Thế chấp 2.254m2 đất, năng lực trả nợ của Danameco ra sao?

Phước Nguyên - 27/11/2023 11:13 (GMT+7)

(VNF) - Nợ phải trả của Danameco phình to lên đến 327 tỷ đồng, trong khi đó, vốn chủ sở hữu lẹt đẹt chỉ đạt 4 tỷ đồng do thua lỗ nặng.

VNF
Thế chấp 2.254m2 đất, năng lực trả nợ của Danameco ra sao?

Tổng công ty Y tế Danameco mới đây đã có giao dịch vay 81 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng (Vietinbank Đà Nẵng). Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 307, Tờ bản đồ số 7. Khu đất này có  địa chỉ tại Kiệt 464 Núi Thành, P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng với diện tích 2.254m2.

Thời hạn sử dụng khu đất này là 50 năm kể từ ngày 4/3/2011. Nguồn gốc sử dụng đất này là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Danameco và tài sản gắn liền với đất. 

Tuy nhiên, bức tranh tài chính của Danameco ghi nhận một sắc thái đầy u tối.

Theo báo cáo tài chính mới nhất của Danameco, doanh nghiệp này có doanh thu quý II/2023 đạt 69 tỷ đồng, giảm 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu suy giảm, lợi nhuận gộp chỉ ghi nhận ở mức 5 tỷ đồng.

Không chỉ gánh lãi vay (4 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (5 tỷ đồng), Danameco còn gồng lỗ cho hoạt động khác lên đến 6 tỷ đồng. Điều này khiến cho Danameco lỗ đến 14 tỷ đồng. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này đạt doanh thu 120 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2023 lỗ gần 40 tỷ đồng, con số này vẫn đỡ hơn năm 2022 khi lỗ đến 67 tỷ đồng.

Trước kết quả tình hình kinh doanh như hiện nay, Danameco đã ban hành kế hoạch 2023 đã được điều chỉnh với mục tiêu doanh thu đạt hơn 269 tỷ đồng, giảm 23% so với kế hoạch cũ và dự kiến lỗ trước thuế hơn 41 tỷ đồng, trong khi kế hoạch trước đó lãi 17 tỷ đồng.

Trong 3 năm gần nhất, lợi nhuận của doanh nghiệp này có xu hướng “tụt dốc”. Cụ thể, năm 2020 lãi 37 tỷ đồng, năm 2021 lãi 26 tỷ đồng và năm 2022 lỗ tới 100 tỷ đồng.

Lý giải kết quả thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023, Danameco cho biết trước đây, công ty đã đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch trong giai đoạn dịch bùng phát. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu thị trường đối với trang phục chống dịch không còn, nhưng công ty vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư mặc dù không được tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Danameco chuyển đổi sang khai thác thị trường xuất khẩu, nghiên cứu sản xuất các mặt hàng khác để tăng doanh thu, tuy nhiên có một số mặt hàng doanh nghiệp đang phải chấp nhận lỗ để thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Báo cáo tài chính của Danameco cho thấy, dòng tiền đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2020 (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát) âm 209 tỷ đồng, do chi tiền để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác được chi khá mạnh đạt 207 tỷ đồng, trong khi năm 2019 chỉ đạt 10 tỷ đồng.

Kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả của doanh nghiệp phình to lên đến 327 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu lẹt đẹt chỉ đạt 4 tỷ đồng (tức giảm mạnh đến 39 tỷ đồng so với hồi đầu năm) do thua lỗ nặng.

Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu theo đó lên tới 81,75 lần. Nợ vay/vốn chủ sở hữu lên đến 49,75 lần tính đến hết ngày 30/6/2023.

Theo tìm hiểu, Tổng công ty Y tế Danameco được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Công ty Thiết bị y tế TW3 Đà Nẵng). Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại số 12 Trịnh Công Sơn, P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 52,5 tỷ đồng và ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh thuốc, thiết bị và vật tư y tế. HĐQT của doanh nghiệp này gồm có: Chủ tịch HĐQT ông Võ Anh Đức, ông Lê Văn Nam và bà Huỳnh Thị Li Li.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

Hình dáng cầu vượt biển dài nhất miền Trung vươn mình qua cửa Thuận An

(VNF) - Cầu vượt qua cửa biển Thuận An đang dần được hoàn thành, trên vùng cửa biển mênh mông, cây cầu và tuyến đường nổi lên như 1 nét chấm phá tuyệt đẹp. Công trình cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Xin giới thiệu những hình ảnh mới nhất về cầu vượt biển dài nhất miền Trung của tác giả Minh Tú tham dự cuộc thi 'Đánh thức những miền đất'.