Thế giới tuần qua: Mỹ - Nhật tăng cường liên thủ đối phó Trung Quốc, Nga ‘khóa’ Biển Đen
Minh Đăng -
17/04/2021 12:54 (GMT+7)
(VNF) - Nhật công bố kế hoạch xả nước thải nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển; Nga-Mỹ tung loạt đòn đáp trả lẫn nhau; tàu Ever Given ‘mắc kẹt’ trong bài toán bồi thường; Mỹ - Nhật thống nhất tăng cường liên thủ đối phó Trung Quốc là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.
Mỹ - Nhật tăng cường liên thủ đối phó Trung Quốc
Ngày 16/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Nhà Trắng. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức cách đây gần 3 tháng.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 16/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hai nước đã đồng ý hợp tác về các vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiêu, nhưng không đề cập đến Đài Loan.
"Thủ tướng Suga và tôi khẳng định sự ủng hộ sâu sắc đối với liên minh Mỹ-Nhật và vì nền an ninh chung của chúng tôi. Chúng tôi cam kết hợp tác để đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề như biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như Triều Tiên, để đảm bảo tương lai của một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", Tổng thống Mỹ nói.
Ông Suga cho biết các cuộc đàm phán cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với hiệp ước tương trợ phòng thủ giữa Mỹ và Nhật, bao gồm việc bảo vệ nhóm các đảo không người ở trên biển Hoa Đông. Nhóm đảo này được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản - nước đang quản lý quần đảo - gọi là Senkaku.
"Tổng thống Biden một lần nữa thể hiện cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả việc áp dụng điều 5 Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung Nhật-Mỹ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư", Thủ tướng Nhật Bản thông tin.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ được đánh giá sẽ thắt chặt liên minh Mỹ - Nhật, tăng cường liên kết kinh tế và an ninh để đối phó với các thách thức an ninh truyền thống hoặc phi truyền thống nổi lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật tuyên bố xả nước thải hạt nhân
Ngày 13/4, chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch thải hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị thiệt hại nghiêm trọng sau trận động đất - sóng thần năm 2011. Trận sóng thần phá hủy nhiều hệ thống làm lạnh cho các thanh nhiên liệu hạt nhân tại các lò phản ứng. Do đó, Nhật Bản trong những năm qua đã sử dụng hàng triệu tấn nước để làm lạnh các thanh nhiên liệu hạt nhân.
Khoảng 1,25 triệu tấn nước đã tích tụ tại khu vực của nhà máy hạt nhân Fukushima. Số lượng nước phóng xạ đang tăng khoảng 140 tấn mỗi ngày, hiện đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bồn chứa và dự kiến vào khoảng mùa thu tới sẽ không còn chỗ chứa.
Theo lộ trình, việc xả nước sẽ bắt đầu sau khoảng hai năm, và toàn bộ quá trình dự kiến sẽ mất hàng thập kỷ.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng quyết định việc xả nước ô nhiễm vào Thái Bình Dương là lựa chọn "thực tế nhất" và "không thể tránh khỏi để đạt được sự phục hồi của Fukushima".
Trong tuyên bố mới đây, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định ủng hộ quyết định này, vì các nguyên tố phóng xạ, ngoại trừ triti, sẽ bị loại bỏ khỏi nước hoặc giảm xuống mức an toàn trước khi thải ra ngoài. IAEA cũng đã chỉ ra rằng, các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới sử dụng quy trình tương tự để xử lý nước thải.
Theo tính toán của Liên hợp quốc (LHQ), ngay cả khi Nhật Bản đổ toàn bộ số nước thải đã qua xử lý tại Fukushima xuống biển trong 1 năm, tác động của bức xạ đối với môi trường sẽ chỉ ở mức 2,1 millisievert/năm tại Nhật Bản. Con số này là nhỏ hơn so với mức trung bình toàn cầu là 2,4 millisievert/năm.
Tuy nhiên, việc xả nước của Nhật Bản vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng đánh bắt cá ở nước này cũng như lo ngại từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.
Nga-Mỹ đáp trả lẫn nhau
Trong thông báo phát ra ngày 15/4, Nhà Trắng đã công bố loạt lệnh trừng phạt lên các cá nhân, thực thể Nga.
Cụ thể, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã chỉ thị mở rộng các biện pháp hạn chế hiện có với các ngân hàng Mỹ giao dịch với chính phủ Nga và trừng phạt 32 cá nhân, thực thể Nga với cáo buộc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Đồng thời, Bộ tài chính Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại 6 công ty công nghệ của Nga mà Mỹ cho là “ hỗ trợ chương trình không gian mạng cho các cơ quan tình báo Nga”.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, lệnh cấm vận mới còn nhằm "đáp trả các cuộc tấn công mạng nhắm vào Mỹ và các đồng minh và đối tác của nước này”, đề cập tới cuộc tấn công SolarWinds vào hệ thống máy tính chính phủ Mỹ hồi năm ngoái.
Đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, trong đó có những người bị tình nghi là gián điệp
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ đáp trả hành động trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga của Mỹ vì cáo buộc can thiệp bầu cử và "các hành động ác ý khác".
"Trong danh sách được gửi tới chúng tôi có tên 10 nhà ngoại giao Nga bị yêu cầu rời khỏi Mỹ. Chúng tôi sẽ đáp trả biện pháp này một cách tương ứng. Sẽ có 10 nhà ngoại giao Mỹ phải rời khỏi nước Nga", ông Lavrov nói với các phóng viên.
Đồng thời, trong ngày 16/4, Nga cũng công bố danh sách 8 quan chức cấp cao của Mỹ sẽ bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Liên bang Nga, gồm: Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, cố vấn chính sách đối nội của Biden Susan Rice, Giám đốc FBI Christopher Wray, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, Giám đốc Cục Trại giam Liên bang Michael Carvajal, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Trump John Bolton và cựu giám đốc CIA James Woolsey.
Ngoài các đòn đáp trả trên, ông Lavrov nói Nga đang xem xét các biện pháp "có thể gây tổn hại" cho hoạt động kinh doanh của Mỹ tại nước này, đồng thời chấm dứt hoạt động của các quỹ và tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại Nga bị cáo buộc "can thiệp tình hình nội bộ".
Cùng ngày, Mỹ tuyên bố coi những thông báo của Nga về các biện pháp đáp trả mới nhất là động thái “leo thang” và khẳng định Mỹ có quyền trả đũa.
Nga “khóa” Biển Đen
Trong thông cáo phát ra ngày 15/4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Hoạt động đi qua lãnh hải cảu Liên bang Nga đối với tàu quân sự và tàu công vụ khác của nước ngoài sẽ bị đình chỉ từ 21h ngày 24/4 đến 21h ngày 31/10".
Lệnh hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng tới mũi phía tây và bờ biển phía nam của bán đảo Crimea, từ Sevastopol đến Hurzuf, cùng một vùng biển hình chữ nhật ngoài khơi bán đảo Kerch gần Khu bảo tồn thiên nhiên Opuksky. Lệnh hạn chế đi lại của Nga được đề cập đến hồi đầu tuần song chưa bao gồm chi tiết khu vực chịu ảnh hưởng.
Động thái hạn chế đi lại một phần Biển Đen diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Moscow và Kiev sau các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ Ukraine và dân quân thân Nga ở vùng Donbas. Nga điều động lượng lớn quân nhân và khí tài đến gần biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea, đồng thời tổ chức nhiều cuộc diễn tập hải quân ở Biển Đen trong tuần.
Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích lệnh hạn chế đi lại Biển Đen của Nga và gọi đây là hành động "chiếm đoạt các quyền chủ quyền" của nước này. Ukraine tuyên bố theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, "Nga không được cản trở hoặc đình chỉ hoạt động đi qua eo biển quốc tế đến các cảng ở biển Azov".
Trung Quốc: GDP quý I tăng kỷ lục tới 18,3% nhưng vẫn chưa đạt kì vọng
Ngày 16/4, cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố mức tăng trưởng kinh tế trong quý I/2021 của nước này tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây được xem là thành tựu của Trung Quốc bởi so với các dữ liệu được công bố kể từ năm 1993, đây là mức tăng cao nhất. Con số này đánh dấu bước tiến rõ rệt đối với nền kinh tế Trung Quốc đặc biệt là sau sự suy sụp nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19 đầu năm 2020.
Tuy nhiên, thành tựu đầu năm này vẫn thấp hơn kỳ vọng. Hãng tin Bloomberg trước đó dự đoán mức tăng trưởng quý I của Trung Quốc lần lượt là 18,5% đến 19%.
Trong một số dữ liệu khác được NBS công bố cùng ngày, sản xuất công nghiệp Trung Quốc tháng 3 tăng 14,1% so với cùng kỳ 2020. Con số này thấp hơn dự báo của Bloomberg về mức tăng 18%. Doanh số bán lẻ tháng 3 tăng 34,2%, tăng nhẹ so với mức 33,8% trong tháng 1 và tháng 2, cao hơn mức dự báo 28% của Bloomberg.
Lĩnh vực đầu tư tài sản cố định trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 tăng 25,6% so với năm ngoái. Con số này thấp hơn dự đoán 26% của Bloomberg. Tỷ lệ thất nghiệp, không bao gồm số liệu của hàng chục triệu lao động nhập cư tại Trung Quốc, ở mức 5,3%. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 5,5% vào tháng 2.
Về phía Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế nước này cũng cho biết con số tăng trưởng GDP quý I cao là do so sánh với cùng kỳ năm 2020, khi GDP nước này giảm kỉ lục 6,8%.
Tàu Ever Given ‘mắc kẹt’ trong bài toán bồi thường
Dù đã được giải cứu gần 3 tuần, tàu Ever Given vẫn chưa được rời khỏi Ai Cập do “mắc kẹt” trong bài toán bồi thường cho thiệt hại của “vụ tắc đường đắt đỏ nhất lịch sử” tại Kênh đào Suez.
Phát biểu trước báo giới ngày 13/4, Giám đốc Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie cho biết SCA đang tạm giữ tàu Ever Given theo lệnh của Tòa án kinh tế Ismailiya trong khi chờ chủ tàu xử lý khoản bồi thường.
Theo phán quyết của tòa, công ty Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha Ltd., chủ sở hữu của Ever Given, sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản bồi thường 916 triệu USD.
Theo đó, số tiền này là ước tính sơ bộ về thiệt hại tài chính trong nỗ lực nạo vét và trục vớt, chi phí thiết bị và tiền trả cho 800 nhân công, những tổn thất của hàng trăm con tàu phải neo đậu do kênh đào đóng cửa, cũng như chi phí phí bảo dưỡng, chi phí giải cứu và thiệt hại mà Ai Cập phải gánh do thất thu gần 1 tuần ở kênh Suez.
Theo SCA, vụ tắc nghẽn vừa qua đã khiến Ai Cập thất thu từ 12-15 triệu USD/ngày trong thời gian phải đóng cửa Kênh đào Suez.
Đại diện của SCA cho biết cơ quan này đang đàm phán việc bồi thường với chủ sở hữu tàu là công ty Shoei Kisen Kaisha cùng các công ty bảo hiểm.
UK Club, công ty bảo hiểm bồi thường và bảo vệ cho tàu Ever Given, thì cho biết công ty này hiện đang đàm phán rất thiện chí nhưng SCA vẫn chưa có giải trình chi tiết về 2 khoản tiền bồi thường lớn gồm 300 triệu USD cho chi phí cứu hộ và 300 triệu USD cho tổn thất danh tiếng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.