Thảm họa 'vịnh thủy ngân' và bệnh lạ khủng khiếp nhất lịch sử Nhật Bản

Thanh Tú - 09/09/2019 13:46 (GMT+7)

(VNF) - Trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 1932-1966, nhà máy Chisso ở Nhật Bản đã xả thải khoảng 400 tấn thủy ngân ra Vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) khiến tôm, cá và nhiều sinh vật biển khác chết hàng loạt.

VNF
Nhật Bản đã chính thức công nhận bệnh Minamata, một căn bệnh thần kinh do nhiễm độc thủy ngân, vào năm 1956.

Sau sự việc này, Minamata trở thành tên gọi của một chứng bệnh gây rối loạn hệ thần kinh, phát sinh từ việc ăn cá và các loại sinh vật biển bị nhiễm độc bởi chất thải công nghiệp có chứa hợp chất của thủy ngân.

Cụ thể, năm 1932, nhà máy Chisso sản xuất hoạt chất acetaldehyde được dùng trong chế tạo chất dẻo nhựa. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ngành công nghiệp sản xuất hoạt chất acetaldehyde bùng nổ, nhờ đó kinh tế tại Minamata phát triển vượt bậc, tạo ra bước thay đổi lớn trong đời sống sinh hoạt của dân địa phương.

Ảnh chụp nhà máy Chisso.

Theo quy trình hoạt động của nhà máy, nước thải trong quá trình sản xuất đều đổ xuống biển. Tuy nhiên, họ lại không lường trước được việc kim loại nặng sẽ phản ứng hóa học và biến đổi thành metyl thủy ngân, biến vịnh Minamata thành “vịnh thủy ngân” theo đúng nghĩa đen.

Lượng sản xuất chất acetaldehyde từ năm 1932-1954 của Chisso tăng từ 209 lên tới 9.159 tấn, năm 1956 gấp 1,5 lần ở mức 15.919 tấn, và năm 1960 lên tới 45.244 tấn.

Thời điểm đó, công ty Chisso có 7 nhà máy hoạt động trong nước Nhật và 20 nhà máy hoạt động tại nước ngoài.

Trong suốt khoảng thời gian dài từ năm 1932-1966, nhà máy Chisso ở Nhật Bản đã xả thải khoảng 400 tấn thủy ngân ra Vịnh Minamata.

Bên cạnh đó, các thiết bị máy móc đều cũ, kinh phí sản xuất bị cắt giảm nên việc xử lý chất thải là hầu như ít được chú trọng. Theo nghiên cứu gần đây, lượng thủy ngân chưa được xử lý trong giai đoạn mà Chisso thải ra Vịnh Minamata lúc bấy giờ theo từng giai đoạn là 0,6-6 tấn. Và mức độ nguy hiểm vẫn được nghiên cứu cho đến nay.

Thủy ngân là chất có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn, khiến cho mọi loài sinh vật biển nhiễm độc. Không chỉ gây hại với sinh vật biển, thảm họa còn tác động mạnh tới người dân Minamata khi mà nguồn thức ăn chính của họ là các loại tôm, cá, sứa... được đánh bắt quanh vịnh Minamata. Thủy ngân từ thức ăn ngấm dần vào và hủy hoại cơ thể.

Lần đầu tiên căn bệnh này được phát hiện tại Minamata vào năm 1956, đến năm 1968, chính phủ Nhật bản đã chính thức tuyên bố, căn bệnh này do công ty Chisso gây ra vì đã làm ô nhiễm môi trường.

Một nạn nhân của bệnh Minamata.

Người bị nhiễm độc thủy ngân sẽ bị tổn thương hệ thần kinh, teo cơ, suy giảm thị lực, mất khả năng thính giác, nói khó khăn, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến chứng tê liệt, hôn mê, thậm chí tử vong.

