Tập đoàn Mitani Sangyo muốn mở rộng hợp tác tại Thừa Thiên Huế

Hoàng Hiệp - Văn Tuân - 05/07/2022 07:13 (GMT+7)

(VNF) - Mitani Sangyo là tập đoàn thương mại – kỹ thuật của Nhật Bản dự định mở rộng hợp tác đầu tư tại Thừa Thiên Huế với các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và thiết kế phần mềm xây dựng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với Tập đoàn Mitani Sangyo (Ảnh: Thuathienhue.gov)

Mới đây, Tập đoàn Mitani Sangyo do ông Miura Shuhei, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng phòng xúc tiến đầu tư tại Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về hợp tác, đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mitani Sangyo là tập đoàn thương mại – kỹ thuật của Nhật Bản đã có lịch sử hơn 90 năm thành lập. Hiện tập đoàn này có 20 công ty thành viên tại Nhật Bản và 7 công ty thành viên đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số 4.800 nhân viên.

Tại Việt Nam, Tập đoàn còn có tên gọi là Aureole, hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất và kinh doanh hóa chất, thực phẩm chức năng, sản xuất linh kiện ô tô, công nghệ thông tin, phát triển phần mềm xây dựng, quản trị nhân sự, nghiệp vụ,... với trên 4.000 nhân sự.

Chi nhánh Công ty công nghệ thông tin Aureole (AIT) hoạt động tại Huế từ ngày 8/1/2020, hiện đang có 31 nhân sự. Các phần mềm của AIT sử dụng nhiều công nghệ về trí tuệ nhân tạo nên thích hợp cả với người dùng không thành thạo công nghệ thông tin.

Ông Miura Shuhei, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng phòng xúc tiến đầu tư tại Việt Nam của Tập đoàn Mitani Sangyo, kiêm Tổng Giám đốc công ty ACSD cho biết, hiện tại Tập đoàn Mitani Sangyo chuyên về lập trình, dự toán tổng thể cho các công trình xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng. Đồng thời, Tập đoàn cũng mong muốn tỉnh Thừa Thiên Huế tạo điều kiện hỗ trợ giúp phía Tập đoàn có thể tìm được đối tác liên kết, hợp tác trên địa bàn tỉnh để phát triển đào tạo nguồn nhân lực về CNTT, thiết kế phần mềm xây dựng.

"Chúng tôi đang có ý định phát triển thêm các công ty về thiết kế phần mềm quản lý chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Thừa Thiên Huế", ông Miura Shuhei thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, tỉnh đã thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Với việc thành lập các tổ công tác, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án, là cầu nối hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục liên quan nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế.

"Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, tỉnh luôn quan tâm đến lĩnh vực phát triển CNTT, thực hiện chuyển đổi số, công nghệ số và đang có những ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hoàn thiện các hạng mục của dự án xây dựng chính quyền điện tử, song song với chuyển đổi số, ứng dụng CNTT. Do vậy tỉnh mong muốn Tập đoàn Mitani Sangyo tiếp tục quan tâm, nghiên cứu đầu tư các lĩnh vực tại Thừa Thiên Huế", ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.