‘Có thể dùng một phần vốn đầu tư công chưa sử dụng vào quỹ bảo lãnh tín dụng’

Hải Đường - 27/10/2021 21:33 (GMT+7)

(VNF) - Tại Diễn đàn trực tuyến “Chủ động phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng với bối cảnh dịch bệnh” do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi nói về giải pháp cho các gói hỗ trợ tài khóa cho biết có thể dùng một phần vốn đầu tư công chưa sử dụng vào quỹ bảo lãnh tín dụng.

VNF
TS. Vũ Tiến Lộc

Đánh giá về khả năng tung ra những gói hỗ trợ trong thời gian tới, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết gói hỗ trợ về thủ tục, thể chế còn dư địa mênh mông còn gói hỗ trợ tiền tệ thì dư địa không còn nhiều.

Cụ thể, về chính sách tiền tệ, theo ông Vũ Tiến Lộc, năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế đang ở mức thấp, trong khi đó nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng và nguy cơ lạm phát ở mức cao.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị đồng tiền là vấn đề lớn. Tiền huy động tại các ngân hàng ngoài vốn chủ sở hữu thì chủ yếu là tiền gửi của người dân, nên việc giữ được giá trị đồng tiền cho người dân theo ông Lộc là vô cùng quan trọng.

Ở chiều ngược lại với chính sách tiền tệ, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn lớn.

Trước việc nhu cầu về vốn của doanh nghiệp tăng cao trong bối cảnh tái phục hồi và cần nguồn tiền để mở rộng sản xuất, duy trì khả năng thanh khoản, TS. Vũ Tiến Lộc đề xuất 2 giải pháp về tài khóa là mở rộng tín dụng cho vay của hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất.

Cụ thể, để mở rộng tín dụng trong bối cảnh năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế và rủi ro vẫn ở mức cao, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng cần phải mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng để hệ thống ngân hàng có thể giải ngân vốn cho vay.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần chuẩn bị nguồn tài chính đáng kể để đầu tư vào quỹ bảo lãnh tín dụng này, có thể dùng một phần vốn đầu tư công chưa sử dụng được.

“Một đồng đầu tư vào quỹ bảo lãnh tín dụng có thể đẻ ra nhiều đồng cho đầu tư, thúc đẩy ngân hàng trong việc bơm thêm nhiều đồng khác cho nền kinh tế. Còn một đồng cho đầu tư công chỉ là một đồng cho đầu tư công”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Về giải pháp thứ hai là hạ lãi suất, ông Lộc cho rằng các ngân hàng có thể thông qua việc nâng cao quản trị và tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, tuy nhiên dư địa là không nhiều.

Theo ông Lộc, ngân sách nhà nước nên dành một khoản quỹ để cấp bù lãi suất và hỗ trợ cho các ngân hàng tùy theo quy mô của gói hỗ trợ.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nếu coi 2 giải pháp trên là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng thì ngành này không thể kham nổi mà cần sự cộng hưởng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

“Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ, cứu nền kinh tế là cứu chính mình. Doanh nghiệp sau khi hồi phục sẽ lại đóng vào ngân sách nhà nước”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Cùng chuyên mục
Tin khác