Thế giới tuần qua: Đồng EUR rớt giá, vàng Nga ‘lọt tầm ngắm’ trừng phạt của EU

Quỳnh Anh - 17/07/2022 10:20 (GMT+7)

(VNF) - Tình hình tài chính quốc tế trong tuần qua ghi nhận nhiều tin tức không khả quan như việc đồng EUR giảm giá trị xuống tương đương USD sau gần 20 năm, lạm phát Mỹ lên mức cao kỷ lục sau hơn 4 thập kỷ, lời cảnh báo về suy thoái kinh tế từ Chủ tịch IMF...

VNF
Trong tuần qua, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga vì phát động cuộc chiến tai Ukraine.

Tình hình dịch Covid-19 thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến rạng sáng ngày 17/7, toàn thế giới hiện đang có hơn 567 triệu ca nhiễm Covid-19. Trong vòng 24h qua, có thêm 642,743 ca nhiễm mới được ghi nhận, nâng tổng số ca nhiễm mới được thống kê trong 7 ngày vừa qua lên 6,2 triệu ca.

Các quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất trong tuần qua là Mỹ với hơn 844.428 ca, Pháp (703.297 ca) và Italy (681.370 ca).

Đáng chú ý, Nhật Bản tuần này đã trở thành quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều thứ 5 thế giới với 456.283 ca. Quốc gia này cũng ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 16/7, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh nước này đang phải chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 7, trong đó chủ yếu là do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra.

Cùng ngày 16/7, Hàn Quốc cũng ghi nhận hơn 41.000 ca nhiễm mới trong ngày, mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), quốc gia này đang bước vào làn sóng lây nhiễm mới và số ca mắc mới dự báo có thể tăng lên hơn 200.000 ca vào tháng 8 tới.

Làn sóng Covid-19 mới đang quay trở lại với thế giới khi nhiều quốc gia tại châu Mỹ, châu Âu và châu Á liên tục ghi nhận số ca mới tăng cao và có thể nghiêm trọng hơn trong những tuần tới, chủ yếu do dòng BA.5 của biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh.

Tại nhiều quốc gia, các biện pháp phòng dịch đã được siết chặt trở lại. Bên cạnh Trung Quốc vẫn đang duy trì các biện pháp phong toả và xét nghiệm, ngày 11/7, Macau bắt đầu đóng cửa toàn bộ 30 sòng bạc trên thành phố ngăn chặn đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 tồi tệ nhất.

Trong khi đó, Indonesia đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang, đồng thời siết chặt các quy định y tế và đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa COVID-19, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng trở lại.

Ngày 12/7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi giới chức các nước khôi phục lại việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Với kết luận của WHO rằng virus SARS-CoV-2 vẫn là "Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm của quốc tế", ônh Tedros khẳng định rằng đại dịch này "chưa thể kết thúc".

Tổng thống Sri Lanka tháo chạy khỏi đất nước trước khi từ chức

Ngày 13/7, thời điểm Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hứa sẽ từ chức sau khi không giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ của quốc gia Nam Á, truyền thông đưa tin Tổng thống cùng gia quyến đã lên máy bay “tháo chạy” tới Maldives.

Sau khi ông Gotabaya rời khỏi đất nước, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi hàng trăm người vây quanh văn phòng của ông ở Colombo.

"Thủ tướng với tư cách là quyền Tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và áp đặt lệnh giới nghiêm ở tỉnh phía Tây", thư ký truyền thông của ông Wickremesinghe, Dinouk Colombage, nói với Reuters. Tỉnh phía Tây bao gồm thủ đô Colombo. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay lập tức.

Chuyến tháo chạy của vị Tổng thống sẽ chấm dứt sự cai trị của gia tộc Rajapaksa hùng mạnh đã thống trị nền chính trị ở quốc gia Nam Á trong 2 thập kỷ qua.

Được biết, gia đình ông Gotabaya sau đó đã tới Singapore và chính thức gửi đơn từ chức vào ngày 14/7. Đơn từ chức của cựu Tổng thống được Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena xác thực và chấp nhận vào ngày 15/7, chính thức tuyên bố ông Gotabaya từ chức hợp pháp.

"Từ thời điểm này, chúng ta sẽ chuyển sang quy trình chọn tổng thống mới theo hiến pháp. Tôi hy vọng quy trình bầu ra tổng thống mới sẽ hoàn thành trong 7 ngày", ông Abeywardena cho biết thêm.

Theo Hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe trở thành quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội có thể chọn ra người kế nhiệm ông Rajapaksa. Tuy nhiên, ông Ranil hiện cũng đang chịu áp lực buộc phải từ chức từ đám đông người biểu tình ngày ngày xuất hiện ngoài nơi làm việc của ông tại thủ đô Colombo.

EUR lần đầu ngang giá USD sau 2 thập kỷ

Ngày 12/7, lần đầu tiên kể từ năm 2002, đồng EUR có mệnh giá tương đương với đồng USD, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế đang rình rập sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến châu Âu.

