'Sóng thần' HUT và thương vụ đình đám tại Tasco

Thanh Long - 02/10/2023 09:39 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù đà tăng của cổ phiếu HUT từ tháng 11/2022 đến nay có thể coi là “sóng thần” so với các cổ phiếu khác trên thị trường chứng khoán trong cùng thời gian, nhưng so với “sóng thần” trước đó vẫn “chưa nhằm nhò gì”.

VNF
'Sóng thần' HUT và thương vụ đình đám tại Tasco

“Sóng thần” ở HUT

Kể từ đáy ngắn hạn xác lập vào tháng 11/2022, cổ phiếu HUT của Công ty Cổ phần Tasco đã có màn hồi phục ngoạn mục. Từ vùng giá khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu, đến ngày 29/9/2023, thị giá HUT đã lên đến 24.500 đồng/cổ phiếu, tức là tăng gấp 2,2 lần. Mặc dù đà tăng này có thể coi là “sóng thần” so với các cổ phiếu khác trên thị trường chứng khoán trong cùng thời gian, nhưng so với “sóng thần” trước đó vẫn “chưa nhằm nhò gì”.

Đại dịch Covid-19 cùng triển vọng kinh doanh tiêu cực có lúc đã đẩy cổ phiếu HUT rơi xuống vùng giá chưa tới… 2.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3, tháng 4/2020. Sau một thời gian giao dịch lình xình ở mức giá dưới 3.000 đồng/cổ phiếu thì kể từ năm 2021, giá cổ phiếu HUT tăng không điểm dừng, đỉnh điểm đạt được là 51.300 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2022, nghĩa là tăng tới hơn 10 lần trong chưa tới một năm rưỡi. Sau đó, cổ phiếu này “rơi tự do” theo đà giảm chung của thị trường cho đến tháng 11/2022.

Đà tăng - giảm của cổ phiếu HUT rất “nhịp nhàng” với diễn biến chung của thị trường chứng khoán và diễn biến riêng tại doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc dòng tiền đổ xô vào thị trường chứng khoán cộng hưởng với “game” đổi chủ đã thúc đẩy “sóng thần” đầu tiên với mức tăng hàng chục lần.

Nhìn lại, “game” đổi chủ ở Tasco đã nhen nhóm từ nửa đầu năm 2021. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6/2021, ông Nguyễn Danh Hiếu khi ấy đang là Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water), đã được bầu vào HĐQT Tasco. Đến tháng 10/2021, tại đại hội đồng cổ đông bất thường, ông Hồ Việt Hà, Phó chủ tịch DNP Water, tham gia vào HĐQT Tasco và trở thành chủ tịch HĐQT Tasco thay ông Phạm Quang Dũng. Cùng với đó là hàng loạt cái tên có mối liên quan đến ông Hà cũng như DNP Water nói riêng và hệ sinh thái DNP Holding cũng dần nắm các chức vụ chủ chốt tại Tasco.

Sau khi hoàn tất màn đổi chủ, tháng 2/2022, HĐQT Tasco hé lộ kế hoạch “khủng”, đó là tăng vốn để sở hữu 100% SVC Holdings và phát triển bất động sản. Cụ thể, HĐQT Tasco thông qua kế hoạch tăng vốn của công ty để hoán đổi 100% phần vốn góp tại SVC Holdings, bên cạnh đó, thông qua đề án phát triển lĩnh vực bất động sản của Tasco.

Cổ phiếu HUT tăng “dựng đứng” sau khi kế hoạch trên được công bố. Từ mức giá 25.100 đồng/cổ phiếu kết phiên 22/2/2022 lên mức 51.300 đồng/cổ phiếu kết phiên 21/3/2022, tức là tăng gấp đôi trong vòng 1 tháng. Sau đó, giá cổ phiếu này “rơi tự do” theo đà rơi của thị trường chung và tạo đáy trong tháng 11/2022.

Tháng 4/2023, “ông chủ” hệ sinh thái DNP Vũ Đình Độ chính thức lộ diện trên cương vị chủ tịch HĐQT Tasco và chủ tịch HĐQT SVC Holdings, chuẩn bị cho thương vụ sáp nhập lịch sử của 2 doanh nghiệp này, bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển 5 năm, hình thành hệ sinh thái mang tên “Nền Tảng Cuộc Sống” - Foundation Of Life với 3 trụ cột chính: Ô tô - bất động sản - bảo hiểm. Đến đầu tháng 9/2023, thương vụ sáp nhập SVC Holdings – Tasco được công bố hoàn tất. Trước đó, trong năm 2022, Tasco đã thành lập Công ty TNHH Tasco Land và mua lại một công ty bảo hiểm và biến nó thành Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco.

Kể từ cuối tháng 4/2023 - thời điểm doanh nhân Vũ Đình Độ lộ diện với vị trí cao nhất tại Tasco và SVC Holdings - đến ngày 5/9 khi thương vụ được công bố hoàn tất, giá cổ phiếu HUT đã tăng từ khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu lên 26.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 64%. Cùng khoảng thời gian này, chỉ số VN-Index tăng gần 18%.

Vì sao lại là Tasco?

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2022, nguyên Chủ tịch Tasco Phạm Quang Dũng tiết lộ rằng ông và các cộng sự đã ủy quyền toàn bộ quyền quản trị Tasco cho nhóm DNP cách đó 1 năm, tức là vào tháng 4/2021. Cơ duyên gặp gỡ còn đến sớm hơn nhiều khi nhóm này bày tỏ quan tâm đến dự án bệnh viện 500 giường, dự án tòa nhà 48 Trần Duy Hưng và các dự án khác của Tasco, nhưng ông Dũng đã mạnh dạn mời nhóm nhà đầu tư mua cổ phiếu HUT tại thời điểm mà giá cổ phiếu chỉ dưới 2.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng vào khoảng tháng 3, tháng 4/2020).

Thời điểm giá cổ phiếu xuống cực thấp như trên chính vào lúc đại dịch Covid-19 gây hoang mang tột độ, chỉ số VN-Index có lúc giảm xuống chỉ còn khoảng 650 điểm. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, các đợt giãn cách xã hội là thảm họa đối với một doanh nghiệp được mệnh danh là “trùm BOT” như Tasco, kết quả kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào lượng xe lưu chuyển. Suốt từ quý II/2020 đến quý III/2021, Tasco liên tục thua lỗ. Trong tình cảnh éo le như vậy, việc nhóm lãnh đạo Tasco mà đứng đầu là ông Phạm Quang Dũng muốn “sang nhượng” lại công ty là điều dễ hiểu. Nhưng tại sao nhóm DNP đồng ý “tiếp nhận” Tasco?

Trong cuộc trò chuyện với VietnamFinance trước đây, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các thương vụ M&A cho biết M&A là cách gia nhập thị trường nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với việc mở doanh nghiệp mới, nhất là đối với một số lĩnh vực kinh doanh có rào cản gia nhập cao. Chẳng hạn, như ngành tài chính - ngân hàng hiện nay rất hạn chế cấp phép thành lập mới; hay trong lĩnh vực bất động sản cũng rất “nặng” về thủ tục, giấy phép. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng rất hứng thú với các doanh nghiệp đang nắm vị thế chi phối thị trường và để sở hữu vị thế này, họ buộc phải tiến hành M&A.

Nhóm DNP những năm qua không giấu giếm tham vọng xây dựng hệ sinh thái. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của DNP (khi đó có tên là Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai), ban lãnh đạo công ty đã tuyên bố chuyển đổi sang mô hình holding với 4 trụ cột: nước với DNP Water; vật liệu xây dựng với DongNai Water Pipes, DNP Hawaco, CMC; đồ gia dụng - thương hiệu Inochi; và bao bì với TanPhu Packaging (bao bì cứng), Dong Nai Packaging (bao bì mềm). Tháng 5/2022, Nhựa Đồng Nai chính thức đổi tên thành DNP Holding. Ngoài ra, trong hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Đình Độ còn có mảng bất động sản, nổi bật là Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay.

Mặc dù có tham vọng xây dựng hệ sinh thái nhưng nếu nhìn vào những trụ cột trên, khó có thể hiểu được vì sao nhóm DNP lại hứng thú với Tasco, bởi sự kết hợp này có vẻ như không tạo ra nhiều sức mạnh tổng hợp (synergy) - một trong những yếu tố quan trọng nhất trong các thương vụ M&A nhằm mục đích xây dựng hệ sinh thái.

Năm 2022, khi VETC - công ty con của Tasco và là một trong những đơn vị triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC hàng đầu tại Việt Nam - liên tiếp trúng thầu các dự án ETC, đánh bại cả những đơn vị có sự hậu thuẫn của Viettel, giới đầu tư mới thấy được sức hấp dẫn của “trùm BOT” một thời nằm ở đâu. Tính đến ngày 1/8/2023, thị phần ETC của VETC đã lên đến 80% với 114 trạm thu phí, mạng lưới kết nối 635 làn thu phí huyết mạch, phục vụ hơn 2,8 triệu chủ xe ô tô và bình quân xử lý từ 1,3 - 1,5 triệu giao dịch mỗi ngày.

Trong thời đại của dữ liệu lớn, việc nắm thị phần chi phối thị trường thu phí không dừng xe ô tô là nền tảng quan trọng và độc nhất để phát triển hệ sinh thái. Việc sáp nhập SVC Holding - công ty sở hữu nền tảng mua bán xe cũ Carpla, Savico (đơn vị phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam), Volvo Hanoi, Volvo Bac Au, Dana Ford - là bước đi chiến lược trong hành trình tái định vị hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Đình Độ.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác