Ngân hàng

Sức nóng khoản tín dụng 20 tỷ USD và tỷ giá lên mức cao nhất lịch sử

(VNF) - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng chữa bệnh thừa tiền khó hơn rất nhiều chữa bệnh thiếu tiền. Đã có những ngân hàng đầu tiên đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Sức nóng khoản tín dụng 20 tỷ USD và tỷ giá lên mức cao nhất lịch sử

Phó Thống đốc: Chữa bệnh thiếu tiền đã khó, thừa tiền chữa càng khó hơn

Chia sẻ trên được Phó Thống đốc Đào Minh Tú đưa ra tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào chiều ngày 15/9 tại Cần Thơ.

Phó Thống đốc bày tỏ sự quan ngại khi đến nay tăng trưởng tín dụng cả nước mới được 5,56% trong khi năm ngoái đã đạt hơn 9,5%, tức là chỉ hơn một nửa so với cùng kì. Ông Tú cho biết, ngân hàng vẫn là lĩnh vực chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Dư nợ tín dụng hiện tại là khoảng 12,6 triệu tỷ đồng, mỗi năm tăng thêm trên 1 triệu tỷ đồng.

Về phía ngân hàng, ông khẳng định "vốn ngân hàng hiện không thiếu" và nhắc lại ý "ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền" mới nêu trong một hội nghị diễn ra cách đây chưa lâu.

“Phải nói thẳng là về vốn ngân hàng đang thừa tiền. Nhưng chữa bệnh thiếu tiền cũng khó, chữa bệnh thừa tiền khó hơn. Hay nói cách khác, DN tồn kho hàng hoá, ngân hàng tồn kho tiền. Đây là thực trạng ảnh hưởng đến vấn đề nền kinh tế và DN. Làm sao để đẩy mạnh tín dụng này ra, tăng cường tín dụng hơn nữa đó là điều NHNN quan tâm “, ông Tú nói.

>> Xem thêm: Phó Thống đốc: Chữa bệnh thiếu tiền đã khó, thừa tiền chữa càng khó hơn

Ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử

Từ ngày 14/9, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) sẽ giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,2-0,3% với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. So với đầu năm, lãi suất huy động tại hai nhà băng quốc doanh này đã giảm 1,5-2%.

Với việc điều chỉnh trên, cả Agribank và Vietcombank đều đưa lãi suất huy động 12 tháng xuống còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19.

Lãi suất huy động giảm mạnh trong vài tháng qua trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện chỉ quanh 7%/năm và chỉ còn một số ít nhà băng sẵn sàng trả mức này.

>> Xem thêm: Ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử

Khoản tín dụng hơn 20 tỷ USD ở Việt Nam đang 'nóng' lên từng ngày

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn từ năm 2017 – 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế và tăng gần 13% so với cuối năm 2021.

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước cung cấp tín dụng xanh cho 12 lĩnh vực, trong đó dư nợ tập trung chủ yếu ở các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với 45% và nông nghiệp xanh với 31%.

Trong đó, “sân chơi” tín dụng xanh đang ngày càng thu hút nhiều ngân hàng tại Việt Nam tham gia. Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, tính đến nay có hơn 40 tổ chức tín dụng cấp “vốn xanh” với ưu đãi thấp hơn từ 0,5 – 1%/năm cho các dự án sản xuất, kinh doanh không/ít gây rủi ro tới môi trường, góp phần bảo vệ sinh thái chung.

>> Xem thêm: Khoản tín dụng hơn 20 tỷ USD ở Việt Nam đang 'nóng' lên từng ngày

Ngân hàng phân trần chuyện thừa room nhưng khó cho vay

Lãnh đạo BIDV, Agribank cho biết dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất lớn, song không dễ tìm khách hàng để cho vay và kiến nghị loạt giải pháp để thúc đẩy tín dụng.

“Ngân hàng rất mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp song ngược lại cũng mong các doanh nghiệp doanh nghiệp minh bạch để tạo niềm tin với ngân hàng. Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoạt động ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, Tổng giám đốc BIDV bày tỏ.

Tương tự, lãnh đạo Agribank cũng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có thêm các giải pháp  kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư như hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, PCCC, môi trường..., đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền…  

>> Xem thêm: Ngân hàng phân trần chuyện thừa room nhưng khó cho vay

Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, tiền nhàn rỗi có chảy khỏi ngân hàng?

Lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm sâu so với đầu năm nay, với mức giảm từ 3-4%, mức cao nhất xuống dưới 7%/năm, song tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng khi các kênh đầu tư khác cũng chưa thực sự hấp dẫn.

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng tiếp tục tăng lên, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu và thị trường chứng khoán sôi động.

Hiện nay, khi tín dụng tăng trưởng chậm, tiền gửi vào nhà băng tăng có khi lại áp lực cho ngân hàng. Vì thậm chí nhiều khách hàng không vay mới mà còn trả nợ cũ trước hạn. 

