Sức tàn phá của khói bụi: Ấn Độ thiệt hại ít nhất 95 tỷ USD mỗi năm

Quang Đăng - 25/11/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Sương mù độc hại bao phủ vùng đồng bằng phía bắc Ấn Độ không chỉ làm nghẹt phổi của người dân và giết chết hàng triệu người mà còn làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia tỷ dân này.

Gia tăng tỷ lệ tử vong

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ thường xuyên được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Mỗi mùa đông, khí thải từ xe cộ và nhà máy kết hợp với việc người nông dân đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch từ các tiểu bang xung quanh khiến thành phố chìm trong làn khói mù mờ mịt.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (một tổ chức nghiên cứu độc lập) khí thải từ các nhà máy điện than là tác nhân chính gây ô nhiễm quanh năm ở Ấn Độ. Theo các nhà giám sát, trung bình mỗi năm Delhi phải đối mặt với 275 ngày không khí ô nhiễm.

Trong số 12 nhà máy nhiệt điện ở Delhi, chỉ có 2 nhà máy lắp đặt các đơn vị khử lưu huỳnh khí thải (hay FGD) để giảm lượng khí thải lưu huỳnh đioxit, mặc dù chính phủ đã đưa ra thời hạn là năm 2017. Trên toàn quốc, chỉ có 8% các nhà máy điện than áp dụng công nghệ này, với thời hạn hiện được gia hạn đến năm 2027.

Khách du lịch tham quan đền Taj Mahal vào một buổi sáng sương mù lạnh giá ở Agra vào ngày 18/11/2024. (Ảnh: PAWAN SHARMA/AFP/Getty Images)


Khói bụi độc hại trong tháng này chứa hàm lượng bụi mịn cao gấp 50 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong bụi mịn chứa các hạt vi mô gây ung thư, được gọi là PM2.5, xâm nhập vào máu qua phổi

Nghiên cứu học thuật chỉ ra rằng tác động bất lợi của ô nhiễm không khí đối với nền kinh tế Ấn Độ đang ngày càng gia tăng.

Một báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tác động "vi mô" của ô nhiễm không khí đối với nền kinh tế Ấn Độ có thể chuyển thành "tác động vĩ mô có thể quan sát được qua những thay đổi theo từng năm của GDP".

Báo cáo ước tính rằng GDP của Ấn Độ sẽ tăng 4,5% vào cuối năm 2023 nếu nước này có thể giảm một nửa mức độ ô nhiễm trong 25 năm trước đó.

Nghiên cứu của công ty tư vấn toàn cầu Dalberg Advisors dự đoán rằng "mức độ nhạy cảm với ô nhiễm không khí sẽ tăng lên, đồng thời tác động đến tỷ lệ tử vong".

Một góc nhìn về thành phố giữa sương mù dày đặc ở New Delhi. Ảnh: EPA-EFE

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí sức khỏe Lancet về tác động trực tiếp của ô nhiễm không khí đến sức khỏe vào năm 2019 ước tính GDP hàng năm của Ấn Độ sẽ giảm 1,36% do "sản lượng bị mất do tử vong sớm và bệnh tật".

Những biện pháp khẩn cấp mang tính tuyệt vọng, chẳng hạn như đóng cửa trường học để giảm lượng khí thải giao thông cũng như cấm xây dựng, đều gây ra những tổn thất kinh tế riêng.

Ông Sanjeev Bansal, chủ tịch chi nhánh Delhi của Hiệp hội Xây dựng Ấn Độ, cho hay: "Việc ngừng làm việc trong nhiều tuần liên tục vào mỗi mùa đông khiến lịch trình của chúng tôi bị đảo lộn".

Suy yếu nền kinh tế

Các chuyên gia cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở Ấn Độ đang gây ra tác động tàn phá đến nền kinh tế của nước này.

Ông Vibhuti Garg, thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, cho hay: "Tổn thất là rất lớn và không thể định lượng được".

Theo chuyên gia Bhargav Krishna thuộc nhóm nghiên cứu Sustainable Futures Collaborative có trụ sở tại Delhi, "chi phí thiệt hại tăng lên ở mọi khía cạnh, từ việc nghỉ làm một ngày đến mắc bệnh mãn tính, chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến bệnh đó, đến tử vong sớm và tác động của nó đến gia đình người bệnh".

Số ca nhập viện vì các rối loạn hô hấp tăng mạnh vào tháng 11 tại Ấn Độ.

Một số nghiên cứu đã cố gắng định lượng mức độ thiệt hại. Một báo cáo của Dalberg kết luận rằng vào năm 2019, ô nhiễm không khí đã khiến các doanh nghiệp Ấn Độ thiệt hại 95 tỷ USD do "giảm năng suất, vắng mặt khi làm việc và tử vong sớm".

Con số này chiếm gần 3% GDP của Ấn Độ và gấp đôi chi tiêu y tế công cộng hàng năm của nước này.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng mức thiệt hại kinh tế thực sự mà Ấn Độ đang phải trả có thể còn lớn hơn nữa.

"Ấn Độ đã mất 3,8 tỷ ngày làm việc vào năm 2019, gây thiệt hại 44 tỷ USD do ô nhiễm không khí gây tử vong", theo nghiên cứu tính toán rằng không khí độc hại "gây ra 18% tổng số ca tử vong ở Ấn Độ".

Nghiên cứu cho biết ô nhiễm cũng có tác động làm suy yếu nền kinh tế tiêu dùng do những hậu quả liên quan trực tiếp đến sức khỏe, làm giảm lượng người đi lại và gây thiệt hại hàng năm lên tới 22 tỷ USD.

Con số này thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn ở Delhi, tâm chấn của cuộc khủng hoảng, khi thủ phủ này mất tới 6% GDP hàng năm do ô nhiễm không khí.

Một người nông dân đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch trên một cánh đồng lúa ở ngoại ô Amritsar. Sương mù độc hại bao phủ đồng bằng miền bắc Ấn Độ không chỉ làm nghẹt phổi của người dân và giết chết hàng triệu người mà còn làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ảnh: AFP

Chủ nhà hàng Sandeep, ông Anand Goyle, xem khói bụi là "mối nguy hại cho sức khỏe và tài sản".

Ông Goyle, cũng là người đứng đầu chi nhánh Delhi của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Ấn Độ, cho biết: "Những người quan tâm đến sức khỏe thường tránh ra ngoài nên chúng tôi phải gánh chịu thiệt hại".

Du lịch cũng bị ảnh hưởng vì mùa sương mù trùng với thời điểm người nước ngoài thường đến thăm miền Bắc Ấn Độ.

Ông Rajiv Mehra thuộc Hiệp hội các công ty lữ hành Ấn Độ cho biết: "Sương mù đang làm xấu đi hình ảnh của Ấn Độ".

Theo các chuyên gia, Ấn Độ có thể rút ra bài học từ các quốc gia đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí, chẳng hạn như Trung Quốc, quốc gia đã bắt buộc áp dụng FGD tại các nhà máy công nghiệp của mình vào năm 2008.

Đến năm 2022, Trung Quốc đã giảm lượng khí thải lưu huỳnh đioxit xuống còn 1/4 mức của Ấn Độ, mặc dù cả hai quốc gia đều thải ra lượng khí thải tương đương nhau vào năm 2010.

Theo AFP
Cùng chuyên mục
Tin khác