Sửa Luật Sở hữu trí tuệ: Việt Nam đang tự lấy đá ghè chân mình?
Vĩnh Chi -
01/06/2019 15:37 (GMT+7)
(VNF) – Tiến sĩ Phan Ngọc Tâm (Đại học Luật TP. HCM) - Giám đốc điều hành Công ty luật Tín & Tâm, cho rằng một số quy định trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ đã không tận dụng được các không gian mở trong CPTPP, thậm chí còn quy định cứng ở mức cao hơn mức CPTPP yêu cầu. Điều này có thể gây thiệt hại cho các lợi ích ở Việt Nam.
- So với cam kết về sở hữu trí tuệ trong các FTA khác, cam kết sở hữu trí tuệ trong CPTPP có điểm nào đặc biệt? Thưa ông?
TS Phan Ngọc Tâm: Trên thực tế, cam kết về sở hữu trí tuệ là cam kết khó bậc nhất trong những cam kết của CPTPP. Với CPTPP, Việt Nam có nghĩa vụ về gia nhập một số điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ (như Hiệp ước Budapest về Công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm các mục đích trong thủ tục về sáng chế năm 1977, Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về quyền tác giả năm 1996, Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về buổi biểu diễn và bản ghi âm năm 1996).
So với pháp luật Việt Nam, CPTPP còn mở rộng ra cả âm thanh và khuyến khích các nước bảo hộ cả mùi; bảo hộ dưới dạng sáng chế đối với dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác đối với nông hóa phẩm có chứa một thành phần hóa học (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…).
CPTPP quy định cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ rất chặt chẽ, trong đó có cả nghĩa vụ xây dựng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi xuất khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong phạm vi phân phối, hành vi nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan trong phạm vi hành vi phân phối, hành vi liên quan đến tem nhãn, bao bì giả mạo…
Ngoài ra, CPTPP xây dựng một cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ với sự kết hợp của các chế tài hành chính, dân sự và đặc biệt là hình sự.
CPTPP cũng yêu cầu phải có chế tài hình sự đối với những hành vi giúp sức hoặc xúi giục thực hiện hành vi xâm phạm, hành vi liên quan/thúc đẩy việc vi phạm như nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối, quảng cáo.
Thách thức từ các tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ CPTPP đặt ra tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ so với pháp luật Việt Nam. Tất yếu dẫn đến thách thức phải sửa đổi nôi dung luật.
- Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ đã hiện thực hóa một phần những cam kết về sở hữu trí tuệ trong CPTPP với pháp luật Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào về những sửa đổi của dự thảo luật lần này?
Trước tiên, tôi muốn nói đến một thực trạng đáng phải suy nghĩ, đó là khác với nhiều nước thành viên hiện đang tập trung tập huấn, chuẩn bị chỉ dẫn kiến thức và hỗ trợ doanh nghiệp của họ khi bước vào thực thi CPTPP, Việt Nam vẫn còn loay hoay ở việc cần thay đổi những gì trong hệ thống pháp luật để phù hợp với các thỏa thuận trong Hiệp định, khi mà thời hạn cũng không còn xa.
Điều này vô hình trung sẽ khiến doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội lo lắng, bởi họ sẽ không đủ thời gian để có thể hiểu được các cam kết và sửa đổi mang tính phức tạp này.
Tôi hiểu rằng những cam kết về sở hữu trí tuệ là cam kết khó bậc nhất trong những cam kết của CPTPP nhưng hiệp định thương mại tự do đình đám này có nhiều khoảng không gian khá rộng để giải thích, lựa chọn cách thức thực thi thích hợp.
Nhưng một số quy định trong dự thảo lại không tận dụng được các không gian này, thậm chí còn quy định cứng ở mức cao hơn mức CPTPP yêu cầu, có thể gây thiệt hại cho các lợi ích ở Việt Nam.
-Ông có thể chỉ ra một vài bất cập trong dự thảo lần này?
Có khá nhiều điểm trong dự thảo Luật chưa tương đồng với các cam kết CPTPP.
Chẳng hạn, dự kiến sửa đổi Khoản 1, Điều 80, Luật Sở hữu trí tuệ để làm rõ hơn về trường hợp không bảo hộ chỉ dẫn địa lý do chỉ dẫn địa lý đã trở thành “tên gọi chung” như sau: “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan ở Việt Nam”.