>> Xem thêm: Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, tiền nhàn rỗi có chảy khỏi ngân hàng?

Giá USD ngân hàng tăng vượt 24.400 đồng, cao nhất 9 tháng



Tỷ giá USD/VND ở các ngân hàng thương mại bật tăng mạnh. Giá USD mua vào tại các ngân hàng vượt mốc 24.000 đồng/USD, còn giá USD bán ra đã vượt 24.440 đồng/USD.

Tỷ giá USD trung tâm tiếp tục tăng cao. Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) ngày 15/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.036 đồng/USD, lên mức đỉnh lịch sử.

Theo giới chuyên gia, tỷ giá “nổi sóng” thời gian gần đây không chỉ do USD tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế.

Việc Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá VND/USD. Tuy vậy, tỷ giá VND vẫn có những yếu tố hỗ trợ như thặng dư thương mại tăng, tổng vốn FDI tăng, dòng tiền kiều hối chuyển về nước ổn định. Do đo,́ rủi ro về tỷ giá không quá lớn như năm ngoái.

>> Xem thêm: Giá USD ngân hàng tăng vượt 24.400 đồng, cao nhất 9 tháng

Quét QR code tăng đột biến, rút tiền qua ATM giảm mạnh

Trong 8 tháng đầu năm, giao dịch qua kênh QR code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị nhưng giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 4% về số lượng và giảm 6% về giá trị. Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Với sự cạnh tranh trên thị trường gia tăng, hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng đối mặt với các rủi ro phát sinh tương ứng với xu hướng thị trường, có thể kể đến như: tội phạm công nghệ cao tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật để lấy thông tin khách hàng; khách hàng cố tình trục lợi hoặc lợi dụng các chính sách của ngân hàng; tình trạng thanh toán khống,… đang gia tăng.

>> Xem thêm: Thời không tiền mặt: Quét QR code tăng đột biến, rút tiền qua ATM giảm mạnh

Ngân hàng tính chuyện gọi vốn ngoại

Áp lực tăng vốn điều lệ chưa thể dừng lại với các ngân hàng Việt Nam. Nhu cầu tăng vốn năm 2023 của các ngân hàng cũng lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Khi thị trường trong nước khó khăn thì vốn ngoại là một hướng mở được các tổ chức tín dụng tính tới. Sau nhiều năm khá vắng các thương vụ lớn, rất nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch huy động vốn ngoại trong thời gian tới.

Việc bán vốn cho cổ đông ngoại cũng trở nên tiềm năng khi Ngân hàng Nhà nước có tờ trình Chính phủ về việc nâng tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc từ 30% lên 49%. Hiện có 3 tổ chức tín dụng trong diện chuyển giao bắt buộc.

>> Xem thêm: Ngân hàng tính chuyện gọi vốn ngoại

Nợ xấu lớn dần trong ngân hàng

Số liệu kinh doanh quý II của các ngân hàng cho thấy áp lực nợ xấu đang rất lớn. Nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã vượt trần 3% và được cảnh báo còn tăng cao. Việc này khiến các ngân hàng đang phải đối đầu với nhiều rủi ro.

Theo Vietnam Report, nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được các ngân hàng nhận diện là thách thức lớn nhất phải đối diện trong thời gian tới. Vì vậy, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không đơn thuần là tăng trưởng tín dụng mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản.

Còn TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Dù chính sách cơ cấu nợ mới đã được nhà điều hành triển khai quyết liệt nhưng dường như vẫn chưa đủ để ngăn chặn xu hướng nợ xấu tăng tốc tại nhiều ngân hàng.

>> Xem thêm: 'Khối u' lớn dần trong ngân hàng

Ngân hàng lãi lớn nhờ kinh doanh ngoại hối

Kinh doanh ngoại hối đang trở thành mảng kinh doanh béo bở của các ngân hàng. Trong nửa đầu năm 2023, khi nhiều hoạt động kinh doanh chính khác sụt giảm mạnh, nhiều ngân hàng vẫn thu lãi đậm từ kinh doanh ngoại hối. Tại một số nhà băng, hoạt động này đạt tốc độ tăng trưởng ba chữ số.

Với giá bán thường cao hơn nhiều so với giá mua giúp các ngân hàng lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Một số chuyên gia tài chính cho rằng tỷ giá càng tăng thì ngân hàng càng lãi lớn trong mảng kinh doanh ngoại hối.

>> Xem thêm: Tỷ giá VND/USD tăng mạnh, ngân hàng lãi lớn nhờ kinh doanh ngoại hối

Chính phủ yêu cầu không chậm trễ, trình phương án xử lý SCB trong tháng 9

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9 năm nay. Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9 phương án xử lý SCB, không để chậm trễ hơn nữa.

>> Xem thêm: Chính phủ yêu cầu không chậm trễ, trình phương án xử lý SCB trong tháng 9

Tin mới lên