Số phận sân golf Phan Thiết trước khi biến thành khu đô thị
Lệ Chi -
02/03/2023 08:15 (GMT+7)
(VNF) - Sau khi vị tỷ phú Larry Hillblom qua đời, sân golf Phan Thiết đã hai lần được bán lại cho hai chủ đầu tư nước ngoài khác. Dự án không có gì bất thường cho đến khi có sự góp mặt của Công ty Cổ phần Rạng Đông, và quá trình chuyển đổi từ sân golf sang khu đô thị cũng bắt đầu từ đây.
Ngày 1/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Như VietnamFinance đã có nhiều bài viết phản ánh, Công ty Cổ phần Rạng Đông là chủ đầu tư dự án sân golf Phan Thiết được chuyển thành khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Dự án 62ha này nằm ngay ngã tư có hai con đường đẹp nhất thành phố là đại lộ Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng, sát bãi biển Đồi Dương, được xem là khu “đất vàng” của TP. Phan Thiết.
Lịch sử dự án sân golf qua 4 lần đổi chủ
Ban đầu dự án sân golf Phan Thiết do Công ty Regent International Overseas Corp (100% vốn nước ngoài) làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này của tỷ phú người Mỹ Larry Hillblom. Ông thuê mảnh đất này để làm dự án sân golf Ocean Dunes Golf Club (còn gọi là sân golf Phan Thiết).
Dự án này được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp phép ngày 27/7/1993. Thời hạn sử dụng đất 50 năm (đến tháng 12/2044), cứ 5 năm điều chỉnh tiền thuê đất một lần, hình thức sử dụng đất là nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Sau khi kết thúc hoạt động, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại toàn bộ dự án, tài sản cho tỉnh.
Đây là công trình đầu tư nước ngoài đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và đã đi vào hoạt động từ năm 1997.
Tuy nhiên, sau khi tỷ phú Mỹ Larry Hillblom qua đời trong một vụ tai nạn máy bay, số phận sân golf này đã trải qua 4 lần chuyển chủ đầu tư theo Luật Đầu tư.
Theo tài liệu của VietnamFinance, đơn tố cáo đầu tiên của ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận vào tháng 1/2019 cho biết, ngày 15/11/2013 là lần chuyển nhượng cuối cùng (lần thứ tư) sang Công ty Cổ phần Rạng Đông.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển nhượng vốn và chủ đầu tư mới tại dự án sân golf Phan Thiết cho Công ty Cổ phần Rạng Đông. Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty Rạng Đông nêu rõ mục tiêu là “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”.
Chỉ khoảng 2 tuần sau khi nhận chuyển nhượng, ngày 2/12/2013, Công ty Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ”.
Trước đề nghị này, ngày 5/3/2014, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra Thông báo số 75/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý đề nghị của Công ty Rạng Đông.
Điều đáng chú ý, dù kế hoạch chuyển đổi sân golf thành khu đô thị còn đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng trước đó 4 ngày, tức ngày 1/3/2014, Công ty Rạng Đông đã ra thông báo đóng cửa, ngừng hoạt động sân golf kể từ ngày 1/4/2014. Hành động này của Rạng Đông đã gây bức xúc cho các hội viên chơi golf và gần 200 lao động làm việc tại đây.
Theo ông Đinh Trung, điều bất thường hơn nữa, tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009, sân golf Phan Thiết vẫn nằm trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là đất thể dục thể thao và nằm trong quy hoạch TP. Phan Thiết đã được duyệt.
Mặc dù quy hoạch là vậy, nhưng ngày 7/5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có Thông báo số 394/TB-TU đồng ý giao UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa bỏ sân golf, chuyển sang đất ở đô thị.
Tiếp đến, ngày 23/5/2014, UBND tỉnh Bình Thuận có tờ trình số 1741/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ xin đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang xây dựng khu đô thị.
Đến ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ mới có Văn bản số 2117/TTg-KTN đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ông Đinh Trung, nhận định rằng: “Lãnh đạo và UBND tỉnh Bình Thuận khi làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa sân golf ra khỏi quy hoạch và chuyển sân golf sang đất ở đô thị đã biết trước đó chủ đầu tư chấm dứt hoạt động và bỏ sân golf từ ngày 1/4/2014 và giải quyết các vấn đề liên quan đến thẻ hội viên hạn chót là ngày 16/6/2014 nhưng không có ý kiến gì và còn ‘yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án giải quyết hài hòa lợi ích của những người mua thẻ golf tại sân golf Phan Thiết’ trong khi chưa báo cáo và chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ?”.
“Khi Thủ tướng có văn bản đồng ý đưa sân golf ra khỏi quy hoạch thì sân golf Phan Thiết đã bỏ trước đó 6 tháng, thử hỏi UBND tỉnh có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chủ đầu tư đã bỏ sân golf này không?”, ông Đinh Trung đặt vấn đề.
Một điểm đáng chú ý là ngày 10/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 997/QĐ-UBND cho chuyển mục đích sử sụng đất sân golf sang đất ở đô thị thì ngày 18/4/2015 chủ đầu tư làm lễ khởi công dự án trong khi chưa có giá thu tiền sử dụng đất nghĩa là chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Cho đến ngày 25/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh mới có Quyết định số 3371/QĐ-UBND về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành. Nhưng theo đề nghị của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho chủ đầu tư giản nộp tiền sử dụng đất trong 2 năm (2016 - 2017) với lý do Công ty Rạng Đông đang thua lỗ kéo dài và không ảnh hưởng gì đến khả năng thu nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách năm 2016.
Được biết, Bộ Tài chính không đồng ý vì dự án không thuộc diện giảm nộp tiền sử dụng đất, nhưng tỉnh vẫn trì kéo cho đến giữa tháng 10/2016 mới bắt đầu thu tiền sử dụng đất và đến cuối năm 2017, khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nợ 164,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất (Kết luận số 1645/KL-BTNMT ngày 4/4/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Khu đất vàng được định giá bèo?
Theo ý kiến của một số nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận thì khoảng thời gian tính từ khi Công ty Cổ phần Rạng Ðông mua lại sân golf đến lúc UBND tỉnh làm tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất là "siêu tốc", khiến dư luận cho rằng "có lợi ích nhóm" tại dự án này.
Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị, chủ đầu tư phải nộp thuế vào ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng, mua lại dự án hơn 400 tỷ đồng, làm hạ tầng giao thông hết 400 tỷ đồng, các chi phí khác 300 tỷ đồng... Trong tổng diện tích khoảng 62ha chuyển đổi, trừ hạ tầng giao thông còn khoảng 37ha đất kinh doanh để bán.
Theo bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, áp dụng từ tháng 1/2015 đến 31/12/2019, giá đất đường Nguyễn Tất Thành là 11 triệu đồng/m2, giá đất đường Tôn Đức Thắng là 14 triệu đồng/m2, giá đất trục đường ven biển là 8,4 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, ngày 25/11/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6m2 được phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Giá trị tiền sử dụng đất là 936,8 tỷ đồng (gần 2,6 triệu đồng/m2).
Thực tế, giá thị trường các tuyến đường nằm quanh khu đô thị này tại thời điểm giao đất có giá từ 15 - 24 triệu đồng/m2. Chỉ trong vòng một năm, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền với giá từ 20 - 40 triệu đồng/m2.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone