Sự trở lại đầy ngoạn mục của Huawei

Quỳnh Anh - 27/10/2023 22:45 (GMT+7)

(VNF) - Bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei từng phải thay đổi chiến lược kinh doanh và có thời điểm đặt mục tiêu “tồn tại” thay vì “sinh lời”. Nhưng công ty này đang dần quay trở lại cuộc đua điện thoại thông minh và tạo tiếng vang từ những “cú nổ” gây xôn xao giới công nghệ.

VNF
Ảnh minh hoạ

Đặt mục tiêu “tồn tại”

Cuộc “đàn áp” không mong muốn xảy ra với Huawei vào năm 2019, khi chính quyền tổng thống Mỹ thời bấy giờ là ông Donald Trump ban hành lệnh cấm thương mại đối với công ty sản xuất điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc, đồng thời cấm công ty sử dụng hệ điều hành Android và một số công nghệ quan trọng trong các sản phẩm của mình.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ lúc bấy giờ được coi là “chí mạng” đối với Huawei - thời điểm đó đang là “bá chủ” điện thoại thông minh tại Trung Quốc, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới và trên đà nắm vị trí số 1. Kể từ đó, các điện thoại thông minh của Huawei không thể hỗ trợ 5G vì thiếu nhiều thành phần cần thiết liên quan tới sở hữu trí tuệ của Mỹ. Sản lượng máy ra thị trường giảm mạnh. Hãng cũng giảm tần suất cập nhật điện thoại thông minh xuống còn một lần mỗi năm.

Theo dữ liệu do Omdia công bố, các lô hàng điện thoại di động của Huawei trong năm 2021 đã giảm xuống còn 35 triệu chiếc, giảm 81,6% so với năm 2020 và thị phần toàn cầu giảm xuống 3% vào năm 2021 từ mức 15% vào năm 2020. Thay vì tập trung vào sản xuất điện thoại thông minh, Huawei buộc phải “chuyển mình” trong hoạt động kinh doanh, chuyển sang nghiên cứu chip mới và các sản phẩm công nghệ tiên tiến khác phục vụ đời sống.

Năm 2022, giới truyền thông liên tục lan truyền một bức thư nội bộ của Huawei do người sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi viết, trong đó ông Nhậm nói rằng công ty của ông phải tập trung để tồn tại và cần cắt giảm các ngành kinh doanh không thể tạo ra lợi nhuận khi nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào cuộc suy thoái trong thập kỷ tới.

“Lợi nhuận và dòng tiền phải tăng lên ngay cả khi doanh số bán hàng đi xuống. Tôi khuyến khích mọi người chiến đấu vì lợi nhuận thay vì tăng trưởng doanh thu và mở rộng quy mô. Thời điểm hiện tại, có rất nhiều sự bất ổn đối với nền kinh tế vĩ mô. Do đó, mỗi bước đi của doanh nghiệp cần được tính toán kỹ hơn”, trích bức thư của ông Nhậm Chính Phi đã được tờ Securities Times đăng tải.

Tập trung vào lợi nhuận thay vì doanh thu

Báo cáo tài chính năm 2020 - một năm sau khi Huawei bị trừng phạt, cho thấy doanh thu bán hàng của công ty đạt 136,7 tỷ USD, tăng 3,8% và lợi nhuận ròng đạt 9,9 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Thông qua việc hợp tác với các nhà mạng khắp thế giới, công ty đã bù đắp được lợi nhuận với hàng nghìn dự án đổi mới 5G và hoạt động kinh doanh kỹ thuật số.

Đến năm 2021, Huawei đạt doanh thu 99,88 tỷ USD, tức sụt giảm khoảng 30% so với năm 2020, nhưng lợi nhuận ròng cán mốc 17,85 tỷ USD, tăng 75,9% so với cùng kỳ năm trước. Thay vì tập trung vào việc tạo bứt phá doanh thu, công ty đã chuyển hướng qua đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D), với số tiền chi cho khoản này lên tới 22,4% tổng doanh thu.

Xác định mảng điện thoại thông minh không còn là “mũi nhọn” hàng đầu, Huawei nhanh chóng chuyển hướng, mở rộng ra các hạng mục kinh doanh khác. Công ty được cho là tìm cách bứt phá trong mạng 5G và các thiết bị đeo thông minh, màn hình thông minh, tai nghe âm thanh nối không dây (TWS) và dịch vụ di động Huawei (HMS).

Năm 2022, doanh thu công ty đạt 92,37 tỷ USD, tiếp tục giảm so với 2 năm trước, và lợi nhuận ròng đạt 5,12 tỷ USD, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Huawei tiếp tục tăng cường đầu tư vào R&D với ngân sách 23,23 tỷ USD trong năm 2022 - chiếm 25,1% tổng doanh thu cả năm, góp phần nâng tổng chi phí R&D của công ty trong liên tục 10 năm lên hơn 140,55 tỷ USD.

Ngày 30/8, Huawei đã chính thức công bố báo cáo bán niên cho nửa đầu năm 2023. Theo đó, doanh thu trong 6 tháng đầu năm của công ty là 42,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với con số 40,98 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lợi nhuận ròng của công ty trong nửa đầu năm lên tới 6,38 tỷ USD, tăng 218% so với cùng kỳ năm ngoái là 2 tỷ USD. Thậm chí, lợi nhuận trong nửa đầu năm nay còn cao hơn lợi nhuận ròng cả năm 2022.

“Cảm ơn sự ủng hộ của khách hàng và đối tác cũng như sự đoàn kết của tất cả nhân viên. Huawei nắm bắt xu hướng phát triển số hóa, trí tuệ và lượng khí thải carbon thấp, đầu tư mạnh vào các công nghệ gốc và tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng và đối tác”, Chủ tịch luân phiên của Huawei tính tới ngày 30/9 vừa qua, bà Mạnh Vãn Chu, nói về hiệu quả hoạt động của công ty.

“Nhà vua” trở lại

Trong một bài viết trên trang Securities Times, Huawei được ví von là “nhà vua trở lại”, đặc biệt sau khi công ty này phải chịu hàng loạt lệnh hạn chế thiết bị từ Mỹ và đã phải thay đổi mô hình kinh doanh từ bán điện thoại di động thông minh sang phát triển các sản phẩm công nghệ thông minh.

Sản phẩm đáng chú ý của Huawei trong nửa đầu năm là dòng điện thoại di động Huawei Mate, với chiếc Mate 60 Pro dù vừa ra mắt ngày 29/8 nhưng đã nhanh chóng cháy hàng. Huawei Mate 60 Pro được giới thiệu là chiếc điện thoại thông minh đại chúng đầu tiên trên thế giới hỗ trợ cuộc gọi vệ tinh, ngay cả khi không có tín hiệu mạng mặt đất.

Giới mộ điệu cũng vô cùng tò mò về chipset trong dòng Mate 60, được cho là sử dụng chip Kirin 9000s, có công nghệ xử lý 7 nanomet (nm) hoặc 5 nm. Nhiều nhà phân tích trong ngành tin rằng con chip mới nhất được sử dụng trong những chiếc Mate 60 Pro của Huawei là “át chủ bài” giúp công ty này lật ngược ván cờ.

Nhu cầu về Mate 60 Pro đã tăng mạnh kể từ khi ra mắt và kế hoạch xuất xưởng trong nửa cuối năm 2023 đã tăng khoảng 20% lên 5,5-6 triệu chiếc. Kuo Ming-Chi, nhà phân tích tại TF International Securities, cho biết dựa trên xu hướng thị trường này, doanh số tích lũy của Mate 60 Pro dự kiến sẽ đạt ít nhất 12 triệu chiếc trong vòng 12 tháng sau khi ra mắt.

Vào thời điểm mà mức tiêu thụ điện thoại di động tương đối chậm chạp, sự trở lại của điện thoại di động cao cấp của Huawei là một sự kiện mang tính bước ngoặt, Adela Guo, giám đốc nghiên cứu của IDC Châu Á Thái Bình Dương, nói với Global Times. Trong ngắn hạn, dự kiến nó sẽ thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường tiêu dùng điện thoại di động trong nước, đồng thời khiến sự cạnh tranh trên thị trường điện thoại cao cấp khốc liệt hơn, ông Guo cho biết.

Theo Nikkei Asia, Huawei được cho là đã dự trữ linh kiện trong nhiều tháng, đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng điện thoại thông minh xuất xưởng từ năm nay và đạt tới 70 triệu chiếc vào năm 2024. Công ty đã đặt hàng nhiều ống kính và bảng mạch in hơn mức thực tế, đồng thời cũng yêu cầu Qualcomm của Mỹ - nhà cung cấp chip di động 4G duy nhất của hãng này - giao tất cả số chip mà họ đã đặt hàng cho cả năm trước tháng 6, vì lo ngại về một lệnh trừng phạt mới từ phía Washington.

Mặc dù kế hoạch quay trở lại thị trường điện thoại thông minh của Huawei vẫn có thể gặp trở ngại lớn khi Mỹ có kế hoạch mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu đối với các công cụ sản xuất chip và chip AI, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trong ngành, thời khắc khó khăn nhất với Huawei đã qua. Ở thời điểm hiện tại, Huawei đã ở một vị thế rất khác, vững chắc hơn và khó để kiềm chế hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác