TS Võ Trí Thành: ‘Tôi sốc với GDP được tính lại, nhưng không phải vì 25% mà vì cách giải trình’

Vĩnh Chi - 30/10/2019 01:56 (GMT+7)

(VNF) – TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho hay ông đã bị “sốc” trước con số GDP được tính lại.

VNF
TS Võ Trí Thành

Hồi tháng 8/2019, Tổng cục Thống kê (GSO) cho hay sau khi tính toán lại, GDP Việt Nam giai đoạn 2010 – 2017 đã tăng thêm 25,4%. Một trong những nguyên nhân làm tăng GDP là do GSO bổ sung 76.000 doanh nghiệp vào quá trình tính toán lại quy mô nền kinh tế quốc gia.

Bình luận về việc tính lại GDP này, trong một hội thảo vừa được tổ chức hôm 29/10, TS Võ Trí Thành nói: “Tôi sốc với GDP được tính lại nhưng không phải vì 25% mà vì cách giải trình”.

Theo ông Thành, tính lại GDP là việc quan trọng, cần sự phối hợp của Bộ Tài chính và GSO. “Lẽ ra họp báo (công bố GDP tính lại – PV) Bộ Tài chính và GSO phải ngồi với nhau, ít nhất là vậy, một cách nghiêm túc, chưa kể là phải có đại biểu Quốc hội nữa, bởi đây là một chuyện tày đình, ảnh hưởng đến tất cả hình dung của chúng ta về đất nước”, ông Thành bình luận.

Ông Thành nhấn mạnh không quốc gia nào tính đầy đủ về GDP được, bởi các hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu không thống kê nổi, cho nên muốn tính thêm một nguồn bất kỳ vào GDP cũng cần phải làm rõ nguồn đó là gì và chuẩn mực để tính.

Về lập ngân sách (chỉ tiêu neo vào GDP), ông Thành kiến nghị trong một giai đoạn đủ dài (ví dụ 5 năm), lập ngân sách theo 2 ngưỡng: một ngưỡng theo GDP cũ, một ngưỡng theo GDP mới để thử xem phản ứng của nền kinh tế, của chính sách, đặc biệt là ngân sách thế nào.

“Vì sao nên lập 2 ngưỡng? Vì kể cả không có GDP mới đi chăng nữa, thế giới cũng đang thay đổi, tất cả các nước đều dự báo tăng trưởng trong khoảng, chứ không cố định một con số. Thế thì dự toán ngân sách cũng nên có 2 con số: trần trên và trần dưới”, ông Thành giải thích.

Ông Thành cũng kiến nghị cách đặt chỉ tiêu của Quốc hội phải khác đi: cái gì là biến nội sinh, ví dụ tăng trưởng, thì linh hoạt; cái gì là biến ngoại sinh, ví dụ chi ngân sách, thì nghiêm túc và siết chặt kỉ luật.

“Nếu không nghiêm túc trong chi mà lại tiếp cận theo hướng ‘thu + vay để chi’ thì nguy hiểm”, ông nói.

Liên quan đến con số GDP tính lại, TS Bùi Trinh, chuyên gia thống kê, nói rằng: “Theo tôi biết chuyện này đã dừng lại, không phải GSO dừng mà ‘ở trên’ bảo dừng. Tức là ông Nguyễn Bích Lâm (Tổng cục trưởng GSO - PV) được gọi lên, bảo dừng lại, đến năm 2021 mới công bố”.

Cùng chuyên mục
Tin khác