Tài chính

Sản lượng đường mía tiệm cận mức lịch sử, sếp SBT gom thêm 6 triệu cổ phiếu

(VNF) - SSI Research dự báo sản lượng đường sản xuất từ mía của TTC Sugar (SBT) ước tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái lên 333.000 tấn. Con số này xấp xỉ mức sản lượng "đỉnh" của doanh nghiệp hồi năm 2018.

Sản lượng đường mía tiệm cận mức lịch sử, sếp SBT gom thêm 6 triệu cổ phiếu

Sản lượng đường mía tiệm cận mức lịch sử, sếp SBT gom thêm 6 triệu cổ phiếu

Bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, HoSE: SBT) vừa hoàn tất mua vào 6 triệu cổ phiếu SBT đã đăng ký mua trước đó. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ 27/8-13/9/2021.

Sau giao dịch, bà Uyên Duyên nâng lượng sở hữu cổ phiếu SBT lên gần 6,93 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 1,08% vốn doanh nghiệp.

Bà Đoàn Vũ Uyên Duyên được bổ nhiệm làm Phó tổng Giám đốc thường trực của TTC Sugar từ 6/8/2021, thời hạn đến 5/8/2021. Trước đó bà Duyên từng đảm nhiệm vị trí quyền Phó tổng giám đốc thường trực.

Ngày 6/8 vừa qua, bà Đoãn Vũ Uyên Duyên được tái bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực, Ban Tổng giám đốc của TTC Sugar từ 6/8/2021 đến 5/8/2022.

Động thái tăng tỷ trọng của lãnh đạo TTC Sugar diễn ra trong bối cảnh ngành mía đường biến động khá mạnh. Việc thực hiện thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (AD&AS) đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan đã bắt đầu cho thấy một số kết quả đối với ngành đường trong nước.

Cụ thể, theo Hiệu hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường trắng trong nước đã tăng 41% so với hồi đầu năm, trong khi đó quý II ghi nhận lượng đường nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Giá bán tăng cao giúp cho một số doanh nghiệp sản xuất đường trong nước cải thiện đáng kể biên lợi nhuận gộp. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới dự kiến thiếu hụt 3,8 triệu tấn đường trong niên vụ 2021 - 2022, giá đường có thể tiếp tục tăng cho tới năm 2022.

Bên cạnh đó, trong điều kiện mức thuế nhập khẩu đường thô tăng mạnh, dự kiến diện tích trồng mía trong nước sẽ được mở rộng 10-20% so với cùng kỳ trong niên vụ 2021 - 2022, từ mức 127.000ha trong niên vụ trước. Đây là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của ngành mía đường trong thời gian tới.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research dự báo sản lượng sản xuất từ mía của TTC Sugar có thể tiệm cận mức đỉnh lịch sử. Dự kiến sản lượng mía sẽ tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, SSI Research dự phóng doanh nghiệp sẽ sản xuất được 333.000 tấn đường từ mía, xấp xỉ mức sản lượng kỷ lục hồi năm 2018.

Dù vậy, với sản lượng mía tăng ấn tượng, SSI cho rằng TTC Sugar vẫn khó có thể hoàn toàn thay thế được đường thô nhập khẩu, và có thể vẫn phụ thuộc vào đường nhập khẩu trong năm 2022.

TTC Sugar đã có kế hoạch đảm bảo nhập khẩu đủ đường để luyện và kinh doanh thương mại, nhằm duy trì sản lượng tiêu thụ đi ngang trong niên vụ tới. Tuy vậy, SSI cũng có quan ngại về khả năng tăng trưởng sản lượng cho năm 2023, khi hoạt động nhập khẩu được có thể bị kiểm soát chặt hơn.

Năm tài chính 2021 (niên độ từ 1/7/2021 đến 30/6/2022), SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TTC Sugar lần lượt đạt 19.800 tỷ đồng và 825 tỷ đồng, tăng 33% và 22% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này dựa trên giả định tổng sản lượng đường tiêu thụ đi ngang ở mức 1,15 triệu tấn, sản lượng đường sản xuất tăng lên mức 700.000 tấn, giá bán trung bình đường tăng 36% lên 16,5 triệu đồng/tấn và giá thu mua mía có thể tăng 25% so với cùng kỳ.

Mới đây, TTC Sugar đã công bố nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức niên độ 2019 - 2020. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành gần 31,5 triệu cổ phiếu mới để thực hiện trả cổ tức theo tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu có quyền nhận 5 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn thực hiện được lấy từ quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ vào báo cáo tài chính gần nhất sau kiểm toán. Dự kiến, TTC Sugar sẽ thực hiện chi trả trong quý IV/2021, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Tin mới lên