M&A

Quỹ ngoại tích cực ‘lướt sóng’ cổ phiếu

Một số quỹ đầu tư nước ngoài quy mô lớn đang đầu tư nhiều vào cổ phiếu ngân hàng với tỷ trọng 20-40% danh mục nhờ triển vọng tăng trưởng cao của nhóm ngành này.

Quỹ ngoại tích cực ‘lướt sóng’ cổ phiếu

Ảnh minh họa

Chiến lược của các quỹ đầu tư lớn thường là đầu tư dài hạn tính bằng vài năm và cũng thoái vốn với khối lượng lớn. Tuy nhiên một số quỹ ngoại đôi khi vẫn thực hiện “lướt sóng” cổ phiếu ngắn hạn, đáng kể nhất là các quỹ thuộc Dragon Capital.

Liên tục "lướt sóng"

Giao dịch nổi bật gần đây phải kể đến Tập đoàn Đất Xanh (DXG) khi nhóm Dragon Capital mua bán hàng chục triệu cổ phiếu. Tính riêng giai đoạn 8-11/6, nhóm này bán tổng cộng hơn 23,3 triệu cổ phiếu DXG.

Quỹ ngoại bán cổ phiếu ngay khi Đất Xanh thông báo phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng và chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu với giá chiết khấu 20%. Cổ phiếu DXG cũng giảm liên tục, thậm chí giảm kịch sàn tại phiên 8-9/6. Ngay sau đó, HĐQT công ty đã điều chỉnh các tờ trình có lợi hơn như phát hành ESOP giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chào bán riêng lẻ với tỷ lệ chiết khấu 10-15% và thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15%.

Sau thông tin này, khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại. Trong đó, nhóm Dragon Capital đã mua vào gần 16,2 triệu cổ phiếu giai đoạn 14-24/6, qua đó tăng sở hữu lên 74,5 triệu đơn vị, tương đương 14,4% vốn.

Dragon Capital cũng thay đổi chiến lược rất nhanh tại Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC). Quỹ ngoại trở thành cổ đông lớn hồi đầu năm và liên tục gom thêm lên 10% cổ phần vào đầu tháng 2, tuy nhiên, nhà đầu tư này sau đó rút vốn xuống còn hơn 7,5% cổ phần đang lưu hành vào giữa tháng 5.

Nhóm quỹ lớn nhất thị trường này cũng liên tục mua bán cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát kể từ đầu năm, với khối lượng lên đến hàng triệu cổ phiếu mỗi đợt giao dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital tại công ty thép này vẫn chỉ xoay quanh mốc 6% cổ phần.

Dragon Capital còn lướt sóng các cổ phiếu khác như MWG của Đầu tư Thế giới Di động với tỷ lệ sở hữu dao động quanh 9-10%, mua bán cổ phiếu FPT ở mức quanh 5%...

Các quỹ khác cũng thực hiện nhiều thay đổi như nhóm quỹ KIM (Hàn Quốc) trở thành cổ đông lớn tại Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đầu tháng 4 sau khi doanh nghiệp thông báo bắt đầu thu phí Xa lộ Hà Nội, tuy nhiên sau đó quỹ quay ngược bán ra cổ phần. Hay như Evli Emerging Frontier Fund trở thành cổ đông lớn tại công ty Fecon (FCN) vào tháng 3 nhưng cũng thoái vốn trong tháng 5.

Chuộng cổ phiếu ngân hàng

Quan sát danh mục của các quỹ đầu tư nước ngoài lớn trên thị trường Việt Nam có thể thấy hầu hết quỹ đang rất ưa chuộng cổ phiếu ngân hàng.

PYN Elite Fund - quỹ đến từ Phần Lan với quy mô danh mục 700 triệu EUR - đang đặt cược lớn vào cổ phiếu ngân hàng với tổng tỷ trọng lên gần 37% danh mục. Các cổ phiếu ngân hàng lớn nhất trong danh mục lần lượt là TPBank, HDBank, VietinBank và MBB.

Quỹ Phần Lan từng nhận định cổ phiếu ngân hàng tại các nước châu Âu đem lại mức sinh lời yếu nhưng các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam lại tăng trưởng mạnh mẽ.

“Trong 10 năm qua, tăng trưởng cho vay khối ngân hàng Việt Nam là 331% và lợi nhuận tăng 241%. Do đó, cổ phiếu ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi có thể được xếp vào cổ phiếu tăng trưởng”, quỹ viết trong một báo cáo gần đây.

Riêng giai đoạn 2016-2020, PYN Elite nhận thấy các ngân hàng Việt Nam đạt được mức tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ 36%/năm giai đoạn 2016-2020. Quỹ dự báo tăng trưởng này khả năng cao sẽ chững lại trong năm 2021 nhưng vẫn ở mức tốt.

VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) với quỹ mô danh mục 1,32 tỷ USD cũng đầu tư lớn vào cổ phiếu ngành tài chính, tỷ trọng nhóm này đạt hơn 21% tại cuối tháng 5, tăng so với con số 17% hồi đầu năm. Các cổ phiếu được quỹ thuộc VinaCapital đầu tư phải kể đến là Eximbank, ACB, OCB hay VPBank.

Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital với quy mô 2,43 tỷ USD - không ngoại lệ khi đang đầu tư hơn 38% tài sản vào cổ phiếu ngân hàng, so với mức 33% hồi đầu năm.

Trong đó ACB là cổ phiếu ngân hàng được VEIL đầu tư lớn nhất với tỷ trọng 9,1% và lớn thứ 3 toàn danh mục quỹ tỷ USD. Các cổ phiếu ngân hàng khác có thể kể đến Vietcombank với tỷ trọng 8,3%, VPBank có tỷ trọng 3,6% hay MBB là gần 3%.

Thực tế, cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh thời gian qua khi có dòng tiền lớn đổ vào. Nhiều cổ phiếu có tăng giá hàng chục phần trăm so với đầu năm như MBB, ACB, VietinBank hay thậm chí tăng bằng lần như VPBank.

SSI Research nhận định tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong quý II dự kiến vẫn ở mức cao do nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái sẽ tiếp tục đưa mức P/E trượt 4 quý gần nhất về mức hấp dẫn hơn.

Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng kết quả quý II ngành ngân hàng tiếp tục khởi sắc và lợi nhuận cả năm toàn ngành dự kiến tăng trưởng khoảng 27%. Bên cạnh đó, thông tin về việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới và các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ là những sự kiện ngân hàng đáng chú ý trong thời gian tới.

Tin mới lên