(VNF) - Chỉ sau 4 năm, làn sóng công nghệ 4.0 đã đem đến những cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là dịch vụ taxi. Trong công cuộc “số hoá” đó, Grab tỏ rõ sức mạnh vượt trội so với các đối thủ taxi công nghệ lẫn taxi truyền thống.
Gay cấn cuộc đua taxi công nghệ
Để cạnh tranh với Grab, trong thời gian qua, nhiều hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi khi tung ra hàng loạt app gọi xe riêng ví dụ như Taxi Group, Mai Linh, Thế Kỷ Mới, Sao Thủ Đô, Vinasun, Taxi Thành Công…
Tò mò dùng thử các app này, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy độ tiện dụng khá thuận lợi, linh hoạt. Chỉ sau 1 phút là có thể đặt được xe, 5 phút sau xe tới. Về thái độ phục vụ cũng khá nhiệt tình, chu đáo.
Tuy nhiên, vấn đề bất cập lớn nhất của các app này đó là do Luật quy định chặt chẽ về giá cước, nên không linh hoạt giá và khuyến mại như Uber, Grab. Còn về chất lượng và tính năng thì không thua kém gì nhau.
Theo một tìm hiểu khác của VietnamFinance, sự thất bại của các app của một số hãng taxi truyền thống lập ra không phải do công nghệ kém, mà chủ yếu là ở khâu chưa có sự quảng bá rộng rãi với người sử dụng.
Nhiều khách hàng khi được hỏi đã tỏ ra rất bất ngờ khi biết đến các app của các hãng taxi truyền thống. Đa phần đều mặc định gọi taxi truyền thống phải điện thoại qua tổng đài.
Tại Google Play, app của taxi Thế Kỷ Mới chỉ có khoảng 500 lượt tải, còn của taxi Thành Công và Mai Linh là khoảng 5.000 lượt, app của Taxi Group có 10.000 lượt… Điều này cho thấy rất ít người biết đến các app của taxi truyền thống.
Trái ngược với các hãng taxi truyền thống, Grab taxi liên tục quảng bá hình ảnh với hàng loạt các ứng dụng liên quan. Đa phần cứ nói đến đặt xe qua điện thoại là nhắc đến Grab dù rằng trong 3 năm qua, có hàng chục ứng dụng đặt xe khác như: T.net, VATO, ABER, GoViet… Rõ ràng, dù Grab không độc quyền trong lĩnh vực này nhưng lại đang có sức mạnh độc tôn.
Cuộc “bể dâu” của taxi truyền thống
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đó, các hãng taxi truyền thống bắt buộc phải có những hướng đi riêng. Nếu chỉ thành lập app kiểu đơn lẻ mà từng hãng đang sử dụng như hiện nay, thất bại là chắc chắn.
Thời gian qua đã chứng minh hàng loạt cuộc “bể dâu” khi tháng 7/2017, taxi Vinasun đã phải sa thải 8.000 nhân viên. Cũng trong năm 2017, thị trường còn chứng kiến cuộc “đại phẫu” tại taxi Mai Linh khi công ty buộc phải cắt giảm tới 6.000 nhân viên. Còn hàng chục các hãng taxi nhỏ lẻ khác rơi vào cảnh chết yểu hoặc buộc phải sáp nhập.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi), doanh nghiệp này đã chia sẻ kế hoạch sáp nhập Vinataxi với Savico Taxi. Tuy nhiên, thương vụ đến giờ vẫn chưa có hồi kết.
Mới đây nhất, dư luận cả nước tiếp tục xôn xao trước thông tin 3 hãng taxi là Thành Công, Sao Hà Nội và Ba Sao sẽ hợp nhất với thương hiệu Taxi G7 từ tháng 10/2018. Dự báo, đây sẽ là liên minh lớn nhất của Thủ đô với hơn 3.000 xe, nhiều gấp 2 lần đơn vị taxi đứng thứ 2 và gấp 3 lần đơn vị đứng thứ 3.
Như vậy, có thể nhận thấy thị trường taxi truyền thống đang có những chuyển động khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự chuyển động này có mang lại thành công cho các đơn vị hay không vẫn phải đợi thời gian trả lời.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.