'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Trong giai đoạn tăng trưởng cao từ 1990 đến 2006, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 7,6% hàng năm, giai đoạn sau đó từ 2007-2011 chỉ còn 6,4% và từ 2012-2016 còn 5,9%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng công nghiệp hóa với tỷ trọng của dịch vụ và công nghiệp đóng góp tăng dần trong GDP.
Mặc dù kết quả đạt được là tích cực, nhưng tốc độ tăng năng suất của nền kinh tế còn thấp, cả giai đoạn 2006 – 2016 chỉ đạt xấp xỉ 4% dù có cải thiện hơn trong giai đoạn 2011 -2016 (TCTK, 2010-2016). Đặc biệt là nếu xét năng suất lao động theo thành phần kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn có năng suất lao động (NSLĐ) cao hơn trung bình cả nước mặc dù khoảng cách có giảm đi từ 5,9 lần ở giai đoạn 2005 xuống còn 4,1 lần ở giai đoạn 2015.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trong thập kỷ gần đây và mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, trong đó tác động lan tỏa năng suất, trước hết là năng suất lao động, của nguồn vốn này thường được mong đợi nhất bởi năng suất lao động của một quốc gia là một tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh và xác định động thái tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng của Việt Nam.
Bài viết này đánh giá tác động lan tỏa năng suất lao động của đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó đề xuất một số kiến nghị giải pháp.
Đối với các quốc gia đang phát triển, tác động lan tỏa năng suất của FDI thường được dùng để chỉ loại tác động tràn của FDI đến nước nhận đầu tư, theo đó sự xuất hiện của FDI được kỳ vọng sẽ kéo theo những thay đổi về năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước.
Trên thế giới, khi đề cập đến tác động tràn của FDI thường có 4 loại tác động được đề cập, đó là tác động do tương tác đầu ra-đầu vào giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, xuất hiện nhờ liên kết xuôi (forward effect) hoặc/và liên kết ngược (backward effect), tác động nhờ phổ biến và chuyển giao công nghệ, tác động nhờ tăng năng lực cạnh tranh và tác động nhờ nâng cao trình độ lao động trong quá trình được đào tạo và học hỏi kiến thức, kỹ năng từ doanh nghiệp FDI.
Tác động trên có thể là tích cực và tiêu cực, trong khi tác động lan tỏa thường mong muốn tác động tràn tích cực của FDI, trong đó lan tỏa qua chuyển giao công nghệ rất được các nước nhận đầu tư, đặc biệt là Việt Nam đón nhận.
Trên thực tế, hầu hết quốc gia đang phát triển đều thiết kế chính sách nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ từ FDI cho khu vực trong nước, qua đó cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh và cuối cùng là năng suất lao động của doanh nghiệp trong nước.
Hình 1: Cơ chế lan tỏa năng suất của FDI. Nguồn: Tác giả tổng hợp trên cơ sở các lý thuyết và tài liệu.
Hình 1 mô tả cơ chế lan tỏa của FDI theo nội hàm nêu trên, chỉ rõ 3 cơ chế lan tỏa dễ nhận biết được, bao gồm qua bắt chước học hỏi, di chuyển lao động và đặc biệt là qua chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI.
Nếu xét rộng ra thì ngoài các loại tác động tràn tích cực đó, còn phải kể đến tác động lan tỏa về mặt không gian của FDI nhằm định hướng chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên, tác động lan tỏa không gian của FDI phần lớn gắn với hình thành các cụm ngành, nên bản chất cũng là liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cả liên kết xuôi và liên kết ngược.
Chính nhờ liên kết sản xuất, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, được chuyển giao công nghệ và chuyển giao kỹ năng, qua đó sẽ nhận được tác động lan tỏa năng suất từ FDI.
Ngoài con đường mua công nghệ, mua máy móc thiết bị kèm chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất là cách tiếp cận quan trọng để doanh nghiệp trong nước có thể nhận tác động lan tỏa năng suất một cách bền vững.
