Tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng: Bước ngoặt sau một thập kỷ chờ đợi
(VNF) - Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã có bước tiến quan trọng sau khi các “ông lớn” chính thức nhận chuyển giao bắt buộc.
Tăng tốc sau gần 10 năm ì ạch
Việc xử lý các ngân hàng yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt đã được đề ra từ lâu nhưng tiến hành rất chậm, kéo dài từ 2015 đến gần đây vẫn chưa có bước tiến quyết định.
Hiện có 3 tổ chức tín dụng thuộc nhóm "0 đồng" là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank). Tới tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đông Á (DongABank). Đến cuối năm 2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trong nhiều năm qua, để xử lý các ngân hàng yếu kém, hàng loạt biện pháp từng được NHNN đề xuất như tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... Nhưng lộ trình 10 năm qua chưa đạt được nhiều kết quả đột phá.
Trong khi đó, theo Thống đốc NHNN, quá trình tái cơ cấu có những khó khăn, vướng mắc khiến lộ trình kéo dài hơn dự kiến. Đầu tiền là việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc khó khăn vì phụ thuộc lớn vào sự tự nguyện tham gia của các ngân hàng và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận.
Ngay cả khi các phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, lộ trình xử lý các ngân hàng yếu này cũng phải kéo dài 8 -10 năm. Sau khi tái cơ cấu thành công, các ngân hàng yếu kém này có thể được ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sáp nhập vào để tăng quy mô hoặc bán đi như một khoản đầu tư hoặc cũng có thể lựa chọn phương án IPO thành một ngân hàng thương mại cổ phần độc lập.
Cùng với đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý ngân hàng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongABank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Từ 2016 - 2019, các ngân hàng 0 đồng đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác, tổ chức nước ngoài. Có đối tác từng cử nhân sự sang “cắm rễ” tại một ngân hàng để kiểm toán và tiến đến mua đứt nhưng rồi vẫn phải nói lời chia tay vì cơ chế xử lý có quá nhiều vướng mắc.
Sau đó, kỳ vọng xử lý ngân hàng yếu kém đã chuyển sang các nhà băng nội. Đến 2022, MB, Vietcombank, VPBank, HDBank lần lượt công bố dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng yếu kém. Tới tháng 11/2023, Chính phủ đề ra mục tiêu trong năm 2023 phải thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng và dự án yếu kém. Ngân hàng Nhà nước cũng xác định, nhiệm vụ lớn của 2024 là triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém.
Trong báo cáo của Chính phủ gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa qua, có nêu hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém này đã được chuẩn bị. Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng được mua bắt buộc. Dự kiến việc định giá và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án trong tháng 5 và sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chuyển giao bắt buộc của 3 ngân hàng 0 đồng là CBBank, OceanBank và GPBank. Bước tiếp theo là Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng 0 đồng và tiếp tục kiểm soát đặc biệt đối với SCB và Ngân hàng Đông Á.
Trên thực tế, việc nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém được các nhà băng lên kế hoạch triển khai và dự kiến hoàn tất trong năm nay. Dự kiến MB sẽ nhận chuyển giao OceanBank, Vietcombank nhận chuyển giao CB, HDBank nhận chuyển giao DongABank, còn VPBank sẽ nhận chuyển giao GPBank.
Phương án chuyển giao thế nào?
Tại ĐHĐCĐ thường niên của các ngân hàng năm 2024, nhận chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém tiếp tục là đề tài "nóng" được bàn luận. Điều cổ đông các ngân hàng quan tâm là ngân hàng nhận chuyển giao sẽ có được lợi ích gì và tiến độ nhận chuyển giao bắt buộc ra sao.
Thực tế cho thấy việc nhận chuyển giao bắt buộc mang lại không ít quyền lợi cho bên nhận, theo quy định tại Luật Các TCTD. Trong trường hợp ngân hàng được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, ngân hàng tiếp nhận có quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng. Đơn vị này cũng có quyền bán hoặc phát hành cổ phần của TCTD nhận chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài theo phương án đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, với số lỗ khủng cùng sự phức tạp về xử lý nợ xấu, hệ thống, mô hình quản trị, nhân sự, công nghệ… cổ đông nhiều ngân hàng lo ngại, nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng là nhận về “khúc xương khó nhằn”, có thể kéo lùi tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng.
Giải đáp câu hỏi của cổ đông, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết nếu xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết ngân hàng không thiết tha với việc tham gia hỗ trợ các ngân hàng yếu kém, bởi các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ luỹ kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ. Vì vậy, không phải ngân hàng nào cũng có đủ năng lực tài chính, năng lực quản trị để có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng. VPBank tham gia vì đây là sự đóng góp cần thiết và vì những mục tiêu khác. Trong đó, việc tăng trưởng tín dụng ở quy mô cao hơn và khả năng được mở "room ngoại" trên 30% là lợi ích mà VPBank hướng tới.
Ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank, chia sẻ với cổ đông, lợi ích khi nhận chuyển giao là ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định. Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, việc tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém là cơ hội để HDBank phát triển mạng lưới, nghiệp vụ… Với MB, ban lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng việc tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém không chỉ giúp tăng trưởng tín dụng mà còn nâng cao năng lực quản trị. Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB, cho biết MB đã sẵn sàng và kỳ vọng chương trình này có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc năm 2025. Khi đó, MB sẽ có không gian để phát triển trong 5 năm tới. Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng mục tiêu vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, MB có thể lựa chọn sáp nhập hoặc thoái vốn khỏi ngân hàng này.
Điều khiến các chuyên gia lưu tâm là cách thức chuyển giao, tái cơ cấu. Trong đó, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là rất quan trọng, vì tính phức tạp của việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Cơ quan quản lý phải xử lý để bảo đảm sự an toàn của hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền. Nếu xử lý không khéo thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền.
Một vấn đề nữa là không thể để ngân hàng tiếp nhận phải chịu hết các gánh nặng, dù sẽ có một số lợi ích về mở rộng thị phần, cổ đông, có quyền bán, chuyển nhượng, kể cả khả năng chuyển nhượng cho nước ngoài hay “room” tín dụng.
TS Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học ngân hàng TP. HCM, nhìn nhận yếu tố chính thu hút các ngân hàng nhận chuyển giao chính là tài sản có khả năng sinh lời của ngân hàng bị chuyển giao. Do đó, cần phải định giá được ngân hàng bị nhận chuyển giao, với tiêu chí làm hài lòng cả bên mua và bên bán.
Ba ngân hàng 0 đồng đã được định giá, chuyển giao trong năm 2024
Ngân hàng '0 đồng': Kỳ vọng gì khi nhận quyết định chuyển giao bắt buộc?
Hồi sinh 'ngân hàng 0 đồng'
- Can thiệp 'cứu' SCB: Cho vay tiền, lên lộ trình tái cơ cấu từng bước 19/04/2024 03:02
- NCB tăng vốn điều lệ gấp đôi, tái cơ cấu toàn diện trong năm 2024 13/04/2024 06:23
- Thông tin mới về tái cơ cấu Ngân hàng SCB 19/02/2024 08:05
Toàn cảnh biệt thự trên bán đảo Sơn Trà bị Đà Nẵng thu hồi
(VNF) - Khu biệt thự được bảo phủ một màu xanh của các tán lá cây rừng. Do đó, Khu biệt thự rất khó nhìn thấy ở trên cao.