Trong khi đó, cam kết CPTPP đối với trường hợp này là: “Trong việc xác định liệu một thuật ngữ có phải là thuật ngữ thông thường trong ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là tên gọi chung của hàng hóa tương ứng trong phạm vi lãnh thổ của một bên hay không, cơ quan có thẩm quyền của bên đó phải có thẩm quyền xem xét xem người tiêu dùng hiểu thuật ngữ đó trong lãnh thổ của bên đó như thế nào”.
Cách quy định tại dự thảo làm hẹp phạm vi đối tượng được xem xét (từ “người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam” thành “người tiêu dùng liên quan trên lãnh thổ Việt Nam), do đó làm gia tăng khả năng một thuật ngữ có thể bị coi là “tên gọi chung” và từ đó tăng khả năng từ chối bảo hộ chỉ dẫn địa lý có chứa tên gọi chung.
Ngoài ra, dự thảo có thể bỏ sót nhiều trường hợp khác cần phải sửa trong Luật Sở hữu trí tuệ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu những quy định này không được sửa đổi thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong việc thực thi.
- Nếu được sửa đổi, ông sẽ sửa đổi quy định này như thế nào?
Từ góc nhìn của người làm nghề luật, tôi cho rằng ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi theo hướng:
Một là, thay đổi hướng tiếp cận trong quá trình soạn thảo dự thảo luật sửa đổi và mở ra nhiều phương án, giải pháp khác nhau cho cùng một vấn đề hay nội dung quy định cần sửa đổi. Việc này sẽ tạo ra không gian phù hợp cho các chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chia sẻ quan điểm, ý kiến, từ đó giúp xây dựng nên các điều luật mới một cách khoa học, khách quan và có tính khả thi cao nhất.
Hai là, ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng các nội dung quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành để xác định những hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, từ đó tiến hành chỉnh sửa, thay đổi, hoàn thiện một cách quy mô và có hệ thống đối với toàn bộ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ nói chung chứ không chỉ dừng lại ở việc cập nhật (một cách không đầy đủ và thiếu chính xác) theo các quy định của CPTPP.
Ba là, việc cập nhật, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp và tương thích với các cam kết quốc tế là bắt buộc và cần thiết. Tuy nhiên, quá trình này phải được thực hiện một cách chính xác, cẩn trọng và cân nhắc một cách toàn diện đến các đặc trưng kinh tế xã hội cũng như trình độ phát triển của nền kinh tế và hệ thống pháp luật của quốc gia, đồng thời đảm bảo tốt nhất lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo công chúng.
- Ông có khuyến nghị nào cho nhà nước và doanh nghiệp khi thực hiện các cam kết khó bậc nhất trong CPTPP này?
Sở hữu trí tuệ là xương sống của một nền kinh tế tri thức trong tương lai. Đây cũng là nội dung đàm phán khó khăn trong CPTPP. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là nước có hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ khá đồng bộ và tiên tiến, thậm chí còn có nhiều điểm tiến bộ so với pháp luật của các nước trong khu vực nhưng phải ý thức được rằng CPTPP còn đòi hỏi cao hơn thế.
Sửa đổi pháp luật sở hữu trí tuệ cho tương thích với nội dung của CPTPP trong khoảng thời gian theo quy định là thách thức đầu tiên nhà nước phải vượt qua.
Xây dựng, củng cố bộ máy cả về chất lượng chuyên môn và số lượng là điều tất yếu phải thực hiện song song với quá trình cải cách luật pháp nói trên. Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và xã hội về CPTPP nói chung và các thách thức trong sở hữu trí tuệ nói riêng là phương án giúp giảm bớt áp lực của các thử thách.
Đối với doanh nghiệp, những cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ cao như vậy đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức rất lớn về việc tuân thủ những quy định mới do thiếu về nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực này cũng như gánh nặng chi phí của việc tuân thủ.
Rất ít doanh nghiệp tự liên hệ để hỏi thông tin nhằm tìm hiểu thị trường xuất khẩu và ưu đãi cho sản phẩm của mình. Khi tiếp cận thị trường gần nửa tỷ dân của CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ đối mặt với các vụ khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí là bị áp dụng các chế tài do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, hiểu rõ thách thức và có chiến lược, giải pháp vượt qua các thách thức là con đường phát triển tối ưu với doanh nghiệp hiện nay.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone