CEO Telegram bị truy tố nhiều tội danh, cấm rời khỏi Pháp
(VNF) - Ông Pavel Durov, nhà đồng sáng lập và CEO của Telegram, đang bị điều tra chính thức và sẽ không được phép rời khỏi Pháp, một công tố viên Pháp cho biết trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 28/8.
- CEO Telegram bị bắt làm cuộc chiến của Nga ở Ukraine ‘thêm phức tạp’ 27/08/2024 02:10
Chính thức bị điều tra hình sự
Theo tuyên bố của công tố viên Pháp, tỷ phú gốc Nga này đang bị điều tra vì một số tội danh tình nghi liên quan đến hoạt động tội phạm trên nền tảng nhắn tin Telegram, bao gồm đồng lõa trong các giao dịch băng đảng bất hợp pháp, "rửa tiền trong một băng đảng có tổ chức" và từ chối cung cấp thông tin cho chính quyền.
Ông phải ở lại Pháp dưới sự giám sát của cảnh sát, với số tiền bảo lãnh được ấn định là 5,56 triệu USD và phải đến đồn cảnh sát Pháp hai lần một tuần.
Các công tố viên nói với CNN rằng ông Durov đã được cảnh sát Pháp thả ra vào đầu ngày 28/8 và được đưa đến tòa để thẩm vấn, vài ngày sau vụ bắt giữ đầy kịch tính tại sân bay Paris-Le Bourget.
Cuộc điều tra chính thức được công bố vào tối 28/8 không ngụ ý ông Durov có tội trong hệ thống pháp luật Pháp, nhưng cho thấy các công tố viên tin rằng có đủ bằng chứng để tiến hành một cuộc điều tra chính thức nghiêm túc. Hiện CEO Telegram vẫn chưa bị buộc tội chính thức.
Tuyên bố của văn phòng công tố cho biết thêm rằng Văn phòng Quốc gia Pháp về Trẻ vị thành niên đã báo cáo với văn phòng công tố về việc "gần như không có phản hồi" từ Telegram đối với các yêu cầu của tòa án liên quan đến các hành vi phạm tội bao gồm buôn người, phát ngôn thù địch trực tuyến và tội ấu dâm.
Các hành vi bị nghi ngờ đang được điều tra bao gồm "đồng lõa trong việc quản lý một nền tảng cho phép giao dịch bất hợp pháp trong một băng đảng có tổ chức", một hành vi phạm tội có thể bị phạt tù tối đa 10 năm.
Một số tài liệu cũng nhấn mạnh "Telegram hầu như không hợp tác" với cả chính quyền Pháp và châu Âu trong các trường hợp khác.
Vụ bắt giữ ông Durov đã gây ra một cuộc tranh cãi về quyền tự do ngôn luận và gây ra những lo ngại đặc biệt ở cả Ukraine và Nga khi ứng dụng này trở thành một công cụ truyền thông quan trọng giữa quân nhân và người dân trong cuộc chiến của Moscow với nước láng giềng.
Điện Kremlin đã tìm cách xoa dịu nỗi lo sợ ở Nga về tương lai của ứng dụng này khi người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peskov cố gắng xua tan lời kêu gọi người dùng xóa tin nhắn nhạy cảm trên ứng dụng.
Ông David-Olivier Kaminski, luật sư của ông Pavel Durov, đã lên tiếng chỉ trích động thái của Pháp. “Tuyên bố duy nhất tôi muốn đưa ra là Telegram tuân thủ mọi khía cạnh của chuẩn mực châu Âu về các vấn đề kỹ thuật số. Thật vô lý khi nghĩ rằng người đứng đầu một mạng xã hội lại bị buộc tội", ông Kaminski bày tỏ.
Telegram cũng bác bỏ mọi cáo buộc về "hành vi sai trái" sau vụ bắt giữ CEO, nói rằng họ tuân thủ mọi luật pháp của EU và người sáng lập "không có gì phải che giấu". Họ cho biết cả nền tảng này và người sáng lập đều không thể bị đổ lỗi vì hành vi lạm dụng dịch vụ trực tuyến.
Lượt tải Telegram tăng mạnh sau khi CEO bị bắt
Ứng dụng nhắn tin Telegram đứng trong top đầu bảng xếp hạng ở một số thị trường sau khi nhà sáng lập kiêm CEO Pavel Durov bị Pháp bắt giữ.
Trên cửa hàng Google Play, Telegram đang nằm trong top 3 ứng dụng được tải nhiều nhất thuộc danh mục Mạng xã hội. Số lượt tải ứng dụng này cũng tăng đột biến từ ngày 26/8 trên cửa hàng App Store, nâng Telegram lên vị trí số hai ở Mỹ trong danh mục Mạng xã hội.
Còn trong bảng xếp hạng tổng thể tại Mỹ, không gồm trò chơi, Telegram tăng từ thứ 18 lên 8 - vị trí cao nhất ứng dụng đạt được tại đây kể từ 1/1/2023.
Tại Pháp, Telegram cũng vọt lên vị trí đầu tiên ở danh mục Mạng xã hội của App Store. Tính chung, ứng dụng đứng thứ ba về lượt tải nhiều nhất.
Theo phân tích do công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower cung cấp cho Tech Crunch, lượt tải xuống toàn cầu của Telegram trên iOS tăng trung bình 4% mỗi ngày từ cuối tuần qua, sau khi ông Durov bị bắt giữ.
Lý giải về sự tăng đột biến này, một chuyên gia cho rằng số lượt cài đặt có thể là cách công chúng thể hiện sự ủng hộ với ứng dụng. Một lý do khác đơn giản là ứng dụng được nhắc đến nhiều những ngày qua.
Ông Pavel Durov sinh ra tại Nga vào năm 1984, và khi ở độ tuổi 20, ông được mọi người gọi là “Mark Zuckerberg của Nga”. Ông rời khỏi đất nước vào năm 2014 và hiện sống tại Dubai, nơi đặt trụ sở chính của Telegram, đồng thời giữ quốc tịch Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis.
Ông có giá trị tài sản ước tính 9,15 tỷ USD và đã duy trì lối sống xa hoa, chu du khắp thế giới trong thập kỷ qua.
Ông Durov đã bị bắt giữ tại Sân bay Bourget của Paris vào cuối tuần trước theo lệnh bắt giữ liên quan đến việc Telegram thiếu kiểm duyệt. Ông bị giam giữ tới 96 giờ, đây là khoảng thời gian tối đa mà một người có thể bị giam giữ theo luật pháp Pháp trước khi bị buộc tội.
Telegram được ông Durov và anh trai Nikolai ra mắt vào năm 2013. Theo bài đăng của ông Durov vào tháng trước, ứng dụng này hiện có hơn 950 triệu người dùng, khiến nó trở thành một trong những nền tảng nhắn tin được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
Các cuộc trò chuyện trên ứng dụng được mã hóa, nghĩa là các cơ quan thực thi pháp luật, và bản thân Telegram, có ít quyền giám sát những gì người dùng đăng.
Trong khi Telegram nhận được sự hoan nghênh từ các nhóm tự do ngôn luận và cho phép liên lạc riêng tư ở các quốc gia có chế độ hạn chế, những người chỉ trích lại cho rằng nó đã trở thành nơi ẩn náu an toàn cho những người điều phối các hoạt động bất hợp pháp - bao gồm cả những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố ở Paris vào tháng 11/2015.
Bắt giữ tỷ phú Pavel Durov, dấy lên tranh cãi về 'đế chế' Telegram
- Quan hệ Trung Quốc – Đức đang dần phai nhạt? 29/08/2024 10:00
- Nông dân châu Âu bị cuốn vào cuộc chiến thương mại EU - Trung Quốc 27/08/2024 08:45
- Bất chấp rào cản thuế quan, ‘ông lớn’ xe điện Trung Quốc không ngừng vươn ra toàn cầu 28/08/2024 01:07
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.