Quan hệ Trung Quốc – Đức đang dần phai nhạt?

Hải Đăng - 29/08/2024 10:00 (GMT+7)

(VNF) - Một năm sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz ký vào lời kêu gọi của G7 về việc giảm rủi ro từ Trung Quốc, Berlin đang dần phản ứng trước những thách thức do Bắc Kinh đặt ra.

Giảm thiểu rủi ro về mặt định tính

Trong vài tuần nữa, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ phải quyết định xem hai tàu chiến hiện đang thực hiện nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có đi qua Eo biển Đài Loan hay không, một động thái được cho là sẽ khiến Trung Quốc tức giận.

Đức sẽ không phải là cường quốc phương Tây đầu tiên làm điều này, các tàu chiến của Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan và Canada đều đã đi qua eo biển này, nhưng đối với Berlin, đây sẽ là lần đầu tiên sau hai thập kỷ nước này thực hiện một cuộc triển khai như vậy.

Berlin đang dần phản ứng trước những thách thức do Bắc Kinh đặt ra.

Đức cũng đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự với Nhật Bản, đồng minh thân cận nhất của phương Tây ở Đông Á. Tổng tư lệnh không quân Đức đã đến Nhật Bản vào tháng trước để chỉ huy một cuộc tập trận với các đối tác Nhật Bản, những người ngày càng lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc và Nga trong khu vực.

Về mặt công nghệ, Đức cũng đang hợp tác với "gã khổng lồ" sản xuất chip TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan. Thủ tướng Đức Scholz đã có mặt tại Dresden vào tuần trước để khởi động một dự án công nghệ lớn do TSMC là chủ đầu tư lớn nhất.

Nhà máy ở Dresden sẽ chuyên sản xuất chất bán dẫn cho ngành công nghiệp ô tô hàng đầu của Đức, vốn đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xe điện. Khoảng 10 tỷ euro đã được đổ vào dự án lớn này.

Trong đó, Chính phủ Đức đang hỗ trợ nhà máy Dresden 5 tỷ USD, và đã được Liên minh châu Âu (EU) miễn trừ các quy tắc về trợ cấp nhà nước cho hoạt động này.

Theo một cách nào đó, đây là điều hiển nhiên. TSMC là công ty hàng đầu thế giới về vi mạch tiên tiến và các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị gây ra có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho năng lực sản xuất của Đức.

Tuy nhiên, bức ảnh Thủ tướng Đức Scholz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen và ông chủ TSMC CC Wei cùng cầm xẻng tại buổi khành thành lại là một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ gần gũi hơn mà Đài Loan đang xây dựng với một châu lục từ lâu đã cố gắng tránh xa những gì Bắc Kinh khẳng định là một tranh chấp trong nước.

Theo lời của ông Nils Schmid, nhà lập pháp Đức hàng đầu về chính sách đối ngoại: “Vấn đề chính là giảm thiểu rủi ro về mặt định tính”.

Trong nửa năm qua, số liệu thương mại của Đức đã cho thấy một xu hướng đáng ngạc nhiên khi xuất khẩu của Đức sang Ba Lan đã vượt qua xuất khẩu sang Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu do ảnh hưởng tài chính từ sự sụp đổ của thị trường bất động sản.

“Thật đáng kinh ngạc khi thấy Ba Lan vượt qua Trung Quốc về mặt thương mại với Đức. Luôn có quan điểm sai lệch về Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nền kinh tế Đức. Trên thực tế luôn là EU và các đối tác chính của EU như Ba Lan”, ông Schmid cho hay.

Ngành công nghiệp ô tô vào thế khó

Ngành công nghiệp ô tô, xương sống của nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Đức, vẫn rất cảnh giác trước nhiều nguy cơ khi Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất của ngành này, bất chấp sự gia tăng của các đối thủ cạnh tranh địa phương trong lĩnh vực xe điện.

