Tài chính

SSI: Xu hướng đi lên vẫn tiếp diễn, động lực tăng của TTCK tiếp tục nằm ở nhóm VN30

(VNF) - SSI đưa ra 9 cơ hội đầu tư trong tháng 7, khuyến nghị tích lũy ở các nhịp điều chỉnh. Bên cạnh GMD và HAH hưởng lợi lớn từ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, 7 cổ phiếu còn lại được chọn lọc từ rổ VN30 được đảm bảo bởi tăng trưởng kết quả kinh doanh quý II cùng với triển vọng khả quan trong dài hạn bao gồm: TPB, VPB, HPG, PLX, FPT, PNJ, MWG.

SSI: Xu hướng đi lên vẫn tiếp diễn, động lực tăng của TTCK tiếp tục nằm ở nhóm VN30

SSI: Xu hướng đi lên vẫn tiếp diễn, động lực tăng của TTCK tiếp tục nằm ở nhóm VN30

Nhận định trong Báo cáo chiến lược thị trường tháng 7/2021 vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho hay kinh tế Việt Nam đang bước vào nửa cuối năm với những thách thức mới.

Nhìn lại, nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu hai đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2021, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là đợt bùng phát thứ 4 (từ cuối tháng 4 đến nay). Với biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, làn sóng dịch này đã tấn công vào các vùng xung yếu của nền kinh tế như TP. HCM và các khu công nghiệp quan trọng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Khu vực dịch vụ tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của các biện pháp cách ly xã hội trong quý II.

Tuy nhiên nỗ lực bảo vệ khu vực sản xuất đã phát huy hiệu quả, cho đến nay đa số các cụm sản xuất công nghiệp chính ở miền Bắc đã dần trở lại hoạt động bình thường, và hiện tại việc cách ly được thực hiện ở cấp độ công ty và không áp dụng trên diện rộng cho toàn bộ khu công nghiệp.

Theo SSI, trong nửa cuối năm, việc chống dịch nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất được thông suốt là yếu tố quan trọng nhất nhằm đảm bảo kinh tế tăng trưởng vững trong quý III và quý IV. Điểm khác biệt lần này là việc Chính phủ quyết tâm thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử, với lực lượng lao động sản xuất là một trong những đối tượng được ưu tiên, cũng là nhân tố quan trọng giúp hoạt động sản xuất nhanh chóng được khôi phục trở lại.

Công ty chứng khoán này dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục là điểm sáng trong nửa cuối năm, nối tiếp đà tăng tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, nhờ vào việc các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU mở cửa lại với nhu cầu tiêu dùng dự kiến tăng mạnh sau dịch.

Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối vẫn khá dồi dào, giúp ổn định tỷ giá. Tính đến cuối tháng 6 giá trị đồng VND đã tăng 0,37% so với USD, là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực.

SSI cũng cho rằng trong năm 2021, lạm phát sẽ được kiểm soát theo đúng mục tiêu của Chính phủ (ở mức dưới 4%), thậm chí có thể ở mức thấp hơn, do đó khả năng chính sách tiền tệ thắt chặt được thực thi trong thời gian tới là rất thấp và hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng có thể được bổ sung để hỗ trợ tăng trưởng. "Chúng tôi cho rằng trong nửa cuối năm, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 0,5 điểm%, là một mức tăng không đáng kể", SSI nêu quan điểm.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng vốn ETF vào TTCK Việt Nam đang phát đi tín hiệu tích cực, khối ngoại giảm tốc bán ròng.

Cụ thể, mặc dù TTCK Việt Nam đang được dẫn dắt chính bởi khối nhà đầu tư cá nhân trong nước nhưng động thái giao dịch tích cực từ khối ngoại có thể giúp gia tăng sự lạc quan chung của thị trường. Dù vẫn còn bán ròng trong tháng 6, nhưng giá trị bán ròng của khối ngoại đã thấp hơn nhiều so với mức bán ròng kỷ lục của tháng 5. Tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn là 30,4 nghìn tỷ đồng nếu tính từ đầu năm.

Dòng vốn ETF cũng diễn biến tích cực hơn, đảo chiều quay lại xu hướng tích cực trong tháng 6. Các quỹ bị rút ròng trong tháng 5 là VFM VN30 ETF và SSIAM VNFIN Lead đã có dòng tiền dương trở lại với giá trị tăng lần lượt 560 tỷ đồng và 51 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Fubon là quỹ có giá trị rút ròng lớn nhất (150 tỷ đồng). Tính chung cả tháng 6, có khoảng 26 triệu USD vốn vào các quỹ ETF tại Việt Nam.

Trong những ngày đầu tháng 7, SSI tiếp tục ghi nhận xu hướng tích cực ở các quỹ VFM VN30, VFM VNDiamond và Fubon mua ròng trở lại. Bên cạnh đó, quỹ Asian Growth CUBS ETF mới được thành lập trong tháng 6 dù quy mô quỹ còn nhỏ (2 triệu USD) và chỉ khoảng 27% tổng tài sản của quỹ được phân bổ vào thị trường Việt Nam nhưng cũng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn trong thời gian tới.

Đánh giá về tình hình TTCK hiện tại, chuyên gia của SSI cho rằng định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong nửa đầu năm.

"Tăng trưởng điểm số của VN-Index trong tháng 6 đã đưa hệ số định giá P/E hiện tại và hệ số định giá P/E năm 2021 của chỉ số từ mức 18,18 lần và 16,19 lần vào thời điểm cuối tháng 5 lên mức 19,35 lần và 17,08 lần vào ngày 2/7. Chúng tôi cho rằng định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý II và nửa đầu năm", theo quan điểm của SSI.

Tháng 7 là tháng cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm với tăng trưởng lợi nhuận khả quan được dự đoán vẫn ghi nhận ở các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như Ngân hàng, Dầu khí, Chứng khoán và Thép.

SSI cho rằng xu hướng đi lên vẫn tiếp diễn, đồng thời khuyến nghị chiến lược giao dịch phải luôn đi kèm với quản trị rủi ro.

"Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số VN30-Index đã chinh phục thành công cạnh trên của mẫu hình tam giác cân được hình thành trong phần lớn thời gian tháng 6/2021. Khối lượng giao dịch trên VN30-Index sau khi thu hẹp trong tháng 6 cũng đã bật tăng trở lại trong 2 phiên đầu tháng 7, vượt qua mức bình quân 20 phiên và cho thấy tín hiệu dòng tiền quay trở lại nhóm này", SSI nêu góc nhìn phân tích kỹ thuật.

Công ty chứng khoán này cho rằng động lực từ nhóm VN30 có thể thúc đẩy chỉ số VN-Index hướng đến các vùng mục tiêu tiếp theo lần lượt là 1.450 điểm và 1.480 điểm nhờ sự hỗ trợ của tăng trưởng kết quả kinh doanh quý II.

Dù vậy, chiến lược quản trị rủi ro cần được nhà đầu tư chú trọng chặt chẽ trong giai đoạn này do TTCK Việt Nam sẽ phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm như: áp lực lạm phát quay lại, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý III và quý IV do ảnh hưởng Covid-19 kéo dài, cùng với đó, chi phí đầu vào tăng làm thu hẹp biên lợi nhuận cũng như hết hiệu ứng so sánh trên nền thấp của cùng kỳ năm 2020.

SSI đưa ra 9 cơ hội đầu tư trong tháng 7, khuyến nghị tích lũy ở các nhịp điều chỉnh. Bên cạnh GMD và HAH hưởng lợi lớn từ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu, 7 cổ phiếu còn lại được chọn lọc từ rổ VN30 được đảm bảo bởi tăng trưởng kết quả kinh doanh quý II cùng với triển vọng khả quan trong dài hạn bao gồm: TPB, VPB, HPG, PLX, FPT, PNJ, MWG.

Tin mới lên