Tiêu điểm

'Sếp' Tổng cục Thống kê: 'Một nước suy thoái thì chi tiêu thường xuyên để không đổ vỡ là cần thiết'

(VNF) – Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO), cho hay khi tính lại quy mô GDP, các ngưỡng an toàn về nợ công, chi tiêu Chính phủ sẽ được thiết kế lại cho phù hợp. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “đừng quá cứng nhắc” với các ngưỡng này.

'Sếp' Tổng cục Thống kê: 'Một nước suy thoái thì chi tiêu thường xuyên để không đổ vỡ là cần thiết'

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Sáng nay (31/10), tại Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đã diễn ra tọa đàm “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều”.

Trả lời báo giới bên lề tọa đàm này, Tổng cục trưởng GSO Nguyễn Bích Lâm cho biết việc GDP thay đổi bao nhiêu % sau khi tính toán lại phụ thuộc vào quy mô của từng nền kinh tế.

“Có nước chỉ tăng thêm 3,6% - 7%, có những nước tăng thêm 20% - 30%, cá biệt có những nước tăng đến 60% - 70%”, ông Lâm nói.

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Lâm cho hay: nước Mỹ sau khi tính lại, GDP năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD (tức khoảng 3,6%); Trung Quốc sau khi tính lại trong những năm 2012 – 2014, GDP tăng thêm 300 tỷ USD (trên 5%).

Các nước ở Đông Âu, ví dụ Bulgaria, GDP sau khi tính lại tăng khoảng 30%. Một số nước châu Phi, như Nigeria, GDP tính lại tăng 89% hay Gana tăng 60%. Nhưng với Cộng hòa Liên bang Đức, GDP tính lại của nước này chỉ tăng 0,7%.

Ở Việt Nam, sau khi tính lại, GDP giai đoạn 2010 – 2017 tăng thêm 25,4%. Ông Lâm cho hay có 4 nhóm nguyên nhân làm GDP tăng và 1 nhóm nguyên nhân làm GDP giảm.

Ông cũng nhấn mạnh ngành thống kê đã thay đổi các phương pháp theo chuẩn quốc tế. Do vậy việc GDP tính lại tăng thêm 25,4% là “hoàn toàn xác thực, phù hợp với bức tranh kinh tế của Việt Nam”.

Ông Lâm cũng khẳng định: “Cơ quan thống kê có quan điểm trung thực, phục vụ đất nước, sử dụng phương pháp tiên tiến nhất để nâng cao chất lượng. Chúng tôi dựa trên quan điểm: chưa điều tra, chưa biết, chưa rõ thì chưa thể nói. Do đó, những gì chúng tôi nói ra là đều có chứng cứ”.

Theo ông, từ bức tranh xác thực về quy mô nền kinh tế, GSO sẽ có báo cáo, tham vấn cho Chính phủ đánh giá tác động của việc điều chỉnh GDP.

“Ví dụ khi đánh giá lại GDP thì GDP bình quân đầu người tăng lên. Khi GDP đầu người tăng lên, một phần nào đó, phản ánh thu nhập của người dân tăng lên. Các tầng lớp dân cư có thu nhập khác nhau sẽ có cơ cấu, mô hình tiêu dùng khác nhau.

“Hay như khi GDP tăng lên thì một loạt chỉ tiêu tính toán theo GDP, như tài khóa, tiền tệ, sẽ thay đổi. Khi đó, Chính phủ cũng phải hoạch định lại chính sách để phù hợp với quy mô GDP mới. Đơn cử như tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách so với GDP, khi GDP tăng lên thì tỷ lệ này giảm đi. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ phải đánh giá lại thời gian qua chúng ta đã thu thế nào, thu hết chưa, chính sách thuế có phù hợp không, có nuôi dưỡng nguồn thu không…”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cho biết khi tính lại GDP, GSO đã tính toán một loạt chỉ tiêu dẫn xuất và phụ thuộc vào GDP. “Chúng tôi thấy các chỉ tiêu của Việt Nam khá phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách hiện bằng 20% – 22% GDP, sau điều chỉnh, tỷ lệ này bằng 17% - 18% GDP, vẫn phù hợp với các nước trong khu vực”.

Đối với các chỉ tiêu nhạy cảm như nợ công, chi tiêu Chính phủ… người đứng đầu GSO cho biết các ngưỡng an toàn sẽ do Chính phủ, các nhà kinh tế tính toán sao cho phù hợp. Ông nhấn mạnh “đừng quá cứng nhắc” với các ngưỡng đó, bởi “chúng ta cần thay đổi sao cho phù hợp với từng giai đoạn của nền kinh tế, trong bối cảnh hội nhập, kinh tế toàn cầu”.

“Phải chăng cứ vay nợ để chi tiêu thường xuyên là không được phép? Trong lúc suy giảm như thế, một đất nước đang bị suy thoái – tôi không nói Việt Nam, tôi nói một đất nước suy thoái – cần chi tiêu thường xuyên để cứu đất nước không bị đổ vỡ thì cần chứ. Chỉ có điều chúng ta chi tiêu đừng để thất thoát và có giải pháp để khắc phục, trả lại phần chi tiêu vượt đó trong năm sau…”, ông Lâm nói.

Tin mới lên