Tài chính

Tài chính tuần qua: KBC lập nhiều công ty con, CenLand muốn vay thêm 1/3 tài sản

(VNF) - KBC liên tiếp thành lập doanh nghiệp dự án; CenLand muốn vay gần 1.300 tỷ đồng; cổ đông Nhật Bản mua vào 25 triệu cổ phiếu PLX; GTNfoods lên kế hoạch sáp nhập ngược vào Vilico... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

Tài chính tuần qua: KBC lập nhiều công ty con, CenLand muốn vay thêm 1/3 tài sản

Tài chính tuần qua: KBC lập nhiều công ty con, CenLand muốn vay thêm 1/3 tài sản

KBC thành lập loạt doanh nghiệp dự án

HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) vừa thông qua chủ trương hợp tác với Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng và Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn.

Theo đó, KBC sẽ hợp tác với 2 đơn vị này để góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Long An với mức vốn điều lệ dự kiến là 1.500 tỷ đồng, nhằm mục đích đầu tư dự án lớn tại Long An. Trong đó, KBC sẽ góp 540 tỷ đồng, tương đương 36% vốn điều lệ của đăng ký của công ty.

Công ty Đầu tư Phát triển Long An đặt trụ sở chính tại khu công nghiệp Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Chủ tịch HĐQT của KBC, ông Đặng Thành Tâm là người đại diện cho phần góp của tổng công ty tại đơn vị trên.

Tương tự, KBC cũng bắt tay với Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, HoSE: SGT) và Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn để góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vũng Tàu.

Dự kiến, Tập đoàn Đầu tư Vũng Tàu có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trụ sở chính ở LK 28 đường Hàng Điều 1, phường 10, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trước đó vào đầu tháng 2, phía KBC cũng thông qua nghị quyết về việc thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên, nhằm mục đích đầu tư quần thể công nghiệp – đô thị lớn tại Hưng Yên.

Vốn điều lệ ban đầu của đơn vị này là 1.800 tỷ đồng, trong đó KBC dự kiến góp 1.080 tỷ đồng, tương đương 60% vốn; Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng góp 180 tỷ đồng, tương đương 10% vốn.(Xem thêm)

CenLand vay gần 1/3 tài sản, đầu tư dự án Louis City Hoàng Mai

Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, HoSE: CRE) vừa thông qua phương án vay tối đa 1.272 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Thái Hà.

Theo đó, mục đích vay để đầu tư nhận chuyển nhượng một phần sản phẩm bất động sản (dự kiến số lượng và loại sản phẩm gồm 65 lô biệt thự và 12 lô liền kề) tại dự án đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (Louis City Hoàng Mai) tại các phường Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt, Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội do Đầu tư và Phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

Thời hạn vay lần này sẽ theo dòng tiền thực tế của dự án. Lãi suất vay theo thông báo của ngân hàng từng thời kỳ và được công ty chấp nhận.

Đồng thời, CenLand thông qua phương án cầm cố, thế chấp một phần dự án trên cho khoản vay từ BIDV, ngoài ra thế chấp bổ sung tài sản đảm bảo khác (nếu có) của công ty hoặc bên thứ ba để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho khoản vay.

Tính tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của CenLand đạt gần 3.900 tỷ đồng. Như vậy khoản vay nêu trên xấp xỉ 1/3 tài sản của doanh nghiệp.(Xem thêm)

Cổ đông Nhật Bản muốn mua 25 triệu cổ phiếu của Petrolimex, dự chi 1.400 tỷ

Ngay sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) chốt thời gian bán 25 triệu cổ phiếu quỹ, Tập đoàn ENEOS Corporation (Nhật Bản) liền có động thái đăng ký mua vào với số lượng tương tự.

Theo đó, Petrolimex mới đây đã chốt thời gian bán ra 25 triệu cổ phiếu quỹ dự kiến từ ngày 1/3/2021 – 30/3/2021. Cũng trong thời gian tương tự, cổ đông ngoại của Petrolimex đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu PLX theo phương thức khớp lệnh qua sàn.

Nếu giao dịch thành công, ENEOS Corporation sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Petrolimex lên 2,94%, tương đương nắm giữ 38 triệu cổ phiếu PLX. Tạm tính theo thị giá của PLX trên thị trường, ước tính ENEOS sẽ phải rút hầu bao khoảng 1.400 tỷ đồng để gia tăng sở hữu tại Petrolimex.

Trước đó, trong giai đoạn tháng 8-9/2020, cổ đông Nhật Bản này cũng từng mua vào 13 triệu cổ phiếu PLX cùng lúc Petrolimex “xả” số lượng cổ phiếu quỹ tương tự.(Xem thêm)

GTNfoods muốn hủy niêm yết, dọn đường sáp nhập vào Vilico

HĐQT Công ty Cổ phần GTNfoods (HoSE: GTN) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên, trong đó nổi bật là kế hoạch sáp nhập vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, UPCoM: VLC) và chấm dứt sự tồn tại.

Toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của GTNfoods sẽ được chuyển giao toàn bộ, nguyên trạng cho Vilico.

Cụ thể, Vilico dự kiến phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi lấy toàn bộ 250 triệu cổ phiếu GTNfoods. Khối lượng và tỷ lệ phát hành cụ thể chưa được thông báo. Thời gian thực hiện trong 90 ngày kể từ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận đăng ký chào bán.

Vilico đang có vốn điều lệ 631 tỷ đồng và rất đặc biệt khi GTNfoods lại chính là công ty mẹ sở hữu hơn 47 triệu cổ phiếu VLC, tỷ lệ 74,49% vốn.

Thời điểm dự kiến mà các hoạt động kinh doanh của GTNfoods bắt đầu được hạch toán tại sổ kế toán của Vilico là khoảng tháng 7 - 8 năm nay.

Để dọn đường cho thương vụ sáp nhập Vilico, GTNfoods dự kiến hủy niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và ủy quyền HĐQT thực hiện các nội dung cần thiết.(Xem thêm)

Từ khoá: KBC, CenLand, GTNfoods, Petrolimex,
Tin mới lên