Ngân hàng

SSI: Tốc độ tăng cung tiền ổn định, lạm phát Việt Nam không đáng ngại

(VNF) - Mặc dù ngân hàng trung ương các nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia…) đều tăng tốc độ mở rộng cung tiền rất mạnh kể từ tháng 3/2020 đến nay nhưng riêng tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tốc độ tăng cung tiền M2 ổn định ở quanh mức 13-14% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.

SSI: Tốc độ tăng cung tiền ổn định, lạm phát Việt Nam không đáng ngại

SSI: Tốc độ tăng cung tiền ổn định, lạm phát Việt Nam không đáng ngại

Trên quy mô toàn cầu, việc mở rộng cung tiền mạnh mẽ đã kéo dài hơn một năm và triển vọng hồi phục kinh tế theo mô hình chữ V sau khi từng bước kiểm soát được đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng mối lo ngại lạm phát.

Trong báo cáo phân tích chính sách tiền tệ công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI nhận định lạm phát đang là áp lực khiến thời kỳ siêu nới lỏng tiền tệ toàn cầu có thể rút ngắn hơn dự kiến.

Áp lực lạm phát đã là hiện thực tại các nước có nền kinh tế yếu và buộc các nước này phải nâng lãi suất điều hành trong quý I/2021 như Nga, Brazil,Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Phi… Cung tiền tại cuối quý I/2021 của các nước lớn vẫn tăng so với cuối năm nhưng tốc độ tăng có phần chậm lại. SSI cho rằng trong thời gian tới, động thái của các ngân hàng trung ương lớn (FED, BOJ, ECB, PBOC) sẽ mang tính dẫn dắt với xu hướng chính sách tiền tệ toàn cầu.

Mặc dù ngân hàng trung ương các nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia…) đều tăng tốc độ mở rộng cung tiền rất mạnh kể từ tháng 3/2020 đến nay nhưng riêng tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tốc độ tăng cung tiền M2 ổn định ở quanh mức 13-14% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.

Để đối phó với dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay, tiền gửi ngắn hạn trong năm 2020 nhưng không bơm tiền thêm trên thị trường mở. Lượng tiền bơm ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu thông qua giao dịch mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối. Sang năm 2021, giao dịch ngoại tệ với Ngân hàng Nhà nước chuyển sang mua kỳ hạn và có thể hủy ngang. Tính từ đầu năm đến nay, lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở và kênh ngoại tệ đều bằng 0.

"Có thể thấy việc chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn rất thận trọng và mang tính chất ổn định cao", chuyên gia của SSI đánh giá.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,27% so với tháng trước và chỉ tăng 0,29% so với cùng kỳ năm ngoái (mức thấp nhất trong 20 năm theo tính toán của Tổng cục Thống kê). Lạm phát cơ bản cũng giảm 0,12% so với tháng trước và lạm phát tổng thể chỉ tăng 0,67% theo năm.

"Chúng tôi ước tính CPI cuối năm 2021 có thể tăng 4,07% so với cuối năm 2020 nhưng mức CPI trung bình cả năm 2021 sẽ chỉ tăng 2,89% so với năm trước, là mức chưa đáng lo ngại", chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021, trong đó các ngân hàng thương mại quốc doanh là 6,5-7,5% (ngoại trừ Vietcombank là 10,5%), các ngân hàng thương mại tư nhân là 8-12%.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 bình quân của các ngân hàng thương mại trong phạm vi nghiên cứu của SSI là 9%, thấp hơn mức bình quân 10% trong đợt giao hạn mức đợt đầu của năm 2020. Thông thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm và mức giao hiện tại được SSI đánh giá là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra đầu năm 2020 là 14%.

Công ty chứng khoán này cũng nhận định diễn biến trong nước về lãi suất liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ vẫn thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp hiện tại.

Trong quý I/2021, thị trường ghi nhận một số điều chỉnh tăng/giảm khoảng 0,1-0,4 điểm% tại một số ngân hàng thương mại (tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân) nhưng hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

"Hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng tăng mạnh hơn, lạm phát cũng tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng. Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý II/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 0,3-0,5 điểm% trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản, mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định", chuyên gia của SSI nêu dự báo.

Trước đó, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, bất chấp sự bùng phát của Covid-19, tăng trưởng GDP thực tế trong quý I/2021 vẫn đạt 4,48%. Giải ngân vốn FDI đang phục hồi tốt, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng (lần lượt 22% và 26,3%). SSI kỳ vọng tăng trưởng GDP so với cùng kỳ của quý II/2021 sẽ là đỉnh của năm 2021 và sau đó sẽ bình thường hóa từ nửa cuối 2021, đạt mức 6-6,5% trong cả năm 2021 và 7% vào năm 2022.

Tin mới lên