Khoản vay 50 tỷ USD: Ukraine ‘bồn chồn’, Mỹ trì hoãn

Thanh Tú - 30/08/2024 13:32 (GMT+7)

(VNF) - Hãng tin Euractiv trích dẫn các nguồn thạo tin cho hay Mỹ đứng sau sự chậm trễ trong việc hoàn thiện kế hoạch của G7 nhằm cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD trích từ lợi nhuận của các tài sản bị đóng băng của Nga.

Mỹ trì hoãn khoản vay của G7

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã cùng nhau phong tỏa số tài ước tính 300 tỷ USD của Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Kể từ đó, các quốc gia phương Tây đã cân nhắc sử dụng các khoản tiền này để hỗ trợ Ukraine. Mặc dù cho đến nay họ vẫn chưa nhất trí về việc tịch thu hoàn toàn số tiền này, nhưng G7 vào tháng 6 đã quyết định sẽ cung cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD, được trả lại bằng lãi suất từ ​​các quỹ bị đóng băng của Nga.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Euractiv, Mỹ đã cản trở quá trình hoàn thiện kế hoạch do lo ngại về việc trả nợ, điều này phụ thuộc vào thời gian đóng băng tài sản là bao lâu.

Theo các quy định của EU, khối này sẽ gia hạn lệnh trừng phạt nhắm vào tài sản của Nga sau mỗi 6 tháng và cần sự chấp thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên để thực hiện.

Các nguồn tin ngoại giao được hãng tin trích dẫn khẳng định rằng Hungary, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, có thể phủ quyết việc gia hạn lệnh đóng băng tại một thời điểm nào đó.

Các nguồn tin của Euractiv cho hay Washington đã yêu cầu đảm bảo lâu dài hơn rằng các tài sản sẽ vẫn bị đóng băng bất chấp những bất đồng tiềm ẩn trong khối để phương Tây có thể khai thác các tài sản bị phong toả trong thời gian cần thiết. Ví dụ, các nguồn tin cho biết Mỹ đã đề xuất chuyển cơ chế trừng phạt của khối sang 12 tháng hoặc lâu hơn.

Theo một báo cáo trước đó của Financial Times, các đại sứ EU đã thảo luận một số đề xuất nhằm xoa dịu mối quan ngại của Mỹ, bao gồm gia hạn lệnh trừng phạt lên 3 năm hoặc thậm chí vô thời hạn. Tuy nhiên, cho đến nay dường như vẫn chưa có tiến triển nào về vấn đề này.

Trong khi đó, Ukraine ngày càng mất kiên nhẫn với số tiền mà phương Tây đã hứa. Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal đầu tuần qua khẳng định rằng số tiền này phải được nhận vào cuối năm. Ông cũng nhấn mạnh rằng Kiev muốn khoản vay không tính lãi và "cung cấp cho Ukraine mà không có bất kỳ điều kiện nào".

Ukraine đang rất cần khoản tiền nói trên trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã kiệt quệ sau 2 năm chiến sự và Kiev đang thiếu nghiêm trọng ngân sách quốc phòng trong cuộc chiến tiêu hao với Nga.

EU chuyển doanh thu từ tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine

Ông Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ngày 29/8 cho biết khối này đã chuyển giao đợt đầu số tiền lãi kiếm được từ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga cho Ukraine và các quốc gia đang hỗ trợ Ukraine. Theo đó, tổng cộng 1,4 tỷ Euro (1,5 tỷ USD) đã được chuyển giao.

Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao EU, ông Borrell gọi diễn biến này là “tin tốt” và cho biết số tiền này sẽ được sử dụng cho nhu cầu quân sự của Kiev và tài trợ cho ngành công nghiệp Ukraine.

Ông Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU.

“Chúng tôi đã bắt đầu sử dụng doanh thu từ lợi nhuận bất ngờ từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Chúng đã được gửi đến Ukraine và gửi đến các quốc gia thành viên, những quốc gia sẽ cung cấp thêm thiết bị quân sự cho Ukraine bằng số tiền này”, ông Borrell tuyên bố.

Ông nhấn mạnh rằng các tài sản bị đóng băng đã cho phép EU thay đổi “logic tài chính” của việc viện trợ để có thể “trao tiền trực tiếp cho Ukraine”.

“Cho đến nay, Cơ sở Hòa bình Châu Âu đã hoàn trả tiền cho các quốc gia thành viên đã hỗ trợ Ukraine. Bây giờ số tiền này đến từ các tài sản bị đóng băng của Nga… Lần đầu tiên, chúng tôi tài trợ trực tiếp cho ngành công nghiệp Ukraine”, ông Borrell nói thêm.

Trong khi phương Tây cho đến nay vẫn chưa nhất trí về việc tịch thu số tiền này ngay lập tức, EU vào tháng 5 đã phê duyệt một kế hoạch sử dụng tiền lãi kiếm được từ các quỹ, tổng cộng khoảng 3 tỷ euro mỗi năm.

Theo kế hoạch này, 90% số tiền thu được sẽ được dành cho Cơ sở Hòa bình Châu Âu, một quỹ do EU điều hành dành riêng để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi 10% còn lại sẽ được chuyển cho Cơ sở Ukraine, chịu trách nhiệm trang trải các nhu cầu tái thiết của đất nước.

Moscow đã lên án hành động đóng băng tài sản của phương Tây là “trộm cắp” và nhiều lần cảnh báo rằng việc khai thác nguồn tiền của nước này là bất hợp pháp và có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, hủy hoại uy tín của hệ thống tài chính phương Tây.

Theo RT
Kinh tế Nga tăng trưởng vững chắc bất chấp đòn giáng phương Tây

Kinh tế Nga tăng trưởng vững chắc bất chấp đòn giáng phương Tây

Tài chính quốc tế
(VNF) - Dữ liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế Nga đã tăng trưởng vững chắc ở nhiều lĩnh vực trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục. Điều này thúc đẩy các quan chức Nga đưa ra triển vọng tươi sáng hơn trong năm nay bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Cùng chuyên mục
Tin khác