‘Lời cảnh tỉnh’ của Trung Quốc gửi tới Mỹ trước khi ông Trump nhậm chức

Bích Hợp - 22/11/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc sắp áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với các vật liệu "có mục đích sử dụng kép" cần thiết cho sản xuất công nghệ và quốc phòng, động thái mà một nhà lập pháp Mỹ xem là "lời cảnh tỉnh" cho nước Mỹ.

Theo đó, các nguyên liệu thô sẽ chịu sự kiểm soát bao gồm vonfram, magie, titan, hợp kim nhôm và than chì. Đây đều là những vật liệu mà hoạt động sản xuất và cung ứng đều do Trung Quốc thống trị và đóng vai trò quan trọng đối với các lĩnh vực công nghệ, hàng không vũ trụ, quốc phòng, giao thông vận tải và xây dựng...

Hai công nhân đang sắp xếp các cuộn lá nhôm cho pin, được sản xuất để xuất khẩu, tại một nhà máy ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc. Hợp kim nhôm là một trong những vật liệu nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các quy định mới sẽ thiết lập khuôn khổ cấp phép cho xuất khẩu các các vật liệu "có mục đích sử dụng kép" và đưa ra danh mục hàng hóa bị hạn chế. Những công ty xuất khẩu cũng phải cung cấp thông tin về người dùng cuối cùng và mục đích sử dụng của hàng hóa.

Trong thông cáo với báo chí tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ động thái này sẽ "nâng cao hiệu quả kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng có mục đích sử dụng kép, bảo vệ tốt hơn an ninh và lợi ích quốc gia, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như không phổ biến vũ khí hạt nhân và bảo vệ tốt hơn an ninh, ổn định và sự thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu".

Ông Liu Pengyu, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, nhấn mạnh các biện pháp của Trung Quốc hỗ trợ an ninh thương mại và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế cũng như mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là trở thành "quốc gia thương mại mạnh".

Ông Liu nói thêm: "Những biện pháp này không gây trở ngại cho hoạt động trao đổi khoa học quốc tế, kinh tế và thương mại thông thường, hoặc sự hoạt động trơn tru của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu".

Cũng theo ông Liu, động thái này không nhằm vào bất kỳ quốc gia hay công ty cụ thể nào, không giống như "hoạt động của một số quốc gia lợi dụng khái niệm an ninh quốc gia để đàn áp các quốc gia hoặc doanh nghiệp cụ thể".

Ông Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với CNBC rằng việc thắt chặt kiểm soát "rõ ràng là một động thái trả đũa" lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc với cáo buộc xuất khẩu sang Nga các thiết bị điện tử và các mặt hàng khác có tiềm năng dân sự - quân sự kép có thể hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

Mỹ cũng đã hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip hàng đầu do nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới ASML của Hà Lan sản xuất, với lý do chip cao cấp có thể thúc đẩy những tiến bộ quân sự của Trung Quốc.

Đại diện đảng Cộng hòa Rob Wittman gọi các biện pháp kiểm soát mới là "lời cảnh tỉnh".

"Sự phụ thuộc vào Bắc Kinh là mối đe dọa đối với an ninh kinh tế, quốc phòng và đổi mới công nghệ của chúng ta. Đã đến lúc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tăng cường sản xuất", ông Wittman viết trên mạng xã hội X.

Các quan chức Mỹ lo ngại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các vật liệu quan trọng, điều mà họ cho là gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia.

Trung Quốc cũng chiếm gần 90% sản lượng magiê nói riêng và hơn 80% sản lượng vonfram trên toàn thế giới, một kim loại quan trọng đối với các sản phẩm quân sự như đạn xuyên giáp và một loạt các ứng dụng dân sự, từ dụng cụ cắt công nghiệp đến vi mạch.

Trung Quốc đã từng sử dụng quyền thống trị chuỗi cung ứng của mình làm "vũ khí", chẳng hạn như lệnh cấm vận tạm thời các nguyên tố đất hiếm đối với Nhật Bản vào năm 2010 sau một vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản gần tỉnh Okinawa.

Theo Nikkei Asia, nếu Nhật Bản có thể tìm được nguồn cung cấp ngoài Trung Quốc, họ sẽ có được công cụ đối phó với lá bài "đất hiếm" nói trên.

"Liệu đây có phải là một phát súng cảnh cáo nhắm vào chính quyền ông Donald Trump?", ông Frank Giustra, đồng chủ tịch của tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, đã viết về biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong một bài đăng trên X.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, một động thái leo thang hơn nữa cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1/2025.

Đầu năm nay, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã duy trì thuế và tăng thuế đối với một số loại sản phẩm nhất định của Trung Quốc, chẳng hạn như pin xe điện lithium-ion.

Theo News Week
Trung Quốc nỗ lực thu hút nhân tài công nghệ Mỹ bất chấp nhiều rào cản

Trung Quốc nỗ lực thu hút nhân tài công nghệ Mỹ bất chấp nhiều rào cản

Tài chính quốc tế
(VNF) - Bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế những tiến bộ của Trung Quốc trong công nghệ tiên tiến, một số "ông lớn" công nghệ Trung Quốc đang thu hút những nhân tài hàng đầu của Mỹ để thành lập các nhóm trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thung lũng Silicon.
Cùng chuyên mục
Tin khác