Sân chơi lớn của bà chủ tập đoàn BRG

Minh Thư - 05/05/2019 13:07 (GMT+7)

Không nghĩ ở Việt Nam lại có phụ nữ liều lĩnh như bà. Một doanh nhân nước ngoài đã thốt lên như vậy khi nói về Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga – người đã gây dựng cơ ngơi đồ sộ trên nhiều lĩnh vực kinh doanh.

VNF
Doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Nhiều người hỏi tôi có phải vợ bộ trưởng…

Sở dĩ bà Nga nhận được câu hỏi đầy hoài nghi như vậy khi hội nghị về nữ doanh nhân toàn cầu được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2000, bởi lúc đó, golf được ví như môn thể thao quý tộc và bà Nga là phụ nữ hiếm hoi sở hữu sân golf.

“Lúc đấy, các nhà quốc tế hỏi liệu tôi có phải vợ của một bộ trưởng, quan chức hay con một nhà tiền bối nào không mà lại có sân golf”, bà Nga nhớ lại.

Đáp lại, bà dí dỏm khẳng định: “Tôi có sổ đỏ đàng hoàng và chưa đi thế chấp”.

Mọi chuyện xuất phát từ việc mua lại sân golf Đồng Mô thuộc tỉnh Hà Tây cũ cách đây đúng hai thập kỷ, thời điểm mà bà Nga thừa nhận là người không biết gì về golf, cũng chưa bao giờ cầm gậy golf, và thậm chí còn băn khoăn liệu những người đam mê môn thể thao này bất chấp mưa nắng liệu có bị “khùng” hay không.

Golf lúc đó là môn thể thao xa xỉ và có rất ít người chơi. Đồng Mô cũng là sân golf đầu tiên của miền Bắc do liên doanh giữa một doanh nghiệp trong nước và đối tác Thái Lan đầu tư. Do khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng, nhà đầu tư Thái Lan gặp khó khăn và buộc phải bán tài sản ở Việt Nam. Đang kinh doanh thương mại, trong đó làm đại lý cho hãng Honda, bà Nga đã quyết định mua lại sân golf Đồng Mô.

Sau khi tìm hiểu, bà Nga nhận thấy golf là loại hình kinh doanh tiềm năng vì “đất rất rộng, rất đẹp, người chơi thì đam mê” và “đây sẽ trở thành một dịch vụ mà không sợ ế”.

Kể từ quyết định mang tính bước ngoặt đó, bà Nga đã lần lượt mua lại và phát triển thêm các sân golf mới để đến thời điểm hiện tại, BRG là tập đoàn sở hữu và vận hành nhiều sân golf nhất cả nước, với tổng cộng bảy sân. Riêng tổ hợp sân golf Đồng Mô đã có ba sân 18 hố, trong đó sân thứ ba mang tên King’s Course do Jack Nicklaus thiết kế.

Chính huyền thoại golf người Mỹ này đã phải thốt lên: “Tôi không bao giờ nghĩ ở Việt Nam có một người phụ nữ mà liều lĩnh như bà. Kinh doanh sân golf mà không bán biệt thự thì không có lãi mà vẫn đầu tư vào sân golf.”

Nhưng, gạt bỏ sang một bên chuyện lời lãi, bà Nga cảm thấy tự hào khi lá cờ Việt Nam được cắm trên bảo tàng golf của Jack Nicklaus ở Ohio, Mỹ. Nó giống như một biểu tượng cho nỗ lực của bà trong việc đưa golf Việt Nam lên bản đồ thế giới.

Câu chuyện đầu tư sân golf mà bà Nga chia sẻ đã truyền cảm hứng tại buổi toạ đàm “Doanh nhân nữ và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tuần trước.

Cũng tại diễn đàn này, Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát kể về những trải nghiệm biến cái không thể thành có thể cũng như từ chối lời đề nghị hấp dẫn của Coca Cola mua lại Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỷ USD.

Nhưng nếu lãnh đạo Tân Hiệp Phát gây ấn tượng với khát vọng khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh sòng phẳng với những đại gia ngoại để vươn lên thành tập đoàn sản xuất nước giải khát không cồn lớn thứ hai cả nước, thì bà Nga lại đi theo con đường hợp tác với những tập đoàn nước ngoài.

