Thế giới tuần qua: Trung Quốc muốn WHO điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Mỹ, Myanmar chao đảo vì biểu tình

Minh Đăng - 20/02/2021 13:47 (GMT+7)

(VNF) - Trung Quốc muốn Tổ chức Y tế thế giới điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Mỹ, biểu tình lớn lan rộng khắp Myanmar, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden không mời Nga gia nhập G7 là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

VNF
Cuộc triển lãm về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Trung Quốc được tổ chức tại một trung tâm hội nghị trước đây là bệnh viện dã chiến ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Trung Quốc muốn WHO điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Mỹ

Sau khi nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết thúc việc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc, Bắc Kinh lên tiếng đề xuất WHO tiếp tục mở cuộc điều tra ở Mỹ.

"Chúng tôi hy vọng, theo gương của Trung Quốc, phía Mỹ sẽ có động thái tích cực, dựa trên cơ sở khoa học và hợp tác trong vấn đề truy xuất nguồn gốc và mời các chuyên gia của WHO tới để nghiên cứu nguồn gốc dịch bệnh", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương nghị nêu rõ.

Sau đó, Zeng Guang, nhà trưởng dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết Mỹ hiện nên là "trọng tâm" của các nỗ lực toàn cầu để truy vết nguồn gốc virus.

Trước đó, nhóm thanh sát của của WHO và Trung Quốc đã kết thúc nhiệm vụ của họ tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc và không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về nguồn gốc của đại dịch thế kỷ.

Nhật báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn thông tin từ các chuyên gia của WHO tiết lộ các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã từ chối cung cấp cho WHO dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân hóa về những ca Covid-19 đầu tiên.

Mỹ không chấp nhận báo cáo này và yêu cầu xác minh độc lập. Cùng với Anh, giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại về mức độ tiếp cận thông tin mà nhóm điều tra của WHO nhận được tại Trung Quốc.

Myanmar: Biểu tình rầm rộ khắp cả nước

Hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường biểu tình trong tuần qua bất chấp quân đội triển khai xe bọc thép ở nhiều khu vực. Gần 500 người đã bị bắt giữ, một số người bị thương, một người tử vong.

Đây được coi là một trong những ngày biểu tình lớn nhất ở Myanmar sau cuộc chính biến do quân đội tiến hành hôm 1/2.

Mặc dù chính quyền kêu gọi các công chức quay trở lại làm việc và đe dọa sẽ sẽ có các biện pháp thích hợp nếu họ không thực thi, nhưng các cuộc đình công vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, các tuyến đường sắt đã bị đình trệ sau khi các công nhân đường sắt đình công, dừng chạy các chuyến tàu. Lực lượng an ninh đã nổ súng gần nhà ga. Ít nhất một người bị thương được ghi nhận.

Đến nay, quân đội Myanmar đã bắt giữ gần 500 người tham gia các cuộc biểu tình trên nhiều địa phương.

Một số diễn viên, đạo diễn và ca sĩ nổi tiếng của Myanmar cũng đã bị bắt với cáo buộc sử dụng "sự nổi tiếng và tên tuổi" của mình để khuyến khích dân chúng tham gia biểu tình.

Quân đội Myanmar mới đây tuyên bố những người kích động quần chúng tham gia biểu tình phản đối chính quyền quân sự có thể đối mặt với án tù lên tới 20 năm.

NATO cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 19/2 kêu gọi các thành viên và đối tác củng cố quan hệ do tác động an ninh xuyên Đại Tây Dương đến từ Trung Quốc.

"Sự trỗi dậy của Trung Quốc là vấn đề xác định đối với cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, với những hậu quả tiềm tàng cho an ninh, thịnh vượng và lối sống của chúng ta", ông Stoltenberg phát biểu trong Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2.

Theo Tổng thư ký NATO, tổ chức này cần thắt chặt mối quan hệ với các đối tác thân cận như Australia và Nhật Bản, đồng thời thiết lập các đối tác mới trên toàn thế giới.

Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc được đánh giá đang định hình lại các ưu tiên của NATO, vốn thường tập trung vào mối đe dọa từ Nga. NATO đang tìm kiếm sự đồng thuận giữa các quốc gia phương Tây rằng Trung Quốc không còn là "một đối tác thương mại ôn hòa".

Mỹ không mời Nga gia nhập G7

Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 19/2 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không mời Nga gia nhập Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Theo bà Jen Psaki, mọi lời mời tới Nga tham gia G7 phải được thực hiện với sự đồng ý và hợp tác của tất cả các nước thành viên của nhóm.

Nga từng là một thành viên của nhóm G8. Đến năm 2014, Nga bị loại khỏi nhóm này sau khi sát nhập bán đảo Crimea bất chấp sự phản đối và cáo buộc từ phía phương Tây.

Nhóm G7 hiện tại bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi G7 là “một nhóm các quốc gia rất lỗi thời” và muốn mời thêm Nga, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ gia nhập nhóm này.

Dự kiến Hội nghị Thượng đỉnh G7 2021 chính thức sẽ diễn ra vào tháng 6 tới nhưng chưa rõ liệu sự kiến này sẽ được tổ chức từ xa hay trực tiếp.

Xem thêm >> Giá Bitcoin lập đỉnh mới trên 56.000 USD, vốn hóa vượt 1.000 tỷ USD

Cùng chuyên mục
Tin khác