Khó thu hút 'cá mập' quốc tế vào TTCK Việt Nam khi doanh nghiệp niêm yết chưa đủ lớn

Thanh Long - 27/08/2021 14:34 (GMT+7)

(VNF) - Quy mô doanh nghiệp niêm yết Việt Nam phần lớn vẫn ở mức độ vừa và nhỏ theo tiêu chuẩn quốc tế, vì thế, thị trường chứng khoán (TTCK) khó thu hút "cá mập" quốc tế. "Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải lớn mạnh thì thị trường mới lớn theo được", đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.

VNF
Khó thu hút 'cá mập' quốc tế vào TTCK Việt Nam khi doanh nghiệp niêm yết chưa đủ lớn

Sau khi bán ròng liên tiếp từ đầu năm, đến tháng 7, khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng nhiều phiên lên đến vài trăm triệu USD. Tuy nhiên, động thái này không duy trì được lâu khi chỉ hơn 1 tháng sau đó, nhà đầu tư ngoại lại quay lại bán ròng.

Theo Bloomberg, tính từ đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,5 tỷ USD, con số bán ròng mạnh nhất từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Trao đổi về thực trạng khối ngoại bán ròng trên Talkshow Phố Tài chính, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho hay quy mô dòng vốn ngoại 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức cao so với thời điểm tháng 12 năm 2020.

Mặc dù dòng vốn ngoại trên thị trường mặc dù có sự thay đổi, lúc ra, lúc vào, nhưng tổng danh mục đối với nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK là hơn 51,3 tỷ USD. Nếu tính trên quy mô và điều chỉnh danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài có rút ra trên thị trường cổ phiếu nhưng lại đầu tư trên thị trường trái phiếu. Mức đầu tư trên thị trường trái phiếu rơi vào hơn 9.000 tỷ đồng.

"Rõ ràng, dòng vốn nước ngoài vẫn ở Việt Nam, chỉ thay đổi danh mục đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng các quỹ được thành lập mới tăng cả về số lượng lẫn quy mô, điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức đối với thị trường. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ nhìn nhận thị trường ở góc độ mua bán đơn thuần, mà họ còn có quan điểm đi xa hơn nữa là hướng đến các sản phẩm đầu tư bền vững trên thị trường", ông Dũng nhấn mạnh.

Nói về việc Việt Nam chưa thực sự có những quỹ “cá mập” tham gia vào thị trường, ông Dũng cho biết, một quỹ lớn bao giờ cũng đi kèm với việc nghiên cứu trên thị trường rất kỹ chứ không phải là một sớm một chiều họ quyết định đầu tư được.

"Họ phải có nghiên cứu và tìm hiểu về mặt thị trường, độ an toàn… bên cạnh lợi nhuận thu về. Họ cũng phải nghiên cứu các chính sách và đưa ra khuyến nghị để cải thiện chính sách đó. Việc một thị trường có các quỹ lớn tham gia vào hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của mỗi thị trường và quy mô nền kinh tế. Hiện giờ, nếu theo định nghĩa của quốc tế thì quy mô doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn ở mức độ vừa và nhỏ chứ chưa phải doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, điều cần thiết là các doanh nghiệp phải lớn mạnh thì thị trường mới lớn theo được", ông Dũng cho hay.

Còn về độ mở của TTCK Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Dũng cho biết, so với các nước trong khu vực thì TTCK Việt Nam có độ mở lớn. Nhưng việc tham gia hay rút khỏi thị trường còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của nhà đầu tư đối với từng thị trường.

Theo ông, các giải pháp để thu hút dòng vốn ngoại chính là tăng quy mô của thị trường, thêm sản phẩm trên thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và tăng quy mô, cũng như tăng số lượng và cải thiện chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Đồng thời, cải thiện các thủ tục hành chính cũng như các quy định để tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư trên TTCK. Đó là những giải pháp mà cơ quan quản lý đã và đang triển khai.

Trong những đề án đang nghiên cứu có việc đưa ra sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp, những sản phẩm mới trên thị trường, hay như Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM đang nghiên cứu về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết…

Bổ sung thêm, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho hay sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam chủ đạo là nhà đầu tư cá nhân, với rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đến từ những thị trường phát triển trong khu vực. Trong đó, nổi bật là TTCK Trung Quốc, TTCK Hàn Quốc và TTCK Nhật Bản…

"Còn về các quỹ, các tổ chức đầu tư tham gia vào thị trường, chúng tôi nhận thấy là số lượng nhà đầu tư đến từ các nước có TTCK phát triển như là Châu Âu, Mỹ cũng chiếm số đông", ông Tuấn cho biết.

Talkshow Phố Tài chính với khách mời là ông Vũ Chí Dũng (giữa) đến từ UBCKNN và ông Dương Ngọc Tuấn đến từ VSD

Số lượng các tổ chức tham gia vào TTCK Việt Nam đăng ký mã số tại VSD hiện nay số lượng chưa phải quá lớn, nhưng đại diện VSD nhận thấy là chất lượng cũng đã có sự tăng lên, có sự hiện diện của những nhà đầu tư mà có danh mục đầu tư của họ cũng ở quy mô toàn cầu. Các tổ chức lưu ký toàn cầu đã có hoạt động tại TTCK Việt Nam như Citibank, HSBC, Standard Chartered… Đây là những nhà đầu tư chất lượng với danh mục đầu tư cũng trải rộng.

"Có một thực tế là khi thị trường càng phát triển, chúng ta càng thu hút các nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường. Và trong số các nhà đầu tư quốc tế đó thì sẽ có nhiều loại hình quỹ đầu tư, nhiều loại hình, mô hình tổ chức đầu tư khác nhau. Trong đó có cả những quỹ đầu tư mang tính chất đầu tư mạo hiểm, nên sự luân chuyển dòng vốn rất là nhanh. Đấy là một trong những minh chứng cho sự hấp dẫn của sự phát triển thị trường. Và đương nhiên là chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận, cũng sẽ phải sẵn sàng tư thế chuẩn bị cho các tình huống xảy ra. Điều quan trọng là chúng ta nhìn thấy vấn đề đó, ta phân tích và đưa ra chính sách phù hợp để không bị động", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, điểm mừng là trong năm 2020 và 2021, động lực chính của TTCK Việt Nam không phải đến từ khối ngoại mà đến từ động lực các nhà đầu tư trong nước, từ các nhà đầu tư F0 mới.

"Thế nhưng, chúng tôi nghĩ rằng thế hệ các nhà đầu tư mới F0 giai đoạn vừa qua có sự khác biệt lớn so với thế hệ nhà đầu tư F0 ở những năm mới thành lập thị trường. F0 thế hệ mới năng động, có kiến thức am hiểu thị trường và có cả khả năng tài chính nhất định. Họ tham gia thị trường, tạo động lực cho sự phát triển thị trường trong thời gian vừa qua", đại diện VSD bày tỏ quan điểm.

Còn về việc Việt Nam chưa thực sự có những quỹ “cá mập” tham gia vào thị trường, ông Tuấn cho rằng không nên quá lo ngại. Điều quan trọng nhất là TTCK Việt Nam cần đón nhận được những luồng vốn đầu tư mang tính dài hạn, có ý nghĩa trong việc giúp nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp. Đồng thời, tuỳ theo quy mô thị trường mà tiếp nhận những luồng vốn, những khoản đầu tư phù hợp, như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc quy mô thị trường chưa tương xứng mà ta lại phải đón nhận những quỹ đầu tư mang tính mạo hiểm và có tính ngắn hạn, tiềm ẩn những rủi ro.

"Để thu hút dòng vốn ngoại, tôi nghĩ mấu chốt ở đây là thị trường của chúng ta là phải ngày càng hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý. Và bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có kết quả kinh doanh khả quan, nâng cao chất lượng quản trị công ty, để tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, từ đó thu hút tốt hơn những luồng vốn đầu tư có chất lượng vào thị trường", ông Tuấn nhận định.

“TalkShow Phố Tài Chính" là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường Tài chính-chứng khoán.

Chương trình có sự tham gia của các lãnh đạo đến từ UBCKNN, HoSE, HNX, VSD, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp niêm yết và các nhà đầu tư…

Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài Chính. Chương trình do VTV8 và MS media phối hợp thực hiện.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.