'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Theo trang worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 10/7, toàn thế giới hiện có 560.186.090 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5,8 triệu ca nhiễm mới tính từ ngày 4-10/7, tăng 8% so với 7 ngày trước đó (5,4 triệu ca).
Theo báo cáo hàng tuần mới nhất từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 6/7, số ca mắc mới toàn cầu đã tăng tuần thứ 4 liên tiếp sau xu hướng giảm kể từ mức đỉnh cuối cùng vào tháng 3/2022.
Theo báo cáo này, ở cấp khu vực, số ca mới hàng tuần tăng ở khu vực Đông Địa Trung Hải (+29%), Đông Nam Á (+20%), châu Âu (+15%) và Tây Thái Bình Dương (+4%), trong khi giảm ở Khu vực Châu Phi (-33%) và Khu vực Châu Mỹ (-18%).
Ở cấp quốc gia, số ca mắc mới hàng tuần cao nhất được báo cáo từ Pháp (603.074 ca mới; +33%), Đức (555.331 ca mới; -2%), Italy (511.037 ca mới; +50%), Mỹ (496.049 ca mới; -29%), và Brazil (334.852 ca mới; -4%).
Theo cập nhật của worldometers.info, các khu vực ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong tuần qua lần lượt là châu Âu (2,9 triệu ca), châu Mỹ (1,4 triệu ca) và châu Á (1,2 triệu ca). Tính theo quốc gia, 3 quốc gia có số ca mắc mới trong 7 ngày qua lần lượt là Pháp (906.679 ca), Mỹ (715,343 ca) và Italy (648.640 ca).
Theo WHO, Omicron tiếp tục là biến chủng thống trị toàn cầu, đặc biệt, các chủng mới BA.4 và BA.5 đang lưu hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Biến chủng BA.5 đã xuất hiện tại 83 quốc gia, trong khi BA.4 cũng đã xuất hiện tại 73 quốc gia, và có xu hướng tiếp tục tăng.
Mặc dù những con số thống kê cho thấy dịch Covid-19 đã và đang trở lại với một làn sóng lây nhiễm mới toàn cầu, nhưng theo WHO, việc nhiều quốc gia nới lỏng phòng dịch cùng giảm xét nghiệm có thể dẫn tới việc chưa phản ánh đúng thực trạng số ca nhiễm.
Trong 2 ngày 6-7/6, Nhật Bản liên tiếp ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm mới sau gần 2 tháng, tuy nhiên chính phủ nước này cho biết chưa có ý định tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Trong khi đó, Trung Quốc đã áp dụng lệnh phong toả lại với nhiều thành phố tại tỉnh An Huy và TP. Tây An (tỉnh Thiểm Tây) và thực hiện xét nghiệm diện rộng ở nhiều nơi.
Ngày 8/7, Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) thông báo quốc gia Đông Nam Á sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng trước tình hình làn sóng lây nhiễm mới đang dâng cao.
Ngày 9/7, Iran cũng ra quyết định siết chặt quy định nhập cảnh để kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, hành khách tới quốc gia này chỉ được nhập cảnh nếu trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và tuân thủ đầy đủ các quy định y tế của nước sở tại.
Theo báo cáo của WHO công bố ngày 6/7, từ đầu năm tới nay, trên toàn thế giới ghi nhận 6027 ca nhiễm đậu mùa khỉ từ 59 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu là khu vực bùng phát mạnh nhất, chiếm gần 82% số ca nhiễm toàn cầu.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan y tế thế giới sẽ triệu tập cuộc họp khẩn để bàn về việc tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất của WHO, vào tuần bắt đầu từ ngày 18/7 hoặc sớm hơn.
WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm, hay PHEIC, là "một sự kiện bất thường" tạo thành "nguy cơ sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế" và có thể "có khả năng cần một phản ứng quốc tế phối hợp".
Theo ông Tedros, việc virus đậu mùa khỉ lây lan ngày càng rộng và nhanh trên toàn thế giới là điều đáng lo ngại, chưa kể tới việc con số nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn do còn nhiều nơi chưa thực hiện xét nghiệm.
Bệnh đậu mùa khỉ, một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra, xảy ra chủ yếu ở miền Trung và Tây Phi, nơi virus này lưu hành, nhưng đã lây lan đến nhiều khu vực trên thế giới từ đầu tháng 5.
Tỷ lệ tử vong trong các đợt bùng phát trước đây ở Châu Phi của chủng virus hiện đang lây lan là khoảng 1%, nhưng cho đến nay đợt bùng phát này dường như ít gây chết người hơn ở các nước không lưu hành.
WHO đang làm việc với các quốc gia và nhà sản xuất vắc-xin để phối hợp chia sẻ nguồn vắc-xin phòng bệnh đậu khỉ vốn đang khan hiếm. Tổ chức cũng đang làm việc để xoá bỏ sự kỳ thị xung quanh virus và truyền bá thông tin để giúp bảo vệ mọi người.
