối cứng" giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh.
Trung Quốc đồng ý cung cấp hỗ trợ để Việt Nam lập quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 (Tân Thanh - Pò Chài).
Việt Nam và Trung Quốc sẽ tích cực nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cùng xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định.
Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, trọng điểm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, năng lượng sạch, kinh tế số, phát triển xanh; sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước kia.
Hai nước sẽ đi sâu trao đổi kinh nghiệm về cải cách và quản lý doanh nghiệp nhà nước, triển khai hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; tích cực nghiên cứu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản then chốt; sử dụng tốt Nhóm công tác hợp tác về tài chính - tiền tệ giữa hai nước, tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về điều hành chính sách và các cải cách trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, thúc đẩy hợp tác tiền tệ.
Hai bên thống nhất đẩy nhanh thực hiện các dự án hợp tác kinh tế kỹ thuật như Bệnh viện Y dược cổ truyền cơ sở 2; phát huy tốt vai trò của "Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực" (RCEP) và Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); sử dụng tốt các nền tảng về thương mại điện tử, hội chợ triển lãm; tăng cường hợp tác hải quan, mở rộng xuất khẩu hàng hóa thế mạnh của nước này sang nước kia.
Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm mở thêm các Văn phòng Xúc tiến thương mại tại một số địa phương của Trung Quốc. Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập "Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương" (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của Hiệp định, tích cực hoan nghênh đề nghị gia nhập RCEP của Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông thuộc Trung Quốc.
Bước tiến quan trọng trong giao thương nông sản
Cũng trong dịp này, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 16 văn kiện triển khai hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, bao gồm: Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Trong 3 nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024 và sớm góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị "tỷ đô" vào năm 2025.
Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn. Việc ký nghị định thư đánh dấu sự kết thúc quá trình đàm phán kỹ thuật giữa hai bên, mở ra cơ hội cho dừa tươi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Trong các năm 2022, 2023, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa và liên quan tới dừa đã tiệm cận 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu trái dừa tươi đạt gần 800 triệu USD.
Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm 2024, sẽ đem về kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu dừa tươi sẽ càng tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo.
Cá sấu là sản phẩm thứ 3 trong danh sách ký kết, thể hiện sự đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn 30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác hầu hết đều có giá trị kinh tế cao.
Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, việc ký kết 3 nghị định thư này “là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam”.
1,1 tỷ người Trung Quốc dùng Internet: Ưa chuộng video ngắn và thanh toán di động
- Bất chấp rào cản thuế quan, ‘ông lớn’ xe điện Trung Quốc không ngừng vươn ra toàn cầu 28/08/2024 01:07
- Khoản vay 50 tỷ USD: Ukraine ‘bồn chồn’, Mỹ trì hoãn 30/08/2024 01:32
- Kinh tế Nga tăng trưởng vững chắc bất chấp đòn giáng phương Tây 30/08/2024 08:15
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.