Bất động sản

Sau quý II bay cao, IDICO ‘trở lại mặt đất’ trong quý III

(VNF) – Sau quý II/2023 thành công với doanh số hơn 2.400 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 660 tỷ đồng, Tổng công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC) đã trải qua quý III/2023 khá buồn bã khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm rất mạnh.

Sau quý II bay cao, IDICO ‘trở lại mặt đất’ trong quý III

Sau quý II bay cao, IDICO ‘trở lại mặt đất’ trong quý III

Báo cáo tài chính hợp nhất của IDC cho thấy, quý III/2023, doanh thu thuần đạt 1.443 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp vì thế giảm 49%, đạt 405 tỷ đồng.

Trong quý, doanh thu tài chính cũng giảm 50% (đạt 29 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty phải gánh thêm 45 tỷ đồng lỗ khác (cùng kỳ lãi 20 tỷ đồng). Trong khi đó, các loại chi phí lại tăng: chi phí tài chính 42 tỷ đồng, tăng 35%; chi phí bán hàng 25 tỷ đồng, tăng 8%; chi phí quản lý 64 tỷ đồng, gần như đi ngang.

Kết quả là lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 256 tỷ đồng, giảm 66%; lợi nhuận sau thuế đạt 194 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của IDC đạt 4.997 tỷ đồng, giảm 29%. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự suy giảm của 2 mảng chủ lực là hạ tầng khu công nghiệp (2.229 tỷ đồng, giảm 45%) và kinh doanh điện (2.069 tỷ đồng, giảm 3%). Các mảng phụ trợ khác có sự tăng trưởng, song không lớn, như: xây lắp (61 tỷ đồng, tăng 45%), thu phí đường bộ (326 tỷ đồng, tăng 5%)…

Vì thế, lợi nhuận gộp 9 tháng chỉ đạt 1.601 tỷ đồng, giảm 48%. Khấu trừ các loại chi phí (tài chính 147 tỷ đồng, tăng 43%; bán hàng 83 tỷ đồng, tăng 45; quản lý 169 tỷ đồng, tăng 6%), IDC có lợi nhuận trước thuế 1.296 tỷ đồng, giảm 56% và lợi nhuận sau thuế 1.032 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của IDC đạt 16.898 tỷ đồng, giảm 115 tỷ đồng so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý quy mô tiền vẫn đạt trên mức 2.000 tỷ đồng, trong đó: tiền và tương đương tiền tăng 15% lên 1.250 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 20% xuống 834 tỷ đồng.

Các khoản phải thu trong 9 tháng qua cũng tăng thêm 4%, lên 2.292 tỷ đồng, chiếm 13% tài sản. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 71 tỷ đồng, tăng 26%. Hàng tồn kho không có nhiều chuyển biến, đạt 1.107 tỷ đồng.

Đáng kể hơn là tài sản dở dang dài hạn đã tăng 31%, lên 2.680 tỷ đồng, chiếm 16% tài sản, tập trung chủ yếu ở khu công nghiệp Hựu Thạnh.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của IDC tại ngày 30/9/2023 đạt 11.287 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, nổi bật là khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn 5.159 tỷ đồng (giảm 31 tỷ đồng) và doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 211 tỷ đồng (tăng 22%). Đây là tiền cho thuê đất, phí quản lý và sử dụng hạ tầng nhận trước tại các khu công nghiệp.

Nợ vay của IDC trong 9 tháng qua đã giảm 4%, xuống còn 3.314 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại ngày kết thúc quý III/2023 đạt 5.610 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2.01 lần.

Dòng tiền kinh doanh 9 tháng khá đẹp khi dương 1.597 tỷ đồng, nhờ lợi nhuận lớn. Dòng tiền đầu tư cho thấy, so với cùng kỳ, IDC đã giảm bớt việc mua sắm tài sản (giảm 19%), bớt chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác (giảm 55%) đồng thời thu lãi cho vay, cổ tức tăng gấp đôi. Nhờ đó, IDC giảm quy mô dòng tiền đi vay xuống 1.200 tỷ đồng (giảm 61%).

Tin mới lên