Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Theo trang thống kê worldometers.info, tới rạng sáng 14/8, toàn thế giới hiện đang có 594,6 triệu ca Covid-19, trong đó số ca mắc mới ghi nhận trong 7 ngày vừa qua là 5,5 triệu ca, giảm 12% so với mức 6,3 triệu ca ghi nhận trong tuần trước đó.
Trong tuần vừa qua, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành những quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất, lần lượt báo cáo 1,4 triệu và hơn 838.000 ca bệnh. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp Nhật Bản có số ca nhiễm Covid-19 đứng đầu thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mỹ trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới đứng thứ 3 thế giới với 691.000 ca, theo sau là Đức với 307.000 ca.
Xét theo khu vực, trong tuần vừa qua, châu Á là nơi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với hơn 2,9 triệu ca, chiếm hơn 50% số ca mắc mới trong tuần. Châu Âu ghi nhận 1,2 triệu ca nhiễm mới, với các tâm dịch hàng đầu là Đức, Italy, Pháp và Nga.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, quốc gia này đã ghi nhận hơn 94 triệu ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của CDC Mỹ, nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch, đặc biệt với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và cũng không còn khuyến nghị xét nghiệm cách ly tại nhà trước mùa quay trở lại trường học.
Triều Tiên, quốc gia có đợt bùng phát Covid-19 muộn nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại, đã tuyên bố chiến thắng dịch bệnh vào đầu tuần này, bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng. Theo số liệu thống kê các ca sốt hàng ngày, Triều Tiên không có thêm ca nhiễm mới nào kể từ ngày 29/7 đến nay.
Trong khi đó, tại quốc gia kiểm dịch ngặt nghèo nhất thế giới là Trung Quốc, chính quyền thành phố Thượng Hải đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 hàng tuần và mở rộng chương trình xét nghiệm miễn phí đến cuối tháng 9. Tỉnh Hải Nam ở miền Nam là vùng bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc trong thời gian gần đây, với hơn 1.000 ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày.
WHO nhận định số ca nhiễm mới và tử vong thực tế vì dịch Covid-19 có thể cao hơn so với con số báo cáo bởi một số nước đã thay đổi chiến lược xét nghiệm. Bên cạnh đó, theo WHO, dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có thể sẽ tiếp tục là biến thể chủ đạo gây bệnh trên toàn cầu khi gây ra khoảng 70% trong tổng số ca nhiễm mới đã được phát hiện đến cuối tháng trước. BA.5 được cho là nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ 7 hiện nay ở Nhật Bản.
Trong tuần qua, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trái ngược nhau đã được ghi nhận trên khắp các châu lục. Tiêu biểu nhất là mưa lụt tại châu Á và hạn hán, cháy rừng tại châu Âu.
Ngày 8/8, truyền thông Hàn Quốc đưa tin thủ đô Seoul và một số khu vực lân cận đã hứng chịu trận mưa lũ lớn nhất trong hơn 80 năm kéo dài 3 ngày.
Theo Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA), khu vực phía nam của Seoul đã hứng chịu lượng mưa hơn 100mm mỗi giờ vào cuối ngày 8/8, với một số khu vực của thành phố đã nhận được lượng mưa 141,5mm, lượng mưa lớn nhất kể từ năm 1942. Lượng mưa tích lũy ở Seoul kể từ đêm 8/8 đến 5h sáng 9/8 420mm.
Ít nhất 16 người thiệt mạng và mất tích ở miền trung và đông Hàn Quốc, sau khi mưa xối xả làm mất điện, gây trượt ngã và khiến các con đường và tàu điện ngầm bị nhấn chìm. Vụ việc gây chấn động nhất là một gia đình 3 người, trong đó có một người khuyết tật sống trong căn hộ tầng bán hầm ở quận Dongjak đã thiệt mạng vì bị ngập nước.
Tương tự, tại quốc gia láng giềng Triều Tiên, những cơn mưa kéo dài ở bờ Đông nước này đã khiến trên 1.100 ngôi nhà bị hư hại, hàng ngàn người phải tìm nơi trú ẩn an toàn. Những hình ảnh trên truyền thông địa phương cho thấy các trang trại, đường sá và cầu bắc qua sông bị nước lũ cuốn trôi.
Trái với những hình ảnh lụt lội tại bán đảo ở châu Á, châu Âu trong tuần qua lại ghi nhận nắng nóng kỷ lục và hạn hán. Ngày 9/8, Cơ quan khí tượng Anh (Met Office) đã nâng cảnh báo về tình trạng nắng nóng cực đoan lên gần mức cao nhất tại nhiều khu vực thuộc xứ England và xứ Wales.
Với thời tiết nắng nóng trên 40 độ ghi nhận tại nhiều quốc gia Tây Âu, nhiều vụ hoả hoạn đã được ghi nhận tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Hy Lạp và một số quốc gia khác, khiến nhiều người phải sơ tán và hơn 4.000 ha đất tại Tây Ban Nha bị thiêu rụi. Tại Bồ Đào Nha, nhiều thời điểm nhiệt độ lên tới 47 độ C, khiến nhiều người tử vong vì sốc nhiệt.
Những con sông lớn của châu Âu như Danube và Rhine đều đang cạn nước kỷ lục, đe dọa đến ngành vận tải đường thủy.
Theo các chuyên gia, hạn hán đang khiến nguy cơ sa mạc hóa tăng cao ở châu Âu, gây ảnh hưởng ngày càng rõ ở các quốc gia Địa Trung Hải, trước khi lan dần đến các quốc gia Bắc Âu.
Bùng phát từ cuối tuần trước (5/8), nhưng phải tới ngày 12/8, chính phủ Cuba mới tuyên bố dập tắt được vụ hoả hoạn tồi tệ nhất lịch sử quốc gia.
Theo đó, tối 5/8, tại khu công nghiệp Matanzas, một bể chứa dầu thô dung tích 50.000 m3 bị sét đánh trúng và bắt đầu bốc cháy. Tới ngày 6/8, lửa lan sang bể chứa thứ 2 và gây ra hàng loạt vụ nổ lớn, khiến nhiều người mất tích và bị thương.
Ngày 8/8, Liên minh Điện lực Cuba (UNE) thông báo nhà máy nhiệt điện lớn nhất Cuba đã ngừng hoạt động vào hồi 13:00 cùng ngày (giờ địa phương) do hậu quả của vụ cháy kho dầu tại khu công nghiệp Matanzas.
Vụ hoả hoạn đã làm nổ 4 trong số 8 bể chứa trong khu công nghiệp trên, khói lan tới tận thủ đô Habana cách hiện trường khoảng 124km. Ít nhất 2 lính cứu hoả đã tử vong, 17 người mất tích và hàng trăm người bị thương.
Các quốc gia cùng khu vực như Mexico và Venezuela đã cử những đội chữa cháy và vật dụng chữa cháy dầu tới hỗ trợ Cuba. Liên minh châu Âu (EU) cũng gửi vật tư y tế đến hỗ trợ Cuba khắc phục hậu quả vụ cháy kho chứa dầu.
Matanzas là cảng tiếp nhận dầu thô và nhiên liệu lớn nhập khẩu lớn nhất của Cuba. Dầu nặng, dầu nhiên liệu và diesel tại đây được chứa trong 10 bồn lớn, phần lớn được sử dụng để phát điện tại đảo quốc này.
Ngày 12/8, các trang xếp hạng tín nhiệm toàn cầu như S&P Global Ratings và Fitch Ratings đồng loạt hạ tín nhiệm ngoại tệ của Ukraine, quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, xuống mức vỡ nợ.
S&P Global đã hạ xếp hạng của quốc gia Đông Âu từ “Có nguy cơ vỡ nợ” (CC/C) xuống mức “Vỡ nợ có chọn lọc” (SD). Tương tự, Fitch Ratings đã hạ cấp xếp hạng ngoại tệ dài hạn của Ukraine từ “Vỡ nợ ngoại tệ dài hạn" (LTFC) xuống “Vỡ nợ hạn chế” (RD).
Động thái của các trang xếp hạng toàn cầu diễn ra sau khi Ukraine được các chủ nợ đồng ý hoãn trả nợ trong vòng 2 năm cho các khoản thanh toán trị giá 19,6 tỷ USD.
Trong một tuyên bố được đưa ra, S&P cho biết: “Chúng tôi coi việc xử lý vấn đề này là khó khăn và tương đương với khả năng vỡ nợ. Việc tái cơ cấu nợ của Ukraine diễn ra trong bối cảnh nước này chịu sức ép tài khóa và vĩ mô do chiến sự".
Fitch Rating cũng cho rằng việc Ukraine trì hoàn trả nợ làm tăng thêm mức độ khó khăn cho việc giao dịch với các nhà đầu tư.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt từ cuối tháng 2, Ukraine đã phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế 35% - 45% và thiếu hụt tài chính hàng tháng 5 tỷ USD. Theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, việc được các nhà đầu tư hoãn nợ sẽ giúp quốc gia Đông Âu tiết kiệm khoảng 6 tỷ USD cho tiền thanh toán.
Ngày 7/8, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu để thông qua dự luật giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD sau cuộc thảo luận dài 27 tiếng đồng hồ với tỷ lệ bỏ phiếu 51-50 đầy sát sao. Đến ngày 12/8, với tỷ lệ 220 phiếu thuận và 207 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cũng đã chính thức thông qua dự luật quan trọng do đảng Dân chủ Mỹ thúc đẩy.
Đạo luật Giảm lạm phát sẽ cấp phép khoảng 370 tỷ USD cho các chương trình năng lượng và khí hậu, đây sẽ là khoản đầu tư vào năng lượng sạch lớn nhất của chính phủ liên bang trong lịch sử Mỹ và là dự luật về biến đổi khí hậu có ảnh hưởng nhất từng được Quốc hội thông qua.
Dự luật cũng mở rộng trợ cấp bảo hiểm sức khỏe theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng cho đến năm 2025, cho phép Medicare thương lượng giá thuốc theo toa thấp hơn và áp dụng mức thuế tối thiểu 15% mới đối với các công ty có thu nhập ít nhất 1 tỷ USD.
Vì dự luật được kỳ vọng sẽ huy động được nhiều tiền hơn số tiền chi tiêu, mang lại 739 tỷ USD cho chính phủ, các đảng viên Dân chủ cũng cho rằng nó sẽ cắt giảm thâm hụt liên bang 300 tỷ USD trong thập kỷ tới và giảm nhẹ lạm phát một cách khiêm tốn trong những năm tới.
Dự luật Giảm lạm phát là phiên bản thu nhỏ của dự luật Build Back Better, một gói tài trợ cho mạng lưới an toàn xã hội và môi trường trị giá hàng nghìn tỷ USD mà Đảng Dân chủ đã không thông qua vào năm ngoái.
Việc thông qua dự luật được xem là chiến thắng lập pháp lớn cho Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8/11.
Phát biểu trước báo giới, ông Biden cho biết: "Hôm nay, người Mỹ đã chiến thắng, còn các nhóm lợi ích đã thất bại. Với việc Hạ viện thông qua dự luật, các gia đình sẽ có thể giảm chi phí thuốc men, chăm sóc y tế, hóa đơn nhiên liệu". Tổng thống Mỹ cũng có kế hoạch đi khắp đất nước để quảng bá dự luật, trong bối cảnh bóng ma lạm phát đang đè nặng lên triển vọng bầu cử giữa kỳ của Đảng Dân chủ.
"Đây là khoảnh khắc lịch sử bởi vì mọi thành viên trong Hạ viện và mọi thành viên Thượng viện đã bỏ phiếu cho đạo luật này. Mọi thành viên, để giảm chi phí thuốc theo toa, để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, để giảm thâm hụt, để giảm lạm phát, để cứu hành tinh”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu.
Xem thêm >> Giá điện châu Âu lại lập đỉnh do nắng nóng, cháy rừng
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.