Tác động lan tỏa năng suất của FDI thường được đánh giá bằng phương pháp định lượng nhằm ước lượng mức độ lan tỏa. Kết quả một công trình nghiên cứu năm 2005 đã chỉ ra tác động tràn năng suất của FDI tới doanh nghiệp trong nước ngành công nghiệp chế biến tạo, nhưng tác động còn yếu.
Carol và cộng sự (2015) đã phân tích tác động tràn năng suất của doanh nghiệp FDI sử dụng bộ số liệu điều tra từ 2009-2012 về công nghệ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế tạo do Tổng cục thống kê thực hiện trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch tài trợ cũng đã tìm thấy tác động lan tỏa năng suất nhờ liên kết ngược và xuôi từ doanh nghiệp FDI, nhất là từ hình thức liên doanh đến doanh nghiệp cung ứng đầu vào trong nước.
Các kết quả nghiên cứu này đã đưa ra bằng chứng cho thấy Việt Nam đã nhận được tác động tích cực từ FDI, nhưng nhìn chung mức độ tác động tích cực còn thấp, chủ yếu do khả năng cạnh tranh, học hỏi, nhất là liên kết sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước còn yếu. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản hạn chế nhận được tác động lan tỏa từ FDI.
Như vậy liên kết ngược và xuôi chính là điều kiện quan trọng để chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, qua đó tác động đến tăng năng suất.
Hình 2: Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được chuyển giao công nghệ qua liên kết ngược. Nguồn: Báo cáo năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp.
Theo hình 2, trong số hơn 4162 doanh nghiệp phản hồi chỉ có 4,5% nhận được chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI từ liên kết ngược (tức là bán đầu vào cho doanh nghiệp FDI), trong khi 11% từ doanh nghiệp trong nước, tức là rất thấp, phần lớn không nhận được chuyển giao.
Tương tự, cũng chỉ có 5% doanh nghiệp trong nước nhận được chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài thông qua liên kết xuôi (tức là mua đầu vào từ doanh nghiệp nước ngoài). Qua đó khẳng định lại chuyển giao công nghệ từ FDI rất thấp và điều này hạn chế tác động lan tỏa từ FDI.
Một vấn đề đáng lưu ý là khả năng nhận chuyển giao công nghệ còn phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, trong đó chỉ doanh nghiệp có qui mô lao động từ 50 người trở lên mới có năng lực tiếp nhận công nghệ. Do đó, quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có lợi thế để nhận được tác động lan tỏa năng suất, trong khi phần lớn doanh nghiệp trong nước lại có qui mô vừa và nhỏ.
Hơn nữa, các trường hợp nhận được chuyển giao công nghệ qua các liên kết xuôi, ngược cho thấy chuyển giao công nghệ thường diễn ra khi giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước ký hợp dài hạn về cung ứng sản phẩm. Từ thực tế điều tra doanh nghiệp của Báo cáo nêu trên đã chỉ ra thời hạn hợp đồng mua/bán đầu vào của doanh nghiệp trong nước thường ngắn, dưới 12 tháng, trong đó doanh nghiệp qui mô vừa và lớn thường ký kết được hợp đồng dài hạn hơn.
Điều này một lần nữa thể hiện sự đuối sức của doanh nghiệp qui mô nhỏ để có được cơ hội liên kết sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI. Đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh (NLCT) của Diễn đàn kinh tế thế giới về một số chỉ tiêu liên quan đến lan tỏa của FDI khẳng định lại những nhận định nêu trên.
Hình 3: So sánh xếp hạng một số chỉ tiêu về lan tỏa FDI. Nguồn: WEF (2014, 2017). (Ghi chú: vị trí càng thấp là càng tốt)
Hình 3 cho thấy năm 2017 so với 2014 Việt Nam đã cải thiện được liên kết sản xuất, thể hiện qua sự tăng hạng về bề rộng của chuỗi giá trị và mức độ phát triểm cụm ngành. Nhờ đó kéo theo sự cải thiện về chuyển giao công nghệ liên quan đến FDI.
Tuy nhiên, xếp hạng số lượng và chất lượng nhà cung cấp địa phương đều bị tụt hạng phản ánh tình trạng công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa tiến bộ nhiều, các doanh nghiệp trong nước tham gia ngành này vừa thiếu và vừa kém chất lượng.
Nhìn chung, dù cải thiện nhưng Việt Nam vẫn đang kém xa Trung Quốc và Thái Lan ở các chỉ số này, đồng nghĩa với chưa nhận được nhiều tác động lan tỏa năng suất từ FDI. Ngoài các nguyên nhân đã phân tích ở trên, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu mặc dù đã thăng hạng trong giai đoạn 2014-2017.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có trình độ cũng là một điều kiện để tăng khả năng tiếp nhận công nghệ từ FDI và tiếp thu kỹ năng của Việt Nam vẫn còn thiếu hụt, trong khi các nước một mặt tích cực đào tạo nguồn nhân lực, mặt khác cạnh tranh để thu hút nhân tài và giữ nhân tài. Đây là những vấn đề lớn của nền kinh tế, đòi hỏi phải có tầm nhìn và chính sách của Nhà nước, không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của bản thân doanh nghiệp.
Qua đánh giá thực trạng có thể kết luận Việt Nam đã khá thành công trong thu hút FDI và khẳng định FDI có tác động lan tỏa năng suất đến khu vực doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên mức độ tác động lan tỏa vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của định hướng thu hút FDI có chọn lọc và hiệu quả.
Chính sách thu hút FDI hiện chưa làm tốt vai trò tạo liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Do đó tới đây cần tập trung tăng năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, để tạo điều kiện và cơ hội cho khu vực trong nước nhận được tác động lan tỏa từ FDI.
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh. Ảnh: MPI
Điều này đòi hỏi có sự điều chỉnh chính sách FDI theo hướng kết nối hơn với khu vực trong nước, lấy sự liên kết sản xuất và lan tỏa FDI làm những chỉ tiêu đánh giá hiệu lực và hiệu quả của chính sách. Thu hút FDI cuối cùng là cần hướng đến làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước để khu vực này có thể kết nối được với khu vực FDI, qua đó tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó hình thành một số cụm ngành để khai thác tác động lan tỏa của FDI ở một số ngành có dung lượng thị trường lớn, ví dụ các ngành điện tử, chế biến thực phẩm, may mặc, da giày v.v. nhất là ngành đã có sự hiển diện của các doanh nghiệp FDI đầu đàn (như SamSung, Canon v.v), từ đó phát triển doanh nghiệp sản xuất đầu vào trung gian (công nghiệp hỗ trợ), khuyến khích hoặc ra điều kiện về liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI trong những ngành này cho doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên các nhà đầu tư chủ động có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp trong nước tiềm năng để mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI và có bước chuẩn bị trước để đón nhận chủ động.
Một số doanh nghiệp FDI qui mô lớn, hoạt động trên phạm vi toàn cầu như Samsung Việt Nam bước đầu đã có chương trình bồi dưỡng doanh nghiệp phụ trợ trong nước để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp này có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của SamSung. Ở đây cần có sự vào cuộc của nhà nước nhằm tạo sự liên kết giữa nhà nước Trung ương và địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để cùng doanh nghiệp nhân rộng mô hình này.
Từ thực tiễn nêu trên, cần rà soát, tái cấu trúc các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới cách thức hỗ trợ theo hướng chọn lọc và tập trung hơn nhằm tăng qui mô của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh và tạo dựng liên kết sản xuất với khu vực FDI, tập trung vào năng lực công nghệ, đào tạo nhân lực, năng lực thực thi hợp đồng và năng lực quản lý sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI đầu đàn.
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.