Thế giới tuần qua: Đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, Nga lại cắt khí đốt với 1 quốc gia EU

Quỳnh Anh - 31/07/2022 10:37 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định tăng lãi suất lần thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,75% nhằm kiềm chế lạm phát, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tuần cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trước những biến động không mấy tích cực của nền kinh tế thế giới.

VNF
"Trận chiến năng lượng" giữa Nga và EU tiếp tục ghi nhận diễn biến mới trong tuần qua.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới rạng sáng 31/7, toàn thế giới hiện ghi nhận trên 581 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca nhiễm mới được ghi nhận trong 7 ngày vừa qua là hơn 6,4 triệu ca, giảm 8% so với con số 7 triệu ca của 7 ngày trước đó.

Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, Nhật Bản đã ghi nhận trên, 1,3 triệu ca nhiễm Covid-19 mới, tăng 70% so với tuần trước và trở thành quốc gia ghi nhận số ca bệnh mới nhiều nhất thế giới, theo sau là Mỹ (821,861 ca). Hàn Quốc và Đức lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 4 với hơn nửa triệu ca nhiễm ghi nhận trong tuần.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do chủng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra tiếp tục khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với khó khăn. Ngày 27/7, các chuyên gia y tế Nhật Bản nhấn mạnh dịch bệnh lây lan mạnh tại nhiều địa phương đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội của người dân.

Trong khi đó, nhiều quốc gia vốn đã mở cửa trở lại như Lào, Thái Lan, Australia, do ghi nhận số ca nhiễm mới ngày càng tăng cao, nhiều khả năng sẽ phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế để tránh làm lây lan dịch bệnh.

Tương tự tại châu Âu, ngày 25/7, Ủy viên phụ trách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các nước thành viên nên lập tức triển khai các công tác chuẩn bị ứng phó nguy cơ bùng dịch Covid-19 trong mùa thu-đông sắp tới. Ngày 29/7, Bộ trưởng Y tế Đức cho biết cơ quan này đang chuẩn bị kế hoạch đối phó với đại dịch trong mùa thu năm nay.

Ngày 30/7, Triều Tiên lần đầu tiên không ghi nhận ca sốt mới kể từ khi nước này công bố đợt bùng phát Covid-19 vào giữa tháng 5, theo Hãng thông tấn KCNA.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi bị mắc Covid-19 vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được tuyên bố khỏi bệnh và kết thúc thời gian cách ly vào ngày 27/7. Cùng ngày, ông Biden đã kêu gọi người dân nước này cảnh giác với làn sóng lây lan biến chủng phụ BA.5 của Omicron. Tuy nhiên, đến sáng 31/7, bác sĩ Nhà Trắng cho biết Tổng thống lại dương tính với Covid-19.

Dịch đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp trên toàn thế giới

Trong tuần vừa qua, thế giới tiếp tục ghi nhận nhiều diễn biến mới phức tạp về bệnh đậu mùa khỉ. Từ tháng 5 tới nay, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 21.000 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 78 quốc gia, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cuối tuần trước, WHO tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm", mức độ đe dọa cao nhất của tổ chức.

Virus gây bệnh đã lưu hành trong nhiều thập kỷ ở các nước Tây và Trung Phi, nhưng 70% các ca nhiễm trùng hiện nay là ở châu Âu và 25% ở châu Mỹ.

Đáng chú ý, trong ngày 29/7, Brazil và Tây Ban Nha xác nhận các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, trở thành những ca tử vong đầu tiên được ghi nhận bên ngoài châu Phi. Cùng ngày, với hơn 1.000 ca đậu mùa khỉ được ghi nhận, chiếm 1/4 số ca bệnh tại Mỹ, bang New York đã ban bố “tình trạng khẩn cấp về thảm hoạ” với bệnh đậu mùa khỉ và ban bố sắc lệnh hành pháp để đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh.

Philippines là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo phát hiện ca nhiễm đậu mùa khỉ trong cộng đồng.

Trong tuần này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo các thành viên của cộng đồng hạn chế phơi nhiễm với virus bằng cách giảm số lượng bạn tình và cân nhắc lại việc quan hệ tình dục với bạn tình mới.

Mặc dù vậy, ông Tedros không khuyến nghị các quốc gia tiêm phòng đại trà chống lại dịch bệnh đậu mùa khỉ, do vẫn thiếu dữ liệu về hiệu quả của vắc-xin.

Mặc khác, nhiều quốc gia và khu vực hiện đang kêu gọi để được ưu tiên vắc xin, trong khi thế giới hiện chỉ có một nhà sản xuất vắc-xin ngừa đậu mùa khỉ tiên tiến nhất là Công ty Bavarian Nordic (Đan Mạch). Khả năng sản xuất của hãng này trong năm nay là khoảng 30 triệu liều, với khoảng 16 triệu liều sẵn có.

Trong tuần này, Nhật Bản đã phê duyệt vắc xin của công ty KM Biologics có trụ sở tại tỉnh Kumamoto, có thể sản xuất trong nước và đã được sử dụng để phòng các chủng đậu mùa trước đó. Đây là một biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây lan rộng hơn, trong bối cảnh đã có những ca mắc đầu tiên tại nước này.

IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng thế giới

Ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro suy giảm do lạm phát cao và căng thẳng Nga-Ukraine gây ra có thể đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái nếu không được kiểm soát.

Theo báo cáo của của IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022, giảm 0,4 điểm kể từ mức dự báo được đưa ra hồi tháng 4. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 2,9% so với mức ước tính 3,6% đưa ra trong tháng 4/2022, liên quan tới tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
Nguyên nhân được đưa ra là các vấn đề ở 3 nền kinh tế hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc và khu vực eurozone đã dẫn đến sản lượng toàn cầu giảm trong quý II năm nay, mức giảm đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

Cố vấn kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đã u ám đáng kể từ tháng 4. Thế giới có thể sẽ sớm tiến tới bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần đây nhất”.
Ông nói thêm: “3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, Trung Quốc và khu vực eurozone, đang đình trệ, với những hậu quả quan trọng đối với triển vọng toàn cầu”.

Sự suy thoái được dự đoán sẽ tiếp tục trong năm tới, khi mức tăng trưởng hiện được dự báo là 2,9%, thấp hơn 0,7 điểm so với mức dự báo của 3 tháng trước.

Theo ông Gourinchas, ngoài các yếu tố đang tồn tại, có nhiều yếu tố khác sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên yếu hơn, bao gồm việc Nga dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu, lạm phát cao kéo dài, khủng hoảng nợ, bùng phát dịch Covid-19 và các bất ổn địa chính trị khác.

Cố vấn kinh tế của IMF cho biết chống lạm phát nên là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách và ông ủng hộ các quyết định tăng lãi suất gần đây của ngân hàng trung ương. Các chính phủ có thể giảm bớt tác động của suy thoái đối với những người dễ bị tổn thương nhất thông qua hỗ trợ có mục tiêu, nhưng sự trợ giúp cần được chi trả bằng thuế cao hơn hoặc chi tiêu công thấp hơn để đảm bảo công việc của các ngân hàng trung ương không bị khó khăn hơn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp

Ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã công bố một đợt tăng lãi suất mạnh, tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương thêm 0,75% lên phạm vi 2,25 đến 2,5%. Đây là đợt tăng lãi suất thứ ba liên tiếp của Fed kể từ tháng 3 và là lần thứ hai liên tiếp ngân hàng trung ương này áp dụng bước nhảy 0,75%.

Trong một tuyên bố, Fed cho biết cơ quan này “rất chú ý đến rủi ro lạm phát”. Hành động chưa từng có này nhấn mạnh Fed sẵn sàng thúc đẩy nền kinh tế để kiềm chế chi phí gia tăng đối với người Mỹ trong bối cảnh giá cả tăng cao nhất kể từ những năm 1980, lạm phát đạt mức 9,1% vào tháng 6.

Các quan chức Fed cho biết trong một tuyên bố chính thức: “Các chỉ số về chi tiêu và sản xuất gần đây đã giảm bớt. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng việc làm đã diễn ra mạnh mẽ trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung và cầu liên quan đến đại dịch, giá lương thực và năng lượng cao hơn, và áp lực giá rộng hơn".

