Sắp rời nhiệm sở, ông Biden tìm cách xoá nợ cho Ukraine

Vy Ba - 21/11/2024 15:33 (GMT+7)

(VNF) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Matthew Miller, ngày 20/11 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có động thái xóa nợ khoảng 4,7 tỷ USD cho Ukraine, một phần trong nỗ lực củng cố Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào năm tới.

Kể từ tháng 2/2022, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 174 tỷ USD cho các gói viện trợ để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Khoản mới nhất, được phê duyệt vào tháng 4, bao gồm hơn 9,4 tỷ USD trong các "khoản vay có thể xóa nợ" để giúp lấp đầy khoảng trống trong ngân sách của Kiev.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện bước đi được nêu trong luật để hủy bỏ các khoản vay đó", và nói thêm rằng bước đi này đã được thực hiện trong những ngày gần đây.

Ông Miller đồng thời xác nhận rằng Tổng thống Biden muốn xóa một nửa số tiền 9,4 tỷ USD, tương đương khoảng 4,7 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 21/9/2023 (Ảnh AP/Evan Vucci)

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trong một lá thư gửi Quốc hội ngày 18/11 rằng việc xóa nợ là vì "lợi ích quốc gia của Mỹ và các đối tác Liên minh châu Âu (EU), G7+ và NATO".

Dù vậy, ông Miller cho hay Quốc hội vẫn có thể chặn động thái này.

Việc đổi tên một số khoản viện trợ thành các khoản vay là một trong những điều chỉnh quan trọng giúp thông qua gói cứu trợ trị giá 61 tỷ USD vào tháng 4 sau nhiều tháng bế tắc giữa đảng Cộng hòa và Nhà Trắng.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Rand Paul, một người thường xuyên chỉ trích sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, đã tuyên bố sẽ ngăn chặn việc hủy bỏ khoản nợ, với lý do rằng điều này gây gánh nặng không công bằng cho người nộp thuế ở Mỹ.

“Tối nay, tôi sẽ buộc phải bỏ phiếu về đề xuất của mình nhằm ngăn chặn Tổng thống Biden biến nợ của Ukraine thành vấn đề của nước Mỹ”, ông Paul viết trong một tuyên bố trên X vào ngày 20/11.

Thượng viện Mỹ dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu vào cuối ngày 20/11 (theo giờ Mỹ) về đề xuất không chấp thuận việc xóa nợ cho Ukraine do Thượng nghị sĩ Rand Paul đưa ra. Phần lớn các thượng nghị sĩ từ cả hai đảng đều ủng hộ viện trợ cho Ukraine.

Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các quan chức nhanh chóng viện trợ cho Ukraine càng nhiều càng tốt trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1 trong bối cảnh lo ngại Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể hạn chế sự hỗ trợ của Mỹ.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ không phản đối Quốc hội phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine miễn là khoản viện trợ này được trao dưới hình thức cho vay thay vì dưới hình thức tặng.

Chính phủ Ukraine gần như hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây để duy trì nền kinh tế. Vào tháng 9, Kiev đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2025, dự đoán thâm hụt là 75% và ước tính sẽ cần từ 12 đến 15 tỷ USD để trang trải khoản thiếu hụt này.

Theo Bộ Tài chính, nợ công của Ukraine đã vượt quá 152 tỷ USD tính đến tháng 7. Chi phí trả nợ đã tăng từ 900 triệu USD lên 5,2 tỷ USD trong năm nay, theo tính toán của tờ báo Nga Vedomosti sau khi xem xét dữ liệu tài chính của Kiev.

Vào tháng 10, các quốc gia G7 đã hoàn tất khoản vay riêng trị giá 50 tỷ USD cho Ukraine, được hỗ trợ bởi lợi nhuận tích lũy từ khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng ở phương Tây.

Bất chấp áp lực của Mỹ nhằm tịch thu toàn bộ tài sản, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho đến nay vẫn phản đối hành động này, lo ngại rằng nó có thể làm suy yếu lòng tin vào hệ thống tài chính phương Tây.

Moscow đã lên án lệnh đóng băng tài sản là "trộm cắp" và cảnh báo rằng việc khai thác các khoản tiền này sẽ là bất hợp pháp và tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 20/11 tuyên bố sẽ khởi xướng các biện pháp trả đũa phản ánh hành động của phương Tây.

“Nếu các nước phương Tây quyết định sử dụng tài sản và thu nhập từ tài sản của chúng tôi, phía Nga cũng sẽ thực hiện các hành động thích hợp”, Bộ trưởng tài chính Nga tuyên bố.

Theo Reuters, RT
‘Kinh tế Nga đang tiến tới thời điểm bước ngoặt’

‘Kinh tế Nga đang tiến tới thời điểm bước ngoặt’

Tài chính quốc tế
(VNF) - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, đã nói với chính phủ rằng đất nước đang tiến đến thời điểm "bước ngoặt" về lạm phát và lãi suất, theo đài RBC.
Cùng chuyên mục
Tin khác