Chuyện làm ăn thời hội nhập

“Tập đoàn BRG đã đưa ra một chiến lược, cũng coi như một thế mạnh, đó là chiến lược hội nhập quốc tế”, nữ chủ tịch không ngần ngại chia sẻ bí kíp kinh doanh.

Chính vì thế, dù tự nhận tiếng Anh của bản thân vẫn hạn chế, nhưng từ những ngày đầu tiên, bà đã không ngần ngại chọn đối tác nước ngoài để hợp tác.

Hiện nay, ngoài hệ thống sân golf, BRG và các công ty thành viên đang sở hữu 24 khách sạn trên cả nước, trong đó có khách sạn Sheraton Grand ở Đà Nẵng đã tổ chức thành công Gala Dinner chào đón 21 nguyên thủ quốc gia dự hội nghị APEC.

Tất cả các khách sạn lớn của BRG đều do những tập đoàn nước ngoài doanh tiếng như Hilton, Four Seasons, Marriott và InterContinental quản lý.

Bà Nga lý giải: “Chúng tôi kinh doanh khách sạn mà tự quản lý thì thực sự chất lượng sản phẩm không được cao, trình độ nghiệp vụ của cán bộ công nhân viên thì chưa được đào tạo chuyên nghiệp.”

Ngoài ra, BRG còn hợp tác với Hino và Isuzu để lắp ráp sản xuất ôtô; liên doanh với Central Group trong tám siêu thị Big C tại Hà Nội; hợp tác với Sumimoto để đưa chuỗi siêu thị Fujimart với sản phẩm chuẩn Nhật đến gần hơn với người tiêu dùng Việt.

Tuy nhiên, bà Nga cũng bộc bạch, hợp tác với quốc tế không phải chỉ có được mà không có mất. “Chúng ta mất chi phí. Đầu tư đẳng cấp cao thì càng mất nhiều chi phí hơn và phải càng nỗ lực nhiều hơn.”

“Tuy nhiên, cái được ở đây là rất nhiều. Đó là một đội ngũ nhân lực được đào tạo ngang hàng với các nước trên thế giới, mang được sản phẩm tốt phục vụ xã hội và đưa được sản phẩm quốc tế về phục vụ cho người dân trong nước”.

Bà chia sẻ, hội nhập quốc tế là điều tất yếu để đi ra thế giới. Trong công cuộc này, doanh nghiệp tư nhân nói chung và bộ phận nữ doanh nhân nói riêng đóng vai trò không hề nhỏ.

Trong mạng lưới doanh nhân nữ mạnh, Việt Nam đứng thứ 6 trên tổng số 54 nước, thế nhưng bà Nga chia sẻ “các chị em phụ nữ vẫn còn rụt rè, chưa tự tin, thông minh nhưng thiếu một độ sâu, nghĩa là cần phải quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn và làm đến nơi đến chốn.”

Theo bà Nga, phụ nữ rất nhạy bén và cần cù, không liều lĩnh nhưng dám nghĩ dám làm. Vấn đề là hiện tại chưa đoàn kết, chưa kết nối được để tạo ra sức mạnh cộng hưởng mà để hội nhập, “chúng ta phải tận dụng mọi sự hỗ trợ, mọi sự hợp tác để trở nên hoàn hảo hơn, để có thể thành công.”

Với tinh thần đó, bà cũng bày tỏ mong muốn sớm xuất hiện một nghị quyết hỗ trợ doanh nhân nữ từ phía Chính phủ.

“Khi hợp tác quốc tế chúng ta sẽ hòa nhập nhưng không hòa tan, chúng ta học hỏi sáng tạo, phát huy những giá trị của riêng mình để tạo ra lợi thế cạnh tranh”, bà nhấn mạnh.

Bà tin rằng, trong tương lai không xa, những doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành những người khổng lồ để vươn tầm quốc tế.

Theo The Leader
Cùng chuyên mục
Tin khác