Dữ liệu ban đầu về đợt bùng phát cho thấy nam giới đồng tính và lưỡng tính cũng như nam giới quan hệ tình dục đồng giới chiếm một số lượng lớn các trường hợp được báo cáo nhiễm bệnh, dẫn đến lo ngại về việc kỳ thị căn bệnh này và cộng đồng LGBTQ .Tuy nhiên, bất kỳ ai tiếp xúc gần với người có virus đều có thể có nguy cơ mắc bệnh.
Ngày 5/7, CNA đưa tin Thủ tướng Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe, cho biết Sri Lanka đã vỡ nợ và tình trạng khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có này sẽ kéo dài cho tới ít nhất là cuối năm 2023.
"Chúng ta sẽ phải tiếp tục đối mặt những khó khăn này vào năm 2023. Đó là sự thật và là thực tế”, ông Wickremesinghe cho biết, đồng thời nói thêm rằng Sri Lanka sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay và tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men sẽ tiếp tục diễn ra.
Lạm phát đã chạm mức 54,6% vào tháng 6 vừa qua khi Sri Lanka đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua và Ngân hàng trung ương Sri Lanka dự kiến sẽ tăng lãi suất trong lần công bố chính sách tiếp theo (dự kiến vào ngày 7/7) để kiềm chế sự leo thang của giá cả. Đảo quốc Nam Á cũng thông báo ngừng in tiền để đối phó với lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc tăng lãi suất sẽ có ít tác động trong việc kiềm chế giá cả tăng phi mã, bởi nguyên nhân phần lớn là chi phí nhiên liệu cao.
Theo Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, các cuộc đàm phán về gói cứu trợ đang diễn ra giữa Sri Lanka và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ thuộc vào việc nước này hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu nợ với các chủ nợ vào tháng 8.
Ngày 9/7, đám đông bạo loạn tại quốc gia này đã kéo đến nơi ở của Thủ tướng và Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, đốt dinh thự và tạo sức ép buộc các lãnh đạo hàng đầu từ chức. Được biết, cả Thủ tướng Wickremesinghe và Tổng thống Rajapaksa đều đã được đưa tới nơi an toàn.
Ngày 10/7, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, đã đồng ý từ chức vào ngày 13/7 tới đây để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình. Trước đó, ngày 9/7, ông Mahinda cũng cho biết bản thân sẵn sàng từ chức Thủ tướng để mở đường cho một chính phủ mới với đại diện của tất cả các đảng phái.
Nhiệm kỳ đầy sóng gió của ông Boris Johnson với tư cách là Thủ tướng Anh đã kết thúc vào ngày 7/7, sau khi hàng loạt bê bối đạo đức của ông bị phát hiện, tình hình trì trệ kinh tế kéo dài đã khiến gần 60 thành viên trong chính phủ từ chức để tạo sức ép buộc Thủ tướng từ chức.
Phát biểu trước cửa số 10 Phố Downing nổi tiếng, cũng là nơi mà nhiều người tiền nhiệm của ông đã phát biểu từ chức, Boris Johnson tuyên bố rằng “Đảng Bảo thủ trong nghị viện muốn có một lãnh đạo mới, nên sẽ có một Thủ tướng mới”.
"Quá trình lựa chọn nhà lãnh đạo mới đó nên bắt đầu ngay bây giờ", ông Johnson nói thêm và cho biết mốc thời gian cụ thể sẽ được công bố vào tuần tới. Cựu Thủ tướng vẫn khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo chăm sóc trong khi Đảng Bảo thủ khởi động quá trình lựa chọn người kế nhiệm, dự kiến diễn ra ngay ngày 11/7.
Theo CNN, danh tiếng của ông vốn bị tổn hại nghiêm trọng do lạm phát gia tăng, nền kinh tế trì trệ, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến hàng triệu người có thể rơi vào đói nghèo trong mùa đông này.
Trong tháng 5, lạm phát của Anh đã đạt 9,1%, mức cao nhất trong 40 năm và cao hơn mọi thành viên G7. Bất chấp các đợt nâng lãi suất, lạm phát của Anh được dự báo tăng lên 11% vào cuối năm.
Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đã tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi đồng bảng Anh giảm mạnh.
Tác động trực tiếp của Brexit, thành tựu đặc biệt của ông Johnson, khiến tình trạng thiếu lao động càng trầm trọng, làm gia tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp.
Anh thậm chí còn đối mặt với nguy cơ suy thoái. Nền kinh tế thứ 5 thế giới bắt đầu suy yếu vào tháng 3 và thậm chí sẽ đi xuống hơn nữa. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nền kinh tế Anh đang sắp rơi vào tình trạng đình đốn với GDP ước tính là 0% vào năm 2023.
Sáng 8/7, khi đang có bài phát biểu vận động tại thành phố Nara trước các cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, diễn ra vào ngày 10/7, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngã gục.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin cựu Thủ tướng đã trúng 2 phát súng từ kẻ ám sát tại hiện trường, được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, ngừng tim và không còn dấu hiệu của sự sống. Cựu Thủ tướng Nhật Bản sau đó được tuyên bố tử vong vào chiều cùng ngày.
Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản kể từ thời quân phiệt hồi thập niên 1930. Vụ việc đã gây chấn động cho người dân Nhật Bản nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Thủ phạm gây ra vụ việc, tên Tetsuya Yamagami (41 tuổi) đã bị cảnh sát bắt giữ ngay tại hiện trường cùng hung khí là một khẩu súng tự chế. Theo lời khai ban đầu, do bất mãn với cựu Thủ tướng nên hung thủ quyết định thực hiện hành vi tàn ác.
Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi lời chia buồn tới người dân và các lãnh đạo Nhật Bản. Chính phủ khắp thế giới cũng đã thông báo treo cờ rủ để tưởng nhớ ông Abe Shinzo. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden ngày 8/7 đã lệnh treo cờ rủ.
Tại Ấn Độ, cờ rủ được treo để tưởng nhớ cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ở "tất cả các tòa nhà nơi quốc kỳ được treo thường xuyên", theo thông báo từ Bộ Nội vụ Ấn Độ. Quốc gia này cũng tổ chức quốc tang vào ngày 9/7 để tưởng nhớ ông Abe Shinzo.
Tại hiện trường xảy ra vụ việc, nhiều người dân Nhật Bản đã tới tưởng niệm vị lãnh đạo quá cố.
Tang lễ của cố Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 11-12/7, do vợ ông Abe là bà Abe Akie chủ trì tại một ngôi đền ở Tokyo, với số lượng giới hạn người tham gia.
Ông Abe Shinzo (sinh năm 1954) là thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản, chia thành hai giai đoạn 2006-2007 và 2012-2020. Ông đã chính thức từ chức thủ tướng từ tháng 9/2020 vì lý do sức khỏe và không muốn bệnh tật ảnh hưởng đến các quyết sách quan trọng.
Ông Abe được đánh giá là đã tạo thế cầm quyền vững chắc, tăng cường vai trò và năng lực của quốc phòng Nhật Bản, cũng như quan hệ đồng minh với Mỹ và được cho là đã vực dậy nền kinh tế đất nước sau nhiều năm trì trệ.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 đã diễn ra ngày 8/7 tại Bali (Indonesia) với quốc gia chủ trì là Indonesia và Ngoại trưởng Retno Marsudi, cùng sự tham gia của các Ngoại trưởng từ 20 nền kinh tế lớn trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay được dự kiến sẽ vô cùng gay gắt và kịch tính nhờ sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và chủ yếu bàn về cuộc chiến tại Ukraine cùng tác động nên kinh tế toàn cầu.
Một diễn biến cho thấy sự mâu thuẫn gay gắt giữa Nga và phương Tây trong sự kiện này là màn chụp ảnh chung theo thông lệ giữa các bộ trưởng đã không diễn ra. Được biết, ông Sergei Lavrov cũng đã ra khỏi phòng họp khi Ngoại trưởng Đức, Ukraine phát biểu và rời đi sớm khi phiên họp vẫn chưa kết thúc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích Nga trực diện, bao gồm vấn đề phong toả để chặn xuất khẩu vũ khí. Ông Blinken cũng cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và yêu cầu Moscow cho phép chở ngũ cốc ra khỏi Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Nga cam kết về việc cung cấp các sản phẩm năng lượng, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giá rẻ, đồng thời không quên lên án Mỹ đang buộc cả thế giới phải từ bỏ nguồn năng lượng giá rẻ để tìm kiếm những nguồn cung đắt đỏ hơn.
Trước thềm hội nghị, 3 ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc, Nga đã có những buổi gặp riêng biệt, sau đó được truyên thông coi là những cuộc vận động “chia phe”.
Theo đó, Nga và Trung Quốc được cho là “đứng cùng chiến tuyến”, với các quan điểm chung và cam kết hợp tác sau cuộc họp, trong khi Washington dường như không thể khiến Bắc Kinh trở thành đồng minh vì có quá nhiều khác biệt và bất đồng. Hai ngoại trưởng Mỹ và Nga cũng không có buổi gặp mặt riêng do tình hình căng thẳng giữa 2 quốc gia.
Kết thúc 2 ngày làm việc chung, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại với sự nhất trí rộng rãi về sự cần thiết tăng cường chủ nghĩa đa phương, chấm dứt xung đột, hợp tác cùng giải quyết các cuộc khủng hoảng trầm trọng mà thế giới đang phải đối mặt.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước duy trì chủ nghĩa đa phương thực sự và phát triển mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng vào thời điểm đầy thách thức này.
Các ngoại trưởng cũng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển nhằm duy trì ổn định khu vực và giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng đã đến lúc tiếng nói của các nước đang phát triển phải được lắng nghe trong nhiều vấn đề quốc tế.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các thành viên G20 đẩy mạnh các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và biến đổi khí hậu.
Xem thêm >> Abenomics: Chính sách kinh tế giúp ‘chấn hưng’ Nhật Bản của cựu Thủ tướng Abe Shinzo
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.