Bắt giữ tỷ phú Pavel Durov, dấy lên tranh cãi về 'đế chế' Telegram

Hải Đăng - 28/08/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Việc bắt giữ người sáng lập ứng dụng mạng xã hội Telegram tại Pháp làm nổi bật những tranh cãi đang diễn ra về trách nhiệm của mạng xã hội trong việc phát tán tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em và các nội dung tội phạm khác.

Chính quyền Pháp đầu tuần qua cho biết họ đã bắt giữ nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Telegram Pavel Durov để điều tra hoạt động xâm hại trẻ em bất hợp pháp trên ứng dụng nhắn tin này.

Đây là hành động mạnh mẽ nhất cho đến nay trong cuộc chiến toàn cầu giữa các quan chức và các công ty công nghệ về việc giới hạn nội dung có hại trên các nền tảng mạng xã hội.

Doanh nhân công nghệ người Nga Pavel Durov (người cũng có quốc tịch Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis) đã bị bắt giữ sau khi hạ cánh xuống Sân bay Paris-Le Bourget vào ngày 24/8.

Theo tuyên bố của công tố viên người Pháp Laure Beccuau, ông Durov đã bị tạm giam vì liên quan đến hành vi phân phối tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em và ma túy, rửa tiền và hợp tác với tội phạm có tổ chức.

Vụ bắt giữ ông Durov làm bùng nổ một cuộc tranh luận dữ dội giữa những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả chủ sở hữu X Elon Musk, với những nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát vai trò của phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng nhắn tin trong việc phát tán thông tin bất hợp pháp và sai lệch.

Hành động bắt giữ ông Durov, một tỷ phú người Nga sinh sống tại Dubai, cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu các công ty công nghệ có nên chịu trách nhiệm về nội dung phát triển trên nền tảng của họ hay không.

Ngăn chặn nội dung có hại

Ông Daphne Keller thuộc Trung tâm Chính sách Mạng của Đại học Stanford cho biết luật pháp Mỹ, giống như của Pháp, không bảo vệ các nền tảng khỏi bị truy tố vì cố ý cho phép truyền tải nội dung lạm dụng tình dục hoặc tài liệu khủng bố.

Cựu giám đốc chống khủng bố của Facebook Brian Fishman nhấn mạnh rằng vấn đề không chỉ là sự kiểm duyệt không đủ. Theo ông, “Telegram đã dung túng cho nội dung lạm dụng tình dục trẻ em. Nền tảng đã phớt lờ sự tham gia hợp lý của lực lượng thực thi pháp luật trong nhiều năm”.

Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên toàn cầu, với hơn 950 triệu người dùng. Các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn cầu từ lâu đã tập trung vào ứng dụng này vì nó đã trở thành công cụ được những kẻ săn mồi trẻ em, các tổ chức khủng bố, những kẻ buôn bán ma túy và những kẻ cực đoan cánh hữu lựa chọn để giao tiếp và tổ chức các hoạt động của chúng.

Ứng dụng này cho phép trò chuyện nhóm và nhắn tin riêng tư, một tính năng mà các chuyên gia mạng cho biết tạo ra một môi trường lý tưởng cho các hoạt động bất hợp pháp.

Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên toàn cầu, với hơn 950 triệu người dùng.

Chính phủ các quốc gia đã cấm ứng dụng này hoặc yêu cầu ứng dụng này gỡ bỏ nội dung vì có vai trò kích động hoạt động thù địch và phát tán nội dung bất hợp pháp.

Brazil đã tạm thời cấm Telegram vào năm 2023 trong bối cảnh các cuộc điều tra về các nhóm tân Quốc xã bị cáo buộc sử dụng ứng dụng này để tiến hành các cuộc tấn công vào trường học.

Cùng năm đó, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đã yêu cầu trang web gỡ bỏ mọi hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em. Liên minh châu Âu đã bắt đầu thực thi các luật rộng hơn để quản lý mạng xã hội và đưa ra hậu quả cho hành vi vi phạm.

Điều khoản dịch vụ của Telegram nêu rõ rằng họ không cho phép người dùng đăng nội dung khiêu dâm trên các kênh công khai nhưng cũng nêu rõ rằng họ không kiểm duyệt tin nhắn riêng tư giữa người dùng hoặc trò chuyện nhóm không công khai.

Công ty tuyên bố rằng họ không tuân thủ các yêu cầu chính thức về dữ liệu. "Cho đến nay, chúng tôi đã tiết lộ 0 byte dữ liệu người dùng cho bên thứ ba, bao gồm cả chính phủ", công ty cho biết trên trang web của mình.

Một báo cáo tháng 6 từ Đài quan sát Internet Stanford (SIO) phát hiện ra rằng Telegram là nền tảng lớn duy nhất không cấm tài liệu bất hợp pháp trong các kênh và cuộc trò chuyện riêng tư.

Những ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, nhiều người khác lại thấy một sự nguy hiểm trong hành động bắt giữ CEO Telegram Durov.

Bà Kate Ruane, giám đốc Dự án Tự do Ngôn luận tại Trung tâm Dân chủ và Công nghệ có trụ sở tại Washington, cho biết: "Việc bắt giữ các giám đốc điều hành nền tảng vì cáo buộc họ không kiểm duyệt nội dung một cách đầy đủ, ngay cả nội dung gây khó chịu và có hại như nội dung gây hại cho trẻ em, sẽ đưa chúng ta vào con đường nguy hiểm đe dọa quyền tự do ngôn luận và trao quá nhiều quyền lực cho chính phủ để đàn áp ngôn luận".

Những chiếc máy bay giấy (ám chỉ đến logo của Telegram) bên ngoài khu vực Đại sứ quán Pháp tại Moscow, Nga ngày 25/8/2024.

Trong thông báo đưa ra ngày 25/8, Telegram khẳng định nền tảng này “tuân thủ luật pháp EU, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số. Việc kiểm duyệt của Telegram nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện.

Việc bắt giữ ông Durov cũng đã vấp phải sự phản đối dữ dội trong giới tinh hoa chính trị của Nga.

Bà Margarita Simonyan, một nhà tuyên truyền của Điện Kremlin kiêm tổng biên tập kênh tin tức RT, đã kêu gọi các quan chức Nga và những người sử dụng ứng dụng Telegram để gửi tin nhắn "nhạy cảm" hãy "ngay lập tức" xóa tin nhắn của họ "vì ông Durov đã bị bắt giữ để lấy chìa khóa (mã hóa)", bà viết trong một bài đăng trên Telegram.

Việc bắt giữ ông Durov nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích từ những nhân vật chống kiểm duyệt nổi tiếng như tỷ phú Elon Musk và Robert F. Kennedy Jr.

Ông Musk đã đăng thông điệp “#FreePavel” (kêu gọi trả tự do cho ông Pavel Durov) trên nền tảng mạng xã hội X của mình cùng với một video của Durov trong chương trình của Tucker Carlson, trong đó nhà sáng lập Telegram đã ca ngợi X vì phong cách kiểm duyệt cởi mở hơn dưới thời tỷ phú Elon Musk.

“Pháp vừa bắt giữ Pavel Durov, người sáng lập & CEO của nền tảng Telegram được mã hóa, không bị kiểm duyệt. Nhu cầu bảo vệ quyền tự do ngôn luận chưa bao giờ cấp thiết hơn thế”, ông Kennedy Jr. viết trên X.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 26/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết vụ bắt giữ Durov là một phần của "cuộc điều tra tư pháp đang diễn ra" và chính trị không đóng vai trò gì trong đó.

“Trong một quốc gia được quản lý theo pháp luật, trên các mạng xã hội cũng như ngoài đời thực, các quyền tự do được thực hiện trong khuôn khổ do luật pháp thiết lập để bảo vệ công dân và tôn trọng các quyền cơ bản của họ. Pháp cam kết sâu sắc với quyền tự do ngôn luận và truyền thông, với sự đổi mới và tinh thần kinh doanh. Và sẽ vẫn như vậy”, ông Macron cho biết trong một bài đăng trên X.

Telegram là một trong số nhiều ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin phải đối mặt với khiếu nại về việc kiểm duyệt không đủ chặt chẽ hoặc không có hành động chống lại nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, tin giả, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch, các nhóm cực đoan và hệ tư tưởng cổ xúy bạo lực.

Các nhóm giám sát và nhân quyền đã cáo buộc chủ sở hữu Facebook Meta góp phần gây ra bạo lực thực sự đối với cộng đồng người Rohingya ở Myanmar bằng cách không hành động chống lại sự lan truyền của tin giả và ngôn từ kích động thù địch trên nền tảng của mình.

Trong khi đó, một nghiên cứu của UNESCO năm 2022 kết luận rằng gần một nửa nội dung liên quan đến thảm sát Holocaust được chia sẻ công khai trên Telegram có nội dung phủ nhận hoặc bóp méo, tỷ lệ này cao hơn Twitter, TikTok hoặc Facebook.

Năm nay, mối lo ngại về thông tin sai lệch của nước ngoài và sự can thiệp vào các cuộc bầu cử ở châu Âu đã thúc đẩy các quan chức EU điều tra Meta và thành lập các cơ quan đặc biệt tập trung vào việc chống lại thông tin sai lệch.

Theo Washington Post
CEO Telegram bị bắt làm cuộc chiến của Nga ở Ukraine ‘thêm phức tạp’

CEO Telegram bị bắt làm cuộc chiến của Nga ở Ukraine ‘thêm phức tạp’

Tài chính quốc tế
(VNF) - Các chuyên gia khẳng định vụ bắt giữ nhà đồng sáng lập Telegram Pavel Durov tại Pháp vào cuối tuần qua có thể làm phức tạp thêm các kế hoạch quân sự của Nga tại Ukraine.
Cùng chuyên mục
Tin khác