Tay ngang sang địa ốc, những ‘ông lớn’ tích cực đi săn đất
Lệ Chi -
09/03/2024 14:15 (GMT+7)
(VNF) - Bên cạnh những doanh nghiệp địa ốc thành lập mới, thị trường bất động sản cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp tay ngang như Hoa Sen, Hòa Phát, “Vua tôm” Minh Phú... đang đổ bộ vào lĩnh vực này chuẩn bị cho một chu kỳ mới của thị trường.
Loạt “ông lớn” lấn sân bất động sản
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2024, có 552 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 843 doanh nghiệp, bằng 138,7% so với cùng kỳ 2023.
Bên cạnh những doanh nghiệp thành lập mới, thị trường cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp tay ngang đổ bộ vào lĩnh vực này. Đơn cử, cuối năm 2023, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen Sài Gòn. Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, địa chỉ tại số 22 - 24 Nguyễn Cơ Thạch, khu đô thị Sala, TP. Thủ Đức, TP. HCM.
Sau khi thành lập, đơn vị này sẽ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 - 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen; cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng.
Ngoài Hoa Sen, “Vua tôm” Minh Phú cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang mảng bất động sản. Cuộc họp ĐHĐCĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) bất thường diễn ra vào cuối tháng 12/2023 đã bổ sung ngành nghề “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê” vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.
Trước thềm ĐHĐCĐ, Minh Phú đã công bố nghị quyết của HĐQT duyệt chủ trương dự án nhà ở xã hội ở xã An Khánh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo công bố, đây là dự án nhà ở xã hội được MPC đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 633 tỷ đồng, quy mô dân số 3.200 – 3.800 người.
Minh Phú cho biết mục tiêu đầu tư nhằm khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án nhà ở xã hội theo quy hoạch được phê duyệt; tạo thêm quỹ nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Đi trước 2 “ông lớn” nổi danh trên, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) trở lại “đường đua” bất động sản vào đầu năm 2023, song đã có những bước đi thần tốc trong công cuộc gom đất ở nhiều tỉnh thành. Có thể kể đến như: trúng thầu hai dự án đô thị ở Hưng Yên và Phú Thọ có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án hàng trăm hecta ở các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Đắk Nông.
Trong các dự án mà doanh nghiệp này đề xuất, đáng chú ý nhất là 3 dự án có tổng vốn 128.000 tỷ đồng tại Phú Yên gồm: Cảng Bãi Gốc (24.000 tỷ đồng); đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm (13.300 tỷ đồng); nhà máy thép Hòa Phát tại khu công nghiệp Hoà Tâm (86.000 tỷ đồng). Cả 3 dự án này vừa được tỉnh Phú Yên trong chứng nhận đầu tư ngày 3/3/2024 vừa qua.
Ngoài những doanh nghiệp đình đám trên, một công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải là Công ty Cổ phần TCO Holdings (HoSE: TCO), cũng lên kế hoạch lấn sân vào thị trường bất động sản. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 11/2023, TCO đã thông qua việc tái cấu trúc toàn diện, gồm việc đổi tên và chuyển hướng hoạt động. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển 3 lĩnh vực gồm: vận tải, logistics; nông nghiệp, thực phẩm và các ngành phụ trợ; đặc biệt là bất động sản và đầu tư.
Đối với lĩnh vực bất động sản và đầu tư, doanh nghiệp định hướng mở rộng sang phát triển bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp và thực hiện các thương vụ M&A có tiềm năng. Ngay sau đó, cuối năm 2023, TCO đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần TCO Real Estate có vốn điều lệ 98,72 tỷ đồng chuyên kinh doanh bất động sản.
Hay như, Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC (HoSE: HVH) vào cuối tháng 11/2023, thông báo sẽ góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, HVH đóng góp 105 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng.
Tập đoàn Phenikaa thông qua Công ty Cổ phần Nam Hưng cuối năm 2023 cũng lấn sân địa ốc khi ra mắt dự án tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp Endless Skyline Westlake tại Tây Hồ, Hà Nội. Dự án này có 27 tầng nổi và 4 tầng hầm, diện tích 3.626m2 và cung cấp 356 căn hộ ra thị trường, trong đó, có 150 căn hộ thương mại, 56 căn hộ cho thuê và 150 phòng khách sạn, căn hộ du lịch tiêu chuẩn 5 sao.
Được biết, Phenikaa thâu tóm lại dự án Endless Skyline Westlake từ Công ty Song Kim vào năm 2020 khi thị trường bắt đầu rơi vào khó khăn bởi Covid-19.
Sân chơi mới, người chơi mới
Câu chuyện lấn sân vào lĩnh vực bất động sản không phải là mới, bởi khi lớn mạnh về một lĩnh vực nào đó hầu như các doanh nghiệp đều chuyển sang lĩnh vực này, song để đi được “đường dài” cũng không phải là điều dễ.
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay trong năm 2023, gần 1.300 doanh nghiệp bất động sản đã giải thể, tăng gần 8% so với năm trước. Ở một thống kê khác, Bộ Xây dựng chỉ ra trong năm 2023, gần 5.000 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với kịch bản như: phá sản, tạm dừng hoạt động, sa thải nhân viên, thu hẹp quy mô, cắt giảm lương, tái cấu trúc…
Thị trường cũng còn nhiều cuộc “ra đi” trong âm thầm khác mà không được công bố, theo nhận định từ giới chuyên gia, trong bối cảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Những trắc trở có thể còn kéo dài trong nửa đầu năm 2024, khi một bộ phận doanh nghiệp rơi vào thế kiệt quệ sau 2 năm bị bóp nghẹt, các giá trị tích lũy dần hư hao.
“Sẽ có một số chủ đầu tư rời bỏ thị trường sau giai đoạn sàng lọc khốc liệt, nhưng một số khác có tiềm lực sẽ vươn lên mạnh mẽ, định hướng sự phát triển của bất động sản trong giai đoạn tiếp theo”, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group, nhận định.
Trao đổi với VietnamFinance, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang phân tích, trong giai đoạn từ cuối năm 2022 tới nay, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn có đến 95% doanh nghiệp đều “khát tiền”, trong khi giá bất động sản giảm từ 10-50%. Do đó, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư cũng như tổ chức khác nhảy vào thâu tóm các dự án bất động sản. Đáng chú ý, những doanh nghiệp trái ngành có tiềm lực tài chính mạnh nhận thấy cơ hội tiềm năng lấn sân khá nhiều, khi nhiều dự án đã được sang tên đổi chủ.
"Đây là một sự đổi mới của thị trường bất động sản, tạo ra một sân chơi mới và đặc biệt là những người chơi mới. Như vậy, thị trường mới nhanh chóng phục hồi được”, ông Quang nhìn nhận.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.