Thái Lan hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới: Cú hích tỷ USD cho ngành du lịch
Hải Đăng -
20/11/2024 14:45 (GMT+7)
(VNF) - Thái Lan được dự đoán sẽ chứng kiến nền kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới.
Cú hích cho ngành du lịch
Luật hôn nhân đồng giới đã được Vua Maha Vajiralongkorn phê chuẩn vào tháng 9 và sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 1/2025, đưa Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công nhận hôn nhân đồng giới.
Tính trên toàn châu Á, Thái Lan hợp pháp hoá kết hôn đồng giới sau Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2019 và Nepal vào năm 2023.
Luật mới sửa đổi Bộ luật Dân sự và Thương mại của Thái Lan, thay thế các thuật ngữ chỉ giới tính như “nam và nữ” bằng các thuật ngữ trung tính như “cá nhân”.
Luật mới sẽ cho phép các cặp đôi đồng giới kết hôn và được hưởng đầy đủ các quyền pháp lý, tài chính và y tế. Luật này cũng sẽ cấp cho các cặp đôi đồng giới các quyền liên quan đến việc nhận con nuôi và thừa kế.
Công ty lữ hành Agoda (được thành lập tại Phuket, Thái Lan) dự đoán rằng trong vòng hai năm kể từ khi luật có hiệu lực, quốc gia này sẽ chứng kiến doanh thu du lịch tăng gần 2 tỷ USD mỗi năm và có thêm 4 triệu du khách quốc tế đến Thái Lan mỗi năm.
Theo báo cáo có tựa đề “Tác động kinh tế của hôn nhân đồng giới đối với ngành du lịch Thái Lan” của Agoda, Thái Lan sẽ thu hút ngày càng nhiều du khách và người lao động nước ngoài, những người không chỉ tìm kiếm một địa điểm nghỉ dưỡng mà còn là nơi mà họ có thể cảm thấy thực sự được chấp nhận.
Còn theo báo cáo từ công ty tư vấn chính sách công Access Partnership, luật mới của Thái Lan dự kiến sẽ tạo thêm 76.000 việc làm toàn thời gian cho ngành du lịch, đồng thời tăng tổng sản phẩm quốc nội của nước này thêm 0,3%.
Agoda cũng dự đoán rằng Thái Lan sẽ trở thành trung tâm khu vực cho các cặp đôi LGBTQ+ từ các quốc gia lân cận muốn ăn mừng sự kết đôi của họ.
Dự kiến sẽ có nhiều người đến tham dự, không chỉ các cặp đôi đồng giới và khách mời dự đám cưới của họ, mà còn từ cộng đồng LGBTQ+ nói chung và hơn thế nữa.
Để tính toán tác động kinh tế tiềm tàng của luật mới của Thái Lan, báo cáo đã xem xét tác động của các chính sách hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới ở các quốc gia khác.
Ông Timothy Hughes, phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp của Agoda, chia sẻ với CNBC Travel rằng: “Các thị trường khác, chẳng hạn như New Zealand và Mỹ, đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng đám cưới đồng giới sau khi luật hôn nhân đồng giới được ban hành”.
New Zealand đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2013. Theo báo cáo, đến năm 2016, phần lớn các đám cưới đồng giới ở nước này đều dành cho du khách.
Người Úc chiếm hơn một nửa (58%) số đám cưới đồng giới ở New Zealand từ năm 2013 đến năm 2017, theo báo cáo trích dẫn từ Cục Thống kê New Zealand. Con số này đã giảm xuống còn 26% vào năm 2017, sau khi Úc thông qua luật hôn nhân đồng giới của riêng mình, báo cáo cho biết.
Ông nhấn mạnh cơ hội kinh tế từ du khách Ấn Độ và dự đoán Thái Lan sẽ trở thành điểm đến hàng đầu “cho các cặp đôi LGBTQ+ Ấn Độ và những người sẵn sàng ăn mừng cùng họ”.
Một "cơ hội chiến lược độc đáo"
Ông Darren Burn, CEO và nhà sáng lập của công ty lữ hành hạng sang dành cho cộng đồng LGBT+ có tên Out Of Office và hướng dẫn viên du lịch tại Travel Gay, chia sẻ với The Independent: “Thái Lan từ lâu đã là một trong những điểm đến phổ biến nhất trên Travel Gay với sự quan tâm ngày càng tăng qua từng năm. Nơi đây luôn được coi là điểm đến chào đón trong cộng đồng LGBTQ+ và việc đưa ra luật hôn nhân đồng giới sẽ tiếp tục cải thiện điều đó”
Cũng theo ông Burn, Out Of Office đã giúp các cặp đôi lên kế hoạch tổ chức đám cưới đồng giới ở những địa điểm như Chiang Mai và hy vọng rằng các nghi lễ truyền thống khác nhau tùy theo khu vực có thể được điều chỉnh để phù hợp với các đám cưới đồng giới hợp pháp.
“Ngày càng có nhiều cặp đôi LGBTQ+ muốn kết hôn ở nước ngoài, đặc biệt là khách hàng của chúng tôi từ Mỹ. Vẫn còn hạn chế các lựa chọn nơi hôn nhân hợp pháp dành cho các cặp đôi đồng giới và do đó Thái Lan chắc chắn sẽ chứng kiến một lượng khách du lịch tương đối lớn vì điều này”, ông Burn nhấn mạnh thêm.
Ông Henry Koh, giám đốc điều hành của Hiệp hội đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính quốc tế (ILGA) châu Á cho biết: “Thực tế đáng tiếc là hơn một nửa số du khách LGBTQ+ từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải trải qua một hình thức phân biệt đối xử nào đó khi đi du lịch, khiến vấn đề an toàn trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ khi lựa chọn địa điểm du lịch.
Ông Timothy Hughes, phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp tại Agoda và là nhà tài trợ điều hành cho Agoda Pride cho biết: “Mặc dù Thái Lan vốn đã là điểm đến phổ biến đối với du khách LGBTQ+, việc Thái Lan hợp pháp hoá hôn nhân đồng thời dự kiến sẽ củng cố thêm danh tiếng của Thái Lan như một lựa chọn kỳ nghỉ trọn gói”.
Ann Chumaporn, một nhà hoạt động vì quyền của người Thái Lan và là người đồng sáng lập Bangkok Pride, cho biết tổ chức của bà đang sắp xếp một sự kiện đám cưới tập thể cho các cặp đôi đồng giới vào ngày 23/1/2025, ngày đầu tiên có thể nộp đơn đăng ký kết hôn, bà cho biết.
“Chúng tôi đã có hơn 300 cặp đôi đăng ký và mục tiêu của chúng tôi là 1.000 cặp đôi trên toàn quốc, cũng đã có các các cặp đôi quốc tế đăng ký”, bà cho biết thêm.
Chính phủ Thái Lan cũng đặt mục tiêu đăng cai WorldPride (Niềm tự hào thế giới) của những người đồng tính, một sự kiện toàn cầu đã mang về cho New South Wales 120 triệu USD khi Sydney đăng cai vào năm 2023, theo báo cáo của Agoda.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone