Sau bầu Đức, Thaiholdings đầu tư 600 tỷ nuôi heo

Trần Lê - 01/09/2022 07:24 (GMT+7)

(VNF) - Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, Công ty Cổ phần Thaiholdings cùng công ty con là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaigroup đã rót 600 tỷ cùng với Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hoá 2 và Xuân Thiện Thanh Hoá 3 lập dự án chăn nuôi heo và sản xuất heo giống.

VNF

Ghi nhận trong báo cáo tài chính bán niên hợp nhất kiểm toán, Công ty Cổ phần Thaiholdings (THD), cùng các công ty thành viên đã thực hiện một loạt giao dịch chuyển nhượng, góp vốn với các đối tác để thực hiện chiến lược kinh doanh năm 2022.

Đáng chú ý, Thaiholdings đã cùng công ty con - Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaigroup, đầu tư 600 tỷ đồng để hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 3 đầu tư dự án chăn nuôi heo và sản xuất heo giống công nghệ cao tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể Thaiholdings đã ký kết hợp đồng kinh doanh với Xuân Thiện Thanh Hóa 2 để lập dự án chăn nuôi heo. Trong đó, công ty của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) góp 300 tỷ đồng và nhận 60% lợi nhuận từ dự án. Phía Xuân Thiện Thanh Hóa 2 góp 75 tỷ đồng và đóng vai trò quản lý nhận được 40% lợi nhuận.

Sau đó Thaiholdings ký tiếp hợp đồng với Công ty Xuân Thiện Thanh Hóa 3 để lập dự án chăn nuôi heo tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Trong đó, Thaiholdings vẫn góp 300 tỷ vào dự án này và nhận 60% lợi nhuận.

Với động thái kể trên, Thaiholdings là doanh nghiệp tiếp theo có tham vọng tham gia thị trường chăn nuôi heo sau Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).

Như vậy, thị trường nuôi heo Việt hàng tỷ USD đón nhận thêm "đại gia" mới, cùng với tỷ phú Thái Lan - CP Group, GreenFeed, CJ Vina Agri, Cargill, Newhope… hay các tập đoàn lớn trong nước như Masan, Hoà Phát, Dabaco, BAF, Tân Long, Thiên Thuận Tường, Mavin…

Giá heo hơi nói chung và thịt heo đang tăng lên mặt bằng mới trước khủng hoảng nguồn cung. Tính đến ngày 31/8/2022, giá heo hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg và tại miền Nam dao động trong khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Năm 2021, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi heo từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con, chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn heo của cả nước. Tổng đàn heo thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi heo quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn.

Theo một khảo sát mới đây, mức tiêu thụ của người Việt hàng năm theo lên đến 35 triệu con heo. Việt Nam còn xuất khẩu các sản phẩm thịt heo đi thị trường nước ngoài.

Thị trường thịt heo cũng có giá trị hơn 10 tỷ USD là mảng lớn nhất trong ngành F&B (báo cáo của Masan MEATLife đầu năm 2022).

Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt heo trên thị trường không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc.

Theo thống kê của Frost & Sullivan, thịt chế biến chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc, và đang tăng nhanh gấp đôi so với thịt tươi. Dự báo xu hướng này sẽ diễn ra tương tự ở Việt Nam.

Gần đây nhất, bầu Đức cũng cho ra mắt thương hiệu thịt mới Heo ăn chuối Bapi HAGL bán với giá cạnh tranh các thương hiệu đã có trước đó với kỳ vọng thịt Heo ăn chuối có cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác