Thế giới tuần qua: Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc sắp rơi xuống Trái Đất, nhà đầu tư tháo chạy khỏi Myanmar

Minh Đăng - 08/05/2021 10:51 (GMT+7)

(VNF) - Mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc sắp rơi xuống trái đất; Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD; Hiệp định toàn diện về đầu tư Liên minh châu Âu-Trung Quốc tiếp tục đóng băng; Hơn 10% nhà đầu tư nước ngoài rời Myanmar sau cuộc đảo chính là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNF
Hình ảnh phóng tên lửa Trường Chinh 5B Y2 hôm 29/4.

Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc sắp rơi xuống Trái Đất

Tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc, nặng 21 tấn, đang thu hút sự chú ý sau khi xuất hiện thông tin nó sẽ quay trở lại trái đất và mảnh vỡ của nó có thể rơi xuống một địa điểm chưa xác định trong tình trạng mất kiểm soát. Điều này có nghĩa là tên lửa có thể rơi xuống khu vực có người ở.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6/5 cho biết dựa trên những những tính toán mới nhất, mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B có thể rơi xuống Trái Đất trong ngày 8/5 (theo giờ Mỹ). Nhưng các quan chức Mỹ vẫn chưa thể xác định nơi các mảnh vỡ sẽ rơi xuống.  

Trong ngày 7/5, Trung tâm Điều hành không gian liên hợp của Mỹ và không quân Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị truyền hình có sự tham gia của Đức và Nhật Bản, chia sẻ dữ liệu giám sát và phân tích.

Đại diện Hàn Quốc cho biết không loại trừ hoàn toàn khả năng các mảnh tên lửa rơi xuống bán đảo Triều Tiên.

Tên lửa Trường Chinh 5B được Trung Quốc phóng ngày 29/4 để đưa một trạm không gian vào quỹ đạo.

Ngày 5/5, truyền thông nhiều nước đưa tin tầng lõi của tên lửa đang “rơi không kiểm soát” vào quỹ đạo Trái Đất.

Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng truyền thông quốc tế đang "thổi phồng" tình trạng của mảnh vỡ tên lửa, đồng thời dự đoán mảnh vỡ sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng tên lửa này được thiết kế với công nghệ đặc biệt và khả năng gây thiệt hại cho hoạt động hàng không và mặt đất là "cực thấp".

Ông Uông giải thích hầu hết mảnh vỡ của tên lửa này sẽ bị thiêu rụi khi rơi qua khí quyển Trái đất.

Hiệp định toàn diện về đầu tư Liên minh châu Âu-Trung Quốc tiếp tục đóng băng

Trong cuộc trao đổi ngày 6/5 với nhóm các chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương tại thủ đô Washington (Mỹ), Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cho biết Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc thực tế mới chỉ là "ý định chứ chưa phải là một thỏa thuận" và có thể sẽ phải mất thời gian dài đàm phán nữa trước khi trở thành hiện thực.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận rằng những nỗ lực để phê chuẩn hiệp định CAI với Trung Quốc buộc phải dừng lại sau một loạt biện pháp "ăn miếng trả miếng" giữa Trung Quốc và EU trong thời gian qua.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, Nghị viện châu Âu (EP) tuyên bố đã hủy cuộc họp thảo luận về CAI trong bối cảnh leo thang căng thẳng thời gian gần đây.

Trước đó, EU và Trung Quốc hồi cuối tháng 12 năm ngoái thông báo đã hoàn tất về nguyên tắc Hiệp định đầu tư toàn diện giữa 2 bên sau 35 vòng đàm phán kể từ năm 2013.

Việc hoàn tất hiệp định đầu tư sau 7 năm đàm phán được châu Âu đánh giá là một cột mốc quan trọng giúp châu Âu xây dựng được quan hệ thương mại cân bằng hơn với Trung Quốc, có nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiệp định này vẫn chưa được 27 quốc gia thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

WHO chính thức phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 7/5 đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp.

Theo đó, đây là vaccine thứ 6 nhận được chứng nhận của WHO về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng".

Tổng giám đốc WHO cho hay nhóm Cố vấn Chiến lược gồm các chuyên gia tiêm chủng (SAGE) đã xem xét dữ liệu và khuyến nghị sử dụng vaccine hai mũi tiêm này cho người từ 18 tuổi trở lên.

Quyết định phê duyệt vaccine Sinopharm dựa trên cơ sở đánh giá của nhóm cố vấn kỹ thuật WHO. Nhóm này đã họp vào ngày 26/4 để xem xét các dữ liệu lâm sàng mới nhất cũng như thực tiễn sản xuất vaccine của Sinopharm.

Qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại nhiều nước, nhóm SAGE của WHO kết luận vaccine Sinopharm có hiệu quả bảo vệ 78,1% sau hai mũi tiêm.

Đây là lần đầu tiên WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho một loại vaccine do Trung Quốc phát triển và bào chế.

Hơn 10% nhà đầu tư nước ngoài rời Myanmar sau cuộc đảo chính

Hơn 10% các công ty phương Tây và Nhật Bản đăng ký tại Myanmar đã đóng cửa hoạt động hoàn toàn sau cuộc đảo chính quân sự, hãng tin Nikkei trích dẫn dữ liệu từ một cuộc khảo sát được thực hiện trong 372 công ty nước ngoài tại Myanmar.

33% số người tham gia khảo sát trả lời họ đã cắt giảm hơn 2/3 các hoạt động trong nước. Hơn 20% giám đốc điều hành nước ngoài cho biết họ đã cắt giảm hơn một nửa hoạt động tại Myanmar. Và chỉ 5% nói cuộc đảo chính quân sự không ảnh hưởng đến hoạt động của họ theo bất kỳ cách nào.

Theo các nhà tổ chức khảo sát, số người bỏ việc ở Myanmar ít nhất sẽ tăng gấp đôi vào cuối tháng 9 nếu tình hình trong nước này không được cải thiện.

Nikkei trích dẫn số liệu cho biết hiện chỉ có 5% số những người được hỏi nói có ý định mở rộng đầu tư, mặc dù trước cuộc đảo chính, hơn một nửa số công ty nước ngoài đăng ký tại Myanmar đã có kế hoạch như vậy.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo kinh tế Myanmar giảm 10% trong năm 2021 trong khi Fitch Solutions dự báo kinh tế Myanmar giảm tới 20%.

Tháng trước, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục 27,5 điểm, theo dữ liệu của IHS Markit.

Tổng thống Biden bảo vệ kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD

Theo báo cáo việc làm mới được công bố, nền kinh tế Mỹ có thêm 266.000 việc làm trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 6,1%. Những con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.

Những dữ liệu nói trên đã trở thành căn cứ đề đảng Cộng hòa nhanh chóng chỉ trích chương trình nghị sự của ông Biden. Họ cho rằng điều đó chứng tỏ gói cứu trợ kinh tế của ông Biden là quá tốn kém và dẫn đến thực trạng mọi người không lao động.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden thì cho rằng dữ liệu mới của báo cáo nói trên là minh chứng cho sự cần thiết của gói cứu trợ và cần thêm thời gian để phục hồi nền kinh tế.

Tổng thống Biden bác bỏ quan điểm cho rằng việc tăng trợ cấp thất nghiệp trong gói giải cứu làm giảm khả năng quay trở lại làm việc ở một số hạng mục.

Trước đó, ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD với tên chính thức là "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ".

Gói cứu trợ trên sẽ chi trả trực tiếp 1.400 USD cho hầu hết người Mỹ; viện trợ 350 tỷ USD cho chính quyền các bang và địa phương... Gói cứu trợ này cũng sẽ hỗ trợ những người thất nghiệp, mở rộng chăm sóc y tế công cộng và tăng thêm quỹ dành cho kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Xem thêm >> Nga tăng dự trữ vàng và nhân dân tệ, nỗ lực từ bỏ đồng USD trong thanh toán

Cùng chuyên mục
Tin khác