SSI: Tín dụng tăng chậm, nền kinh tế cần được kích cầu
Thanh Long -
01/11/2021 13:56 (GMT+7)
(VNF) - "Tín dụng tăng chậm ở Hà Nội phần nào cho thấy tăng trưởng tín dụng cả nước chưa thể bật nhanh trong tháng 10. Đây là thời điểm thích hợp các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ nên được triển khai nhằm kích cầu nền kinh tế, bao gồm các gói hỗ trợ tài khóa (giảm thuế, giảm phí, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, đẩy nhanh đầu tư công,…) và tiền tệ (cắt giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng, thực hiện gói cấp bù lãi suất,…)", chuyên gia của SSI cho hay.
Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố cho hay trong tuần qua, các nghiệp vụ thị trường mở không được sử dụng. Thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ bởi việc đáo hạn của các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 4/2021, mặc dù khối lượng thực hiện có giảm đáng kể so với các tuần trước đó. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trong tuần cuối tháng 10, kết tuần ở 0,71% (tăng 0,03 điểm %) cho kỳ hạn qua đêm và 0,83% (tăng 0,04 điểm %) cho kỳ hạn 1 tuần.
Số liệu tăng trưởng tín dụng trong tháng 10 tại Hà Nội được công bố trong Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 của thành phố, cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn tương đối yếu. Cụ thể, tín dụng tháng 10 ước tính tăng 0,95% so với tháng trước, giảm nhẹ so với mức tăng 1,1% của tháng 9 và là mức tăng trưởng theo tháng thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.
So sánh với cùng kỳ năm trước đó, dư nợ tín dụng trong tháng 10/2021 chỉ tăng 7,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình là 10% trong năm 2020.
"Dư nợ tín dụng của Hà Nội chiếm khoảng 25% tổng dư nợ của cả nước, do vậy tín dụng tăng chậm ở Hà Nội cũng phần nào cho thấy tăng trưởng tín dụng cả nước chưa thể bật nhanh trong tháng 10. Đây là thời điểm thích hợp các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ nên được triển khai nhằm kích cầu nền kinh tế, bao gồm các gói hỗ trợ tài khóa (giảm thuế, giảm phí, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, đẩy nhanh đầu tư công,…) và tiền tệ (cắt giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng, thực hiện gói cấp bù lãi suất,…)", chuyên gia của SSI nhấn mạnh.
SSI dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV/2021.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã có một tháng phát hành TPCP không thành công khi tổng khối lượng trúng thầu trong tháng 10 chỉ đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, trên tổng số gần 33 nghìn tỷ đồng gọi thầu. Tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 49,3%, thấp nhất kể từ tháng 3 năm nay.
"Với tổng mức phát hành TPCP dự kiến trong quý IV là 135 nghìn tỷ đồng, áp lực phát hành sẽ dồn vào trong 2 tháng cuối năm 2021. Bên cạnh đó, báo cáo từ Tổng cục thống kê cho thấy ngân sách Nhà nước vẫn duy trì thặng dư 19 nghìn tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm – so với mức thâm hụt 164 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Giải ngân đầu tư công vẫn chưa nhiều cải thiện (10 tháng chỉ đạt 55,8% kế hoạch), do vậy, nhu cầu phát hành TPCP của KBNN trong giai đoạn tới sẽ tăng khi Chính phủ sẽ tích cực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm hỗ trợ tăng trưởng", chuyên gia của SSI cho hay.
Đối với thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND biến động trái chiều ở 2 thị trường liên ngân hàng và tự do. Kết tuần, tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại (NHTM) giao dịch ở mức 22.620/22.850, giảm 5 đồng ở cả hai chiều mua và bán so với tuần trước trước đó. Ngược lại, tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 130 VND/USD ở chiều mua vào bán ra, kết tuần ở 23.410/23.460.
SSI đánh giá diễn biến trên thị trường tự do được điều chỉnh nhằm phù hợp với mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và Việt Nam, khi diễn biến trái chiều gữa 2 thị trường đẩy chênh lệch giá vàng lên trên 9 triệu đồng/lượng.
Số liệu sơ bộ từ Tổng cục thống kê cho thấy cán cân thương mại trong tháng 10 thặng dư 1,1 tỷ USD, thu hẹp cán cân thương mại lũy kế xuống còn nhập siêu khoảng 1,45 tỷ USD. Cán cân thanh toán tổng thể nhìn duy trì thặng dư nhờ lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực. Nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng trong giai đoạn cuối năm và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định, theo quan điểm của SSI.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.