Bất động sản

Sắp 'khai tử' Tổng Công ty Cửu Long

(VNF) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có văn bản đồng ý chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long (CIPM) và thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận).

Sắp 'khai tử' Tổng Công ty Cửu Long

"Bình cũ... rượu mới"

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 240/TB – VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về việc tổ chức lại Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) được tổ chức hôm 7/7.

Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực đồng ý chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long và thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Nội vụ hoàn thiện các dự thảo Quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận, sửa đổi Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 9/1/2018 và Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 2/3/2016 để bổ sung PMU Mỹ Thuận vào Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT và Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 8 năm 2020.

Trước đó, cuối tháng 4/2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có cuộc họp nghe báo cáo quá trình đề nghị thành lập Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận. Tại cuộc họp này, các đơn vị tham mưu cũng đề xuất chuyển CIPM trở thành Ban QLDA Mỹ Thuận. 

Theo các chuyên gia giao thông, "việc này chẳng khác gì "bình cũ rượu mới", bởi trước đó tiền thân của CIPM chính là Ban QLDA cầu Mỹ Thuận".

Một phần sáp nhập vào VEC

Cũng trong văn bản lần này, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng đồng ý sáp nhập Tổng công ty  Cửu Long thuộc Bộ GTVT vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác định tài chính, tài sản với tính chất là tài sản của doanh nghiệp, quyền, nghĩa vụ mà Tổng công ty Cửu Long bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy, kiện toàn nhân sự của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thực chất trước đó, Bộ GTVT cũng đã đề xuất phương án CIPM sáp nhập vào VEC. Tuy nhiên, thời điểm này bản thân VEC cũng đang gặp nhiều khó khăn khi chuyển Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp".

"Ngoài ra, VEC đang là đối tượng kiểm tra, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, việc thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung Ương", một chuyên gia giao thông cho biết.

Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ lưỡng, Phó Thủ tướng vẫn đồng ý cho sáp nhập nhân sự vào VEC có thể do mô hình tại CIPM tương tự như mô hình tại VEC khi tiền thân của VEC là "Ban quản lý dự án đường cao tốc".

Ngoài ra, trước đó, Bộ GTVT cũng có phương án "sáp nhập nhân sự CIPM có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và năng lực để tăng cường cho các Ban Quản lý dự án đường thuỷ và Ban Quản lý dự án 7". Tuy nhiên, phương án này đã bị bác bỏ.

CIPM đang quản lý các dự án nào?

Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó, PMU Mỹ Thuận (thành lập năm 1994) là nòng cốt của công ty mẹ; 2 đơn vị bảo trì đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ) là công ty thành viên.

Thời điểm thành lập, Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT kỳ vọng là đầu mối trong việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng yếu ở phía Nam.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trước đó, CIPM cũng được "ưu ái" quản lý một số dự án lớn khu vực phía Nam như: Quốc lộ 14, Quốc lộ 51, đường hành lang ven biển phía nam, đường Nam Sông Hậu,…

Đáng chú ý là cả cao tốc Tp.HCM - Trung Lương (sau này chuyển nhượng lại cho một công ty của Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc), hiện dự án này cũng vẫn đang dính những kiện cáo, lùm xùm).

Ngoài ra, CIPM tiếp tục được giao quản lý Dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 để kết hợp dự án kết nối khu vực đồng bằng Mekong thành tuyến cao tốc thứ 2 song song với Quốc lộ 1A. Mới đây nhất, CIPM tiếp tục được giao cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong khi Tổng công ty này sắp bị "khai tử".

Để xử lý các bất cập trong mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Cửu Long, tại Tờ trình số 10922/BGTVT – TTr ngày 18/11/2019, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long, đồng thời quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận trực thuộc bộ này.

Cùng với việc đưa PMU Mỹ Thuận vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho chuyển một phần tài sản của Tổng công ty Cửu Long sau khi kết thúc mô hình thí điểm (chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp) sang PMU Mỹ Thuận, bao gồm trụ sở làm việc, xe ô tô, một số máy móc thiết bị và điều chuyển tài sản, các nghĩa vụ liên quan còn lại, trong đó có các công ty con cho VEC thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

 

Tin mới lên