Tâm thế mới với cổ phiếu Sacombank
(VNF) - Việc Sacombank “sang trang mới” là tin tốt với ngân hàng này, nhưng với cổ phiếu của Sacombank thì không hẳn như vậy. Cổ phiếu thường tạo đáy trong thời kỳ “tranh tối tranh sáng”, còn khi đã “sáng rõ” rồi thì điểm mua tốt nhất đã qua đi từ lâu.
Sao Thái Bạch
Năm 2017, không lâu sau khi ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB), ông Dương Công Minh cùng các thành viên HĐQT ngân hàng này đã đưa ra đề xuất lạ, đó là đổi tên mã chứng khoán STB thành SCM, bởi “về mặt phong thuỷ, người ta nói STB có nghĩa là “Sao Thái Bạch” là sao rất xấu, gắn với câu “Thái Bạch quét sạch cửa nhà”.
Mặc dù sau đó đề xuất này đã "rơi vào quên lãng" nhưng nhìn lại cả cuộc hành trình tái cơ cấu Sacombank, vận đen không khỏi đeo bám ngân hàng này nói chung và ông Dương Công Minh nói riêng khi trong 3 năm trở lại đây, liên tục chịu “tai bay vạ gió” khi vô tình chịu ảnh hưởng từ việc bắt ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) và bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Gần đây nhất là vụ trang facebook cá nhân mang tên “Thang Dang” đăng tin vào đầu tháng 4/2024 về việc ông Dương Công Minh bị cấm xuất cảnh vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan và một số thông tin khác. Sacombank sau đó đã khẳng định thông tin nêu trên hoàn toàn bịa đặt và vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank, ông Dương Công Minh hoàn toàn không bị cấm xuất cảnh; và tiếp đó lãnh đạo Bộ Công an cũng đã xác nhận rằng ông Minh không bị cấm xuất cảnh.
Tuy nhiên, trong ngày 2/4, cổ phiếu STB của Sacombank có lúc giảm rất sâu, sau đó có hồi phục nhưng chốt phiên vẫn mất tới 3,8% thị giá. Điều đáng chú ý là khối lượng khớp lệnh trong phiên tăng đột biến, lên tới 105 triệu đơn vị, tương đương hơn 5% vốn của Sacombank. Tính đến nay, cổ phiếu STB vẫn hồi phục yếu hơn VN-Index khi chốt phiên 21/5 vẫn thấp hơn khoảng 9% so với giá chốt phiên 2/4, trong khi VN-Index chỉ còn thấp hơn chưa tới 1%.
Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 26/4 vừa qua, ông Dương Công Minh tái khẳng định: “Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan và các vụ việc của bà Trương Mỹ Lan. Vụ việc của bà Lan đã có kết luận điều tra, có cáo trạng truy tố. Tòa án đã xử. Tôi không có liên quan một câu, một chữ, một dấu chấm, dấu phẩy nào trong đó cả”.
Trước đó, việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vào ngày 29/3/2022 cũng khiến Sacombank phải “gồng mình” ứng phó với dư luận. Nhà đầu tư đặt câu hỏi rằng Sacombank đã cho Tập đoàn FLC và Bamboo Airways vay bao nhiêu và việc bắt ông Trịnh Văn Quyết ảnh hưởng như thế nào đến các khoản nợ này.
Thông tin sau đó được biết, Sacombank cho 2 doanh nghiệp liên quan ông Trịnh Văn Quyết vay tới 5.000 tỷ đồng và cho tới tháng 4/2024, dư nợ của Bamboo Airways tại Sacombank vẫn còn trên 3.500 tỷ đồng. Chính việc ông Dương Công Minh “nhảy vào” Bamboo Airways với vai trò cố vấn, theo lời ông Dương Công Minh là để đảm bảo khoản vay không bị mất vốn, chính là nguồn cơn khiến trang facebook “Thang Dang” của ông Đặng Tất Thắng - nguyên Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways đăng tải các thông tin như đã đề cập ở trên.
Có lẽ khi nhận “ghế nóng” tại Sacombank từ năm 2017, sau khi cựu phó chủ tịch kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng của ngân hàng này là ông Trầm Bê bị bắt, ông Dương Công Minh không thể ngờ được trong chặng cuối của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng vốn đã rất vất vả, lại vướng phải mớ bòng bòng lớn đến như vậy.
Trạng thái “bình thường mới” của Sacombank
Vận đen là một khía cạnh, nhưng ở khía cạnh khác quan trọng hơn, ông Dương Công Minh nhìn chung đã làm chủ được tiến trình tái cơ cấu Sacombank và về cơ bản, đã đưa ngân hàng này trở về trạng thái “bình thường mới”. Điều này được thể hiện ở hầu hết các chỉ tiêu tài chính, từ kết quả kinh doanh mảng tín dụng đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận sau thuế hay lãi dự thu.
Đầu tiên phải kể đến kết quả kinh doanh mảng tín dụng - lĩnh vực cốt lõi của ngân hàng. Thống kê của VietnamFinance trong giai đoạn quý I/2014 - quý I/2024 cho thấy thu nhập lãi thuần (có thể coi như doanh thu thuần của mảng tín dụng) của Sacombank đã “hồi sinh” từ quý III/2022. Theo đó, thu nhập lãi thuần của Sacombank giai đoạn quý III/2022 - quý I/2024 dao động trong khoảng 4.800 - 6.100 tỷ đồng, trong khi ở giai đoạn trước đó dao động trong khoảng 900 - 3.400 tỷ đồng. Có thể thấy, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đã tạo một mặt bằng cao mới.
Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank cũng đã tạo một mặt bằng thấp mới kể từ quý I/2023. Cụ thể, chi phí này duy trì ở mức rất cao trong quý II/2022, quý III/2022 và quý IV/2022, lần lượt ở mức 2.204 tỷ đồng, 2.425 tỷ đồng và 3.288 tỷ đồng. Tuy nhiên tới quý I/2023, chi phí dự phòng sụt sâu xuống chỉ còn 1.002 tỷ đồng. Trong 3 quý gần nhất (quý III/2023, quý IV/2023 và quý I/2024), chi phí dự phòng còn chưa đến 1.000 tỷ đồng/quý.
Thu nhập lãi thuần tạo mặt bằng cao mới, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tạo mặt bằng thấp mới, hệ quả tất yếu là lợi nhuận sau thuế của Sacombank cũng tạo một mặt bằng cao mới. Thống kê cho thấy từ quý IV/2022 đến quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này dao động trong khoảng 1.600 tỷ đồng - 2.300 tỷ đồng, trong khi giai đoạn trước đó cao nhất cũng chưa đến 1.300 tỷ đồng/quý, thậm chí đa số chưa tới nghìn tỷ.
Một chỉ tiêu hết sức quan trọng khi xem xét quá trình tái cơ cấu Sacombank là lãi dự thu (thể hiện qua chỉ tiêu “Các khoản lãi, phí phải thu” trong báo cáo tài chính ngân hàng). Đây là khoản lãi mà ngân hàng đã ghi nhận vào kết quả kinh doanh nhưng chưa thu được; và với các ngân hàng gặp vấn đề như Sacombank, một lượng lớn trong số lãi này là không thu được, khi đó ngân hàng sẽ phải thoái lãi dự thu và khiến cho kỳ kinh doanh đó phải ghi giảm lợi nhuận.
Khi nhận ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh phải đối mặt với lượng lãi dự thu rất lớn. Số liệu cuối năm 2017 cho thấy lãi dự thu của ngân hàng này lên đến trên 24.700 tỷ đồng. Qua từng năm, số lãi dự thu này liên tục suy giảm, xuống khoảng 23.100 tỷ đồng vào cuối năm 2018, khoảng 19.500 tỷ đồng vào cuối năm 2019, 17.500 tỷ đồng vào cuối năm 2020, tiếp tục rơi xuống khoảng 9.900 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Sang đến năm 2022, mức lãi dự thu chỉ còn chưa tới 5.100 tỷ đồng, thấp hơn cả thời điểm cuối năm 2014 - thời điểm trước khi Sacombank sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) của ông Trầm Bê vào năm 2015.