Ông Noah Barkin, cố vấn cấp cao và chuyên gia về quan hệ EU - Trung Quốc tại nhóm nghiên cứu Rhodium Group, cho biết: "Ở Đức, vẫn còn một khoảng cách đáng kể giữa lời nói và thực tế về việc giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc".

Trung Quốc vẫn góp phần quan trọng trong lợi nhuận ròng của các nhà sản xuất ô tô châu Âu (Ảnh: Stringer/Getty Images)

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annelena Baerbock nói rằng Berlin sẽ học hỏi từ những sai lầm của mình khi phụ thuộc năng lượng vào Nga và chống lại sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc.

"Chúng tôi không tìm cách tách rời, nhưng chúng tôi không muốn lặp lại sai lầm của mình hai lần khi quá phụ thuộc đến mức không thể thực hiện chính sách đối ngoại của mình", bà Baerbock cho hay.

Tuy nhiên, cho đến nay, ngành công nghiệp ô tô Đức được cho là vẫn chưa lắng nghe lời kêu gọi của bà, mặc dù các sản phẩm của Đức đang mất dần sức hấp dẫn đối với khách hàng Trung Quốc.

Cả Volkswagen và BMW đều chứng kiến doanh số giảm tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của họ. Khoảng 97% số người được hỏi trong cuộc khảo sát gần đây của AlixPartners tại Trung Quốc cho biết chiếc xe tiếp theo của họ sẽ là xe điện.

Doanh số bán hàng của Volkswagen tại Trung Quốc đã giảm 19% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 651.500 xe, trong khi BMW chứng kiến mức giảm 5%.

Người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ đổ xô vào xe điện mà sức tiêu thụ của họ cũng yếu hơn trước. "Rủi ro lớn nhất hiện nay là nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Đó là điều mà mọi người đều lo lắng", ông Jörg Wuttke, đối tác tại DGA Group, một công ty tư vấn toàn cầu và là cựu giám đốc Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, cho biết.

Tuy nhiên, với tư cách là thị trường sinh lợi nhất, Trung Quốc vẫn là nhân tố quan trọng trong lợi nhuận ròng và chiến lược chuyển đổi sang xe điện của các hãng xe châu Âu.

Ngành công nghiệp ô tô Đức đã phản đối kịch liệt quyết định của Ủy ban châu Âu về việc áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, vì lo ngại rằng sớm muộn gì Bắc Kinh cũng sẽ trả đũa mạnh hơn nữa vào thị phần của họ.

ông Barkin lưu ý rằng điều này cũng khiến các quan chức cấp cao, bao gồm cả ông Scholz, càng không muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc do nền kinh tế Đức yếu kém.

Ông cho biết "không có minh họa nào tốt hơn" về điều này ngoài thỏa thuận được ký kết giữa chính phủ và các nhà khai thác viễn thông vào mùa hè này về vai trò của các nhà cung cấp Trung Quốc trong mạng 5G của Đức.

"Bất chấp mọi lời bàn tán từ chính phủ về việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, cuối cùng thì các nhà khai thác đã ra lệnh cho các điều khoản của thỏa thuận này và Huawei đã nổi lên là bên chiến thắng lớn". "Ở cấp cao nhất của chính phủ Đức, có sự miễn cưỡng trong việc áp đặt chi phí kinh tế cho các công ty để theo đuổi mục tiêu an ninh lớn hơn".

Theo POLITICO
Bất chấp rào cản thuế quan, ‘ông lớn’ xe điện Trung Quốc không ngừng vươn ra toàn cầu

Bất chấp rào cản thuế quan, ‘ông lớn’ xe điện Trung Quốc không ngừng vươn ra toàn cầu

Tài chính quốc tế
(VNF) - Nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất Trung Quốc BYD kỳ vọng doanh số bán ra ở nước ngoài sẽ chiếm gần một nửa tổng doanh số trong tương lai. Điều này cho thấy hãng sẽ tiếp tục thành lập các trung tâm sản xuất toàn cầu để tránh thuế quan khắc nghiệt.
Cùng chuyên mục
Tin khác