Ngân hàng trung ương nói thêm rằng cuộc chiến Nga - Ukraine đang "gây ra khó khăn to lớn về con người và kinh tế" cũng như "áp lực gia tăng đối với lạm phát" và đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ ra rằng sẽ có nhiều mức tăng vượt mức sắp tới nếu lạm phát không được kiểm soát. Tuy vậy, ông Powell vẫn loại bỏ khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ tiến tới suy thoái nếu Fed tiếp tục nâng cao lãi suất và khẳng định ngân hàng trung ương sẽ làm hết sức để ngăn chặn một cuộc suy thoái nếu nó xảy ra.

Châu Âu thống nhất hạn chế khí đốt

Ngày 27/7, các bộ trưởng năng lượng thuộc khối EU đã đồng ý với kế hoạch cắt giảm 15% khí đốt sử dụng trong mùa đông, tương đương 45 tỷ m3, một động thái thể hiện quyết tâm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga và không tạo “đòn bẩy” cho Moscow trong việc sử dụng nguồn khí đốt như “vũ khí”.

Kế hoạch này đi kèm với lựa chọn tự nguyện tham gia đối với các quốc đảo và không bao gồm các quốc gia ít kết nối với mạng lưới khí đốt châu Âu.

Cụ thể, trong khoảng từ tháng 8/2022 – 3/2023, tất cả các nước thành viên EU sẽ phấn đấu giảm tiêu thụ khí đốt 15%, Trong trường hợp lượng khí đốt của Nga ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc khi nhu cầu lên cao quá mức, các quốc gia EU có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng nhằm kích hoạt tiết kiệm bắt buộc ngay lập tức.

Các quốc gia sẽ được miễn cắt giảm bắt buộc nếu họ là các quốc đảo không có liên kết với mạng lưới khí đốt của EU, một điều khoản áp dụng cho Ireland, Malta và Síp.

Các quốc gia vùng Baltic cũng có thể nộp đơn xin miễn trừ vì hệ thống điện của họ được liên kết với Nga, khiến các quốc gia này dễ bị mất điện trong trường hợp điện Kremlin ngắt điện. Việc miễn trừ được đưa ra nhằm bảo vệ ba nước thuộc Liên Xô cũ nếu họ buộc phải dựa vào khí đốt để tăng cường cung cấp điện.

Các quốc gia thành viên cũng có thể yêu cầu miễn hoặc giảm mục tiêu tiết kiệm nếu ít kết nối với mạng lưới khí đốt châu Âu và có thể gửi khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho các nước láng giềng.

Thỏa thuận được đưa ra sau khi công ty năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1) xuống chỉ còn 20% từ ngày 27/7 với lý do kỹ thuật.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen cho rằng lý do Moscow đưa ra là không chính đáng, Nga là đối tác không đáng tin cậy và sự việc đã thúc đẩy EU “giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của mình ở quy mô châu Âu, với tư cách là một liên minh”.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới "trận chiến năng lượng” giữa Nga và EU, Gazprom hôm 30/7 đã thông báo sẽ đình chỉ dòng chảy khí đốt tới Latvia do “vi phạm các điều khoản khai thác”. Nói cách khác, Latvia là quốc gia tiếp theo bị Nga cắt nguồn cung khí đốt do không thanh toán hoá đơn năng lượng bằng ruble.

Trong bối cảnh các quốc gia EU đang phải “xoay sở” để tiết kiệm khí đốt cho mùa đông, động thái mới nhất của Moscow càng làm tăng thêm bất ổn cho thị trường năng lượng tại châu lục này. Được biết, nhiều quốc gia đã phải kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp về năng lượng, sử dụng các biện pháp tiết kiệm và khởi động lại các nhà máy nhiệt than để đảm bảo nguồn năng lượng cho mùa đông tới.

Xem thêm >> Latvia tìm cách mua khí đốt Nga mà không phải trả bằng đồng ruble

Cùng chuyên mục
Tin khác