Tóm lại, mặc dù chưa chính thức được công nhận là hoàn thành đề án tái cơ cấu Sacombank nhưng xét về mặt tài chính, hành trình này đã tới hồi kết, mở ra chặng đường phát triển mới cho ngân hàng từng “vang bóng một thời” này.
Tâm thế mới với cổ phiếu STB
Việc Sacombank “sang trang mới” là tin tốt với ngân hàng này, nhưng với giá cổ phiếu thì không hẳn như vậy. Cổ phiếu thường tạo đáy trong thời kỳ “tranh tối tranh sáng”, còn khi đã “sáng rõ” rồi thì điểm mua tốt nhất đã qua đi từ lâu.
Từ năm 2017 cho tới năm 2020, giá cổ phiếu STB dao động với biên độ khá rộng nhưng nhìn chung vẫn ở quanh mức giá khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu. Sang tới năm 2021, trước khi kết quả tài chính của Sacombank tỏ rõ sự phục hồi, cộng với “đại sóng” của cả thị trường chứng khoán, đã đưa giá cổ phiếu STB tăng gấp đôi chỉ trong hơn một năm; và tạo một mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2021 - 2023 ước chừng gấp đôi mặt bằng giá giai đoạn 2017 - 2020.
Kể từ đầu năm 2024 tới ngày 21/5, giá cổ phiếu STB chỉ tăng 1,3% trong khi chỉ số VN-Index tăng tới 13%. Còn nếu so với cổ phiếu ngân hàng khác, STB còn tỏ ra “yếu đuối” hơn nhiều, điển hình như trong cùng khoảng thời gian, thị giá CTG tăng tới 24%, MBB tăng 27%, TCB tăng 53%, ACB tăng 18%.
Về định giá, xét theo cả hệ số P/E và hệ số P/B, hiện nay STB đều ở xấp xỉ mức trung bình ngành ngân hàng.
Xâu chuỗi diễn biến giá cổ phiếu STB từ đầu năm 2024 tới nay, cộng với định giá ở mức trung bình ngành, trong bối cảnh Sacombank đã bước sang trạng thái “bình thường mới”, có thể thấy nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu STB cần thiết lập một tâm thế mới, bỏ qua tâm thế cũ vốn “neo” vào câu chuyện phục hồi của Sacombank trong thời gian tái cơ cấu.
Những câu chuyện dẫn dắt giá cổ phiếu STB hiện nay có thể kể đến: (1) sóng ngành ngân hàng, (2) thương vụ bán 32,5% vốn tại VAMC và (3) triển vọng chia cổ tức khi thoát khỏi đề án tái cơ cấu. Kinh nghiệm cho thấy ở thời kỳ mà các câu chuyện “sáng rõ” như vậy, triển vọng giá cổ phiếu tăng mạnh là có nhưng trong khá nhiều trường hợp, giá cổ phiếu biến động khó lường, thường nằm ngoài dự tính thông thường của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư chọn sai thời điểm đầu tư (timing).
Sacombank bác bỏ thông tin ông Dương Công Minh bị cấm xuất cảnh từ Facebook 'THANG DANG'
- Chứng khoán vượt qua nỗi sợ tháng 5, VN Index hướng lên 1.400 điểm? 22/05/2024 10:00
- Nợ chất cao, lãi nhỏ nhoi, Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện 21/05/2024 11:00
- Khởi động lại kế hoạch thoái vốn tại FPT, SCIC gặp rào cản 'room ngoại' 20/05/2024 01:58
Toàn cảnh khu vực sẽ xây Ga đường sắt Đà Nẵng mới
(VNF) - Theo kế hoạch, ga hàng hóa và công trình phụ trợ được di dời ra khu vực ga Kim Liên, ga hành khách dời về khu vực hồ Trung Nghĩa.