Theo dữ liệu ghi nhận tại các sàn giao dịch, sáng 12/7, 1 EUR tương đương 1,00036 USD, hậm chí có nhiều thời điểm 1 EUR = 1 USD trong ngày.

Kể từ đầu năm, các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về một cuộc suy thoái sẽ sớm ập đến với nền kinh tế toàn cầu.

Lạm phát gia tăng, tăng lãi suất, chiến sự Nga-Ukraine, các biện pháp phong toả phòng dịch của Trung Quốc cùng các biến thể mới lây lan nhanh của dịch Covid-19 và các tác động mang tính hệ quả lên các nền kinh tế đã củng cố niềm tin về một cuộc suy thoái diện rộng, thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ USD và các tài sản được đánh giá là an toàn hơn, khiến giá trị của USD vọt tăng.

Trong khi đó, giá trị của EUR lại giảm vì các nhà đầu tư đặc biệt lo lắng về nền kinh tế của châu Âu. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã chậm hơn trong việc tăng lãi suất kiềm chế lạm phát so với các ngân hàng cùng ngành, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Trong khi đó, Nga đang dần cắt nguồn cung cấp nhiên liệu cho Tây Âu, tạo nỗi lo sợ thiết thực về một cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt tại châu lục này.

Tỷ lệ 1:1 giữa đồng EUR và USD được dự đoán sẽ còn tiếp tục kéo dài. Theo ghi nhận vào ngày 16/7, 1 EUR hiện tương đương với 1,01 USD.

Lạm phát Mỹ lên mức cao nhất trong hơn 40 năm

Theo dữ liệu do Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua, kể từ tháng 11/1981, và cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5.

Tính theo tháng, CPI tháng 6 tăng 1,3% so với tháng 5, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 9/2005. Giá năng lượng tăng 7,5% chiếm gần một nửa mức tăng của CPI. Giá xăng tăng 11,2% sau khi tăng 4,1% trong tháng 5. Giá khí đốt tự nhiên tăng 8,2%, cao nhất kể từ tháng 10/2005. Chi phí thực phẩm tiêu thụ tại nhà tăng 1,0%.

Dữ liệu lạm phát tháng 6 cho thấy lập trường chính sách tiền tệ tích cực của ngân hàng trung ương Mỹ đã đạt được tiến bộ rất khiêm tốn trong việc hạ nhiệt nhu cầu và đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.

Giá tiêu dùng tăng cao được thúc đẩy bởi sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và các biện pháp kích thích tài chính lớn từ các chính phủ trong đại dịch Covid-19, cũng như cuộc chiến Nga-Ukraine.

Lạm phát cao đang làm xói mòn mức tăng lương, điều này cùng với chi phí đi vay tăng có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, khiến các nhà kinh tế kỳ vọng một cuộc suy thoái nhẹ với nền kinh tế Mỹ vào đầu năm 2023.

Mặc dù là một vấn đề toàn cầu, nhưng lạm phát cao vẫn là một rủi ro chính trị đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ của ông khi tiến hành cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11.

Với chỉ số lạm phát mới nhất được công bố, các thị trường tài chính kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất chính sách thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 26-27/7.

EU xem xét trừng phạt vàng Nga

Ngày 15/7, Uỷ ban châu Âu (EC) chính thức đề xuất gói biện pháp trừng phạt thứ 7 đối với Nga. Đáng chú ý, gói trừng phạt mới có đề cập tới biện pháp trừng phạt vàng Nga, mặt hàng xuất khẩu đem lại lợi nhuận lớn thứ 2 sau năng lượng của Moscow.

"Điều này sẽ củng cố sự liên kết các lệnh trừng phạt của EU với đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Gói trừng phạt mới cũng tăng cường thắt chặt việc đóng băng tài sản Nga”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố.

EU cũng sẽ bổ sung các lệnh hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Nga có thể được sử dụng vì mục đích quân sự, bao gồm hóa chất và máy móc. Trong khi đó, liên minh này cũng dự định áp đặt thêm việc phong tỏa tài sản và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các cá nhân và thực thể của Nga.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng sẽ điều chỉnh các biện pháp trừng phạt hiện có nhằm không làm gián đoạn việc xuất khẩu lương thực và ngũ cốc của Nga.

Ủy ban này cũng đề xuất để gia hạn các lệnh trừng phạt hiện tại của EU đối với Nga thêm 6 tháng. Theo đó, lần xem xét tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 1/2023.

Dự kiến, đại sứ của 27 nước thành viên EU sẽ gặp nhau trong ngày 18/7 và thông qua gói biện pháp trên vào ngày 20/7.

Trước đó, 4 thành viên của nhóm G7 gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản đã ban lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga, nhằm cắt đứt nguồn doanh thu “đáng kể” trị giá khoảng 19 tỷ USD/năm với Điện Kremlin.

Xem thêm >> Thủ tướng Hungary: Các lệnh trừng phạt Nga có thể phá hủy nền kinh tế châu Âu

Cùng chuyên mục
Tin khác