Sau Vietnam Airlines, Bamboo Airways 'xin' Chính phủ gói tài chính hỗ trợ hàng không tư nhân

Chi Lan - 26/11/2020 10:07 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải cho biết: "Để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khó khăn do ảnh hưởng Covid -19, Bamboo Airways đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét có gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt cho Vietnam Airlines".

VNF

Mới bay đã gặp "bão Covid-19"

Đối với Bamboo Airways, là hãng hàng không hết sức non trẻ, mới được thành lập từ tháng 5/2017 và đến tháng 11/2018 hãng được cấp phép bay thương mại. Ngày 16/1/2019 hãng bay chính thức cất cánh, đánh dấu sự xuất hiện hãng hàng không thứ 5 trên bản đồ hàng không Việt Nam.

Chỉ sau 1 năm, hãng đã có 25 tàu bay, tính đến hết tháng 9/2020 hãng đã thực hiện hơn 40.000 chuyến bay an toàn, khai thác 53 đường bay nội địa và quốc tế, vận chuyển hơn 5 triệu lượt khách.

Bên cạnh đó, thị phần của Bamboo Airways cũng có bước tiến mạnh khi tăng thị phần vận tải cung ứng từ 2,2% (tháng 1/2019) lên mức 15% (tháng 6/2020) và thị phần vận tải hành khách tăng 1,1% (tháng 1/2019) lên mức 13% (tháng 6/2020).

Rất không may cho Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, đó là sự xuất hiện của đại dịch Covid -19 khiến các hoạt động khai thác của hãng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Ông Nguyễn Khắc Hải chia sẻ: "Vào thời gian cao điểm dịch, đội tàu bay của Bamboo Airways phải dừng hoạt động 80-90% và số lượng sụt giảm chỉ còn 2 ngày/chuyến đối với một số đường bay trục chính.

Bên cạnh đó, hãng còn tốn kém thêm chi phí cho các hoạt động cách ly, phòng dịch. Vì thế, Bamboo đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề so với các hãng đã có tiềm lực và nhiều năm hoạt động như Vietnam Airlines và Vietjet".

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, lĩnh vực hàng không được cần chi phí đầu tư rất lớn, vì thế, không ít đại gia phải chia tay thị trường khốc liệt này như: Mekong Air, Indochina Airlines, Trai Thien Air Cargo và mới đây nhất là Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng...

Còn đối với Bamboo Airways với tham vọng lớn trở thành "Hãng hàng không 5 sao" nên chi phí đầu tư sẽ là rất lớn. Thế nhưng, vừa cất cánh một thời gian ngắn, hãng đã gặp "bão" Covid -19, nên rất khó khăn về dòng tiền.

"Đến nay, tài chính của Bamboo Airways tiếp tục dựa hoàn toàn vào sự bảo trợ từ Tập đoàn FLC và nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng", ông Nguyễn Khắc Hải chia sẻ.

Đề xuất Chính phủ có gói vay ưu đãi

Trước những khó khăn dồn dập, phía Bamboo Airways đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các hãng hàng không mới gia nhập thị trường như các gói hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi, giảm giá/phí một số dịch vụ trong thời gian đầu khai thác...

Theo tìm hiểu riêng của VietnamFinance gói vay hỗ trợ của Bamboo Airways vào tháng 7/2020 đề xuất với Chính phủ là 5.000 tỷ đồng, nhưng cho đến thời điểm này hãng chưa đưa ra con số cụ thể.

Ông Nguyễn Khắc Hải cũng cho biết: Do mới thành lập nên Bamboo Airways cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ mở rộng và phát triển đội bay hãng. Đồng thời, tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm đối với giá dịch vụ, giảm thuế nhiên liệu bay đã ban hành. Đặc biệt, giảm các loại phí thu hộ như phí phục vụ hành khách và phí soi chiếu an ninh.

"Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới hạ tầng hàng không để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không. Đồng thời, đề xuất Chính phủ, các cơ quan liên quan có cơ chế hỗ trợ xuất nhập cảnh, cách ly lưu trú đối với nhân lực ngành hàng không", ông Hải nói.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bamboo Airways dự kiến phá triển đội tàu bay lên 110 chiếc (gồm 14 tàu bay thân rộng và 96 tàu bay thân hẹp).

Bamboo Airways sẽ khai thác các đường bay đến toàn bộ các sân bay nội địa. Ngoài ra mở thêm các đường bay quốc tế đi đến Đài Loan, Hàn Quốc và mở các đường bay tầm trung, tầm ngắn tới các nước khu vực Đông Nam Á (Singapor, Thái Lan...) và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc...).

Bên cạnh đó, hãng sẽ triển khai các đường bay tầm xa Châu Âu, Châu Úc và Châu Mỹ phù hợp với việc khai thác tàu bay thân rộng.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.