Reuters: Nhà đầu tư ngoại đang ‘dòm ngó' miếng bánh ngon Sabeco
Lê Anh -
11/12/2017 19:04 (GMT+7)
(VNF) – Còn khoảng 1 tuần nữa đến ngày chính thức chào bán 53,59% cổ phần của Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), các nhà đầu tư ngoại đang tăng tốc để giành được "miếng bánh ngon" này. Có thể kể đến những cái tên sáng giá như Thai Beverage, Anheuser-Busch InBev và Kirin Holdings, theo Reuter đưa tin mới đây.
Theo một báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International từ tháng 6/2016, tổng giá trị bia tiêu thụ của Việt Nam đã tăng từ 82.736 tỷ đồng năm 2010 lên 153.943 tỷ đồng trong năm 2015 (86,1%).
Năm 2016, con số này lên tới 166.388 tỷ đồng và dự báo đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 218.292 tỷ đồng, tổng lượng bia được tiêu thụ vào năm 2020 được dự báo sẽ lên tới 4,84 tỷ lít. Và hiển nhiên đây là "mảnh đất màu mỡ" kông thể bỏ qua đối với các tập đoàn bia đa quốc gia.
Cổ phần Sabeco và "cuộc chiến" giữa các nhà đầu tư ngoại
Thai Bev, công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đang được xem là ứng cử viên nặng ký nhất. Thống lĩnh thị trường bia Thái Lan là chưa đủ, vị đại gia này muốn vươn ra các nước lân cận, và 343 triệu cổ phiếu của Sabeco chính là đích đến đầu tiên tại Việt Nam.
Trước đó, một công ty con của Thai Beverage đã mua 49% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam từ một cổ đông, với giá 98 triệu đồng (4.321 USD). Có vẻ như vị đại gia Thái Lan này sẽ sử dụng công ty này như một phương tiện để chào giá cho Sabeco với tư cách một nhà đầu tư trong nước, tạo ra lợi thế hơn so với các đối thủ quốc tế.
Các công ty do Sirivadhanabhakdi kiểm soát cũng nắm 19% cổ phần của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Vị đại gia này đang ngày càng thể hiện tham vọng tiếp cận và "bành trướng" lĩnh vực đồ uống và thực phẩm của Việt Nam.
Bia Chang của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thống lĩnh thị trường bia Thái Lan.
Mới đây, ngày 12/10/2017, Thai Beverage đã thâu tóm thành công hai nhà sản xuất và đóng chai nhãn hiệu rượu whiskey số 1 tại Myanmar mang tên Grand Royal là Myanmar Supply Chain and Service Co., và Myanmar Distillery Co., trong thương vụ mua lại 75% cổ phần trị giá 741,6 triệu USD thông qua công ty thành viên International Beverage Holdings.
Bên cạnh đó, các nhà thầu nước ngoài khác cũng tỏ ra hứng thú với thị trường bia đầy tiềm năng của Việt Nam. Một phát ngôn viên của AB InBev, nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới, cho biết công ty sẽ cam kết với Việt Nam và phát triển kinh doanh lâu dài. Về phía Asahi của Nhật Bản cũng tiết lộ họ có hứng thú và đang quan tâm đến Sabeco.
Một cái tên sáng giá khác chính là Heineken, dù đang chiếm thị phần bia đứng thứ 2 Việt Nam chỉ sau Sabeco, tuy nhiên vẫn có khả năng sẽ ngồi vào phiên đấu giá sắp tới. Heineken hiện đang sở hữu 5% cổ phần của Sabeco, tuy nhiên chưa có phát ngôn chính thức nào từ công ty này.
Có lợi nhất có lẽ là những người sành bia vì với sự góp mặt của các công ty bia quốc tế, họ sẽ được thưởng thức những loại bia cao cấp như Budweiser, Heineken và Kirin thông qua mạng lưới phân phối của Sabeco.
Heineken đang chiếm thị phần bia đứng thứ 2 Việt Nam chỉ sau Sabeco.
Giành được miếng ngon có dễ?
Ngày 29/11/2017, Bộ Công Thương đã công bố thông tin đợt chào bán công khai 343.662.587 cổ phần của Nhà nước tại Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Tổng giá trị theo mệnh giá là 3.437 tỷ đồng và mức giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cổ phần.
Cuộc đấu giá Sabeco diễn ra vào ngày 18/12 , và các nhà thầu mong muốn sở hữu một cổ phần 25% hoặc nhiều hơn số cổ phần của Sabeco sẽ cần phải thông báo cho Nhà nước trước 7 ngày buổi đấu giá diễn ra.
Sở hữu nước ngoài tại Sabeco được giới hạn ở 49% trong khi các nhà đầu tư ngoại đã sở hữu 10% cổ phần của Sabeco, điều đó đồng nghĩa những tập đoàn đến sau sẽ chỉ có thể chia 39% còn lại.
Bộ Công Thương Việt Nam cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có thể liên kết với các công ty Việt Nam để mua cổ phần của Sabeco, nhưng phải tuân theo luật và quy định của Nhà nước.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.