Gỡ 'nút thắt' room ngoại, mở toang cửa nâng hạng chứng khoán

Thái Hà - 10/12/2024 17:14 (GMT+7)

(VNF) - Dự thảo sửa đổi Nghị định 155, trong đó có nội dung tháo gỡ "nút thắt" room ngoại, là động thái khẩn trương và quyết liệt của Bộ Tài chính trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngày 9/12/2024, không lâu sau khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 155.

Dự thảo bao gồm 3 nhóm chính sách cơ bản, được chia thành 6 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: chào bán, phát hành chứng khoán; niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; quản trị công ty đại chúng; mở cửa tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; minh bạch hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Trong đó, nhóm vấn đề về “mở cửa tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài” tập trung tháo gỡ “nút thắt” room ngoại – một trong những “rào cản” lớn đối với tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán. Động thái này phản ánh rõ sự khẩn trương và quyết liệt của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện các quy định pháp lý, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán bền vững.

DN sắp hết thời tự do “khoá” room ngoại

Cụ thể, dự thảo bỏ quy định tại Điều 139 (Nghị định 155) cho phép ĐHĐCĐ, Điều lệ công ty đại chúng được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn quy định pháp luật, trừ trường hợp có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Bộ Tài chính, điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông nước ngoài theo Luật Doanh nghiệp, cũng như giảm rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài khi họ không lường được các thay đổi từ doanh nghiệp, từ đó tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, dự thảo sẽ sửa tương ứng quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng.

Tại Điều 141, Điều 142, dự thảo làm rõ trách nhiệm thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của doanh nghiệp cổ phần hóa là công ty đại chúng niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Tại khoản 1 Điều 143, dự thảo làm rõ các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, bao gồm cả quỹ thành viên phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định tại Điều 310 quy định thời hạn các công ty đại chúng phải hoàn thành thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (trong vòng 6 tháng, kể từ ngày Nghị định sửa đổi có hiệu lực thi hành).

“Do hiện nay nhiều công ty đại chúng chưa hoàn thành thủ tục này nên thị trường chưa phản ánh đúng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng. Việc bổ sung quy định này cũng nhằm đảm bảo công ty đại chúng tuân thủ pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành và các điều ước quốc tế có liên quan, phục vụ mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định 155 sửa đổi cũng bổ sung quy định liên quan đến nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài, phù hợp với Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Cụ thể, Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định theo hướng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm tổ chức, cá nhân nước ngoài, qua đó góp phần thu hút các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, tại Điều 5 về Tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự thảo bổ sung quy định về việc sử dụng các giấy tờ, tài liệu báo cáo chứng minh tương thích với giấy tờ, tài liệu của nước ngoài… khi xác định nhà đầu tư nước ngoài.

DN tự giới hạn room ngoại: Trở lực nâng hạng

Thông tin tại Hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”, bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho hay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell. Tuy nhiên, đối với tiêu chuẩn MSCI, vốn có nhiều tiêu chí hơn (18 tiêu chí) và các tiêu chí cũng khắt khe hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn 8 tiêu chí cần cải thiện.

Trong đó, bên cạnh tiêu chí về cơ chế đối tác thanh toán trung tâm (CCP), hiện đã được mở hành lang pháp lý, thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện các tiêu chí liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

“Việc đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức nâng hạng chỉ là một phần, quan trọng là sự trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, với vấn đề sở hữu nước ngoài, đối với một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã “cạn room”, đây là điều khiến họ chưa thể hài lòng”, bà Tạ Thanh Bình nêu vấn đề.

Ông Tô Trần Hòa phát biểu tại hội thảo "Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025"

Đồng quan điểm, ông Tô Trần Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho hay: “Nói về trải nghiệm, đúng là các nhà đầu tư nước ngoài đang chịu thiệt thòi”.

Theo ông Hoà, quan điểm của Chính phủ là khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề là cần làm rõ danh mục ngành nghề tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, vốn cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành. Bên cạnh đó, đại diện UBCKNN cũng chỉ ra thực trạng rằng, nhiều doanh nghiệp khi đăng ký ngành nghề kinh doanh chọn các ngành rộng, bao trùm lên ngành nhỏ hơn chịu quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, dẫn tới không thể “mở room” cho nhà đầu tư ngoại.

Về việc một số công ty hiện vẫn đang tự giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, một trong số những nguyên nhân là nỗi lo bị thôn tính.

Tuy nhiên, theo ông Hải, các doanh nghiệp không nên quan ngại vấn đề này: “Các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh là sự am hiểu thị trường nội địa. Rõ ràng, các công ty nước ngoài khi đến thị trường Việt Nam, trước hết phải dựa vào bản thân những người ở đây. Tôi tin rằng, những công ty có hệ thống quản trị tốt, làm ăn minh bạch, không cần phải phải lo công ty ngoại thôn tính, vì chưa chắc họ đã làm tốt hơn chúng ta. Họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền và thực hiện theo các quyết định của chúng ta”.

Tại tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho hay, ngày 29/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Do đó, cần quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Việc xây dựng Nghị định 155 sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong việc hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, phù hợp với Luật Chứng khoán (sửa đổi), khắc phục một số bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Luật Chứng khoán sửa đổi: Rộng đường cho thị trường nâng hạng

Luật Chứng khoán sửa đổi: Rộng đường cho thị trường nâng hạng

Tài chính
(VNF) - Luật Chứng khoán sửa đổi hướng tới triển khai mô hình CCP, giúp con đường tới mục tiêu nâng hạng trở nên “thông thoáng”. Tuy nhiên, trong hành trình xa hơn là gia nhập nhóm thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE Russell hay nhóm thị trường mới nổi của MSCI, cần giải quyết vấn đề tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như bài toán gia tăng hàng hoá chất lượng cho thị trường.
Cùng chuyên mục
Tin khác