Số liệu chính thức của Chính phủ Nhật ghi nhận có 2.265 người là nạn nhân của thảm họa Minamata. Trong đó, 1.784 người đã chết. Đến năm 2009, hơn 13.000 người nhiễm bệnh được công nhận.

Người bị nhiễm độc thủy ngân sẽ bị tổn thương hệ thần kinh, teo cơ

Bê bối xả thải của Chisso bị đưa ra dư luận một lần nữa khi nhiều trẻ em mới sinh trong thành phố Minamata bị dị tật chân, tay, trí não không phát triển, mù điếc bẩm sinh. Nguyên nhân được xác định là do người mẹ bị nhiễm độc thủy ngân.

Ngày 20/3/1973, tòa án thành phố Kumamoto đã công bố phán quyết về vụ 112 người và 28 gia đình kiện Nhà máy Chisso ở Minamata hồi tháng 6/1969. Phán quyết nêu Công ty Chisso phải chịu trách nhiệm bồi thường vì hành động bất cẩn đã dẫn đến bệnh Minamata; phán quyết cũng buộc Chisso phải bồi thường mỗi nguyên đơn 16 - 18 triệu yen (44.800 - 50.400 USD).

Nhiều trẻ em mới sinh trong thành phố Minamata bị dị tật chân, tay, trí não không phát triển.

Hai cựu lãnh đạo của Chisso, cựu chủ tịch của tập đoàn và người giám sát các hoạt động của nhà máy tại Minamata, cũng đã bị khởi tố hình sự vào năm 1979 với cáo buộc đã góp phần gây ra cái chết và sự tổn hại sức khỏe nghiêm trọng của nhiều người dân Minamata.

Cả hai người bị tuyên án hai năm tù giam và phán quyết nhận được sự đồng tình của cả Tòa án Tối cao Nhật Bản. Tòa án Nhật cũng buộc Công ty Chisso phải nhanh chóng cải cách mạnh mẽ hệ thống quản lý của mình.

Bà Shinobu Sakamoto (61 tuổi), người mắc bệnh Minamata bẩm sinh, và mẹ đến bệnh viện để khám bệnh (Ảnh chụp ngày 14/9/2017).

Không chỉ phía Chisso mà chính phủ Nhật Bản cũng bị Tòa án Tối cao yêu cầu phải bồi thường thiệt hại 71,5 triệu yên (khoảng 670 nghìn USD) cho các nạn nhân của thảm họa Minamata. Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật cũng cúi mình gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới các nạn nhân.

Cho đến nay, vẫn còn khoảng 10.000 nạn nhân khác nhận được khoản tiền bồi thường thiệt hại từ Chisso.

Ngày 16/8/2017, Công ước Minamata về thủy ngân, một thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn ô nhiễm thủy nhân gây tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường, đã có hiệu lực, mở đường cho việc kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, buôn bán xuyên biên giới, sử dụng và thải bỏ thủy ngân.

Xác định thủy ngân là "một hóa chất gây quan ngại toàn cầu" - với đặc tính lan truyền rộng trong không khí, tồn tại bền trong môi trường nhân sinh, khả năng tích tụ sinh học trong các hệ sinh thái và gây những tác động tiêu cực đáng kể đối với sức khỏe con người và môi trường - Công ước Minamata về thủy ngân ra đời nhằm giảm phát thải thủy ngân vào không khí, nguồn nước và đất, theo đó thiết lập những quy ước về lưu trữ và thải bỏ hóa chất này.

Công ước cũng đặt ra quy định về xuất khẩu thủy ngân và tiến tới đến năm 2020 cấm sản xuất cũng như xuất nhập khẩu các sản phẩm có chứa thủy ngân như nhiệt kế và pin.

Đến nay, 128 nước đã tham gia ký kết Công ước Minamata về thủy ngân, trong đó có Việt Nam.

Xem thêm >> Không phải Amalgam, Công ty Rạng Đông đã dùng thủy ngân lỏng để sản xuất bóng đèn!

Cùng chuyên